Về xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án hình sự
Trong bài viết tác giả đề cập đến xác định tư cách tham gia tố tụng của bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Chương IV, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) quy định về người tham gia tố tụng, trong đó Điều 55 quy định có 20 tư cách người tham gia tố tụng và được cụ thể từ Điều 56 đến Điều 70; các Điều 72, 83, 84 và Điều 434 để giải thích về khái niệm, quyền, nghĩa vụ của từng người tham gia tố tụng.
Thực tiễn việc xác định tư cách người tham gia tố tụng là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo rất rõ ràng, dễ xác định, còn đối với người tham gia tố tụng là bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong từng vụ án cụ thể rất khó xác định, dẫn đến những cách hiểu, quan điểm khác nhau.
1. Quan điểm khác nhau khi áp dụng
Những quy định của BLTTHS là phù hợp, tuy nhiên trong thực tiễn việc xác định tư cách bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; giữa nguyên đơn dân sự với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án; giữa bị đơn dân sự với bị hại còn có những quan điểm và ý kiến trái ngược nhau, dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết vụ án. Sau đây tác giả phân tích những trường hợp cụ thể:
a) Xác định tư cách tham gia tố tụng của bị hại với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án
Ví dụ 1: Do có mẫu thuẫn từ trước, A dùng dao chém B. B hoảng sợ bỏ chạy, A đã ném dao về phía B nhưng vô tình lại ném trúng C là người đi đường. Hậu quả B bị thương tích tỷ lệ 30%, C bị thương tích 9% và C không yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự đối với A. Trường hợp này xác định tư cách tham gia tố tụng của C như thế nào, là bị hại hay là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: A đã có hành vi dùng dao chém B, ném dao về phía B nhưng lại gây thương tích cho C là người đi đường, xác định ý chí chủ quan của A là nhằm cố ý gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe của B, không nhằm gây thương tích cho C. Trường hợp này xác định B là bị hại, C là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, vì ý chí chủ quan của A không nhằm gây thương tích cho C và C cũng không yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự đối với A nên không thể xác định C là bị hại.
Quan điểm thứ hai cho rằng: A có hành vi dùng dao chém B gây thương tích và ném dao gây thương tích cho C, mặc dù ý chí chủ quan của A nhằm gây tổn hại cho sức khỏe của B, không nhằm gây tổn hại cho sức khỏe của C, nhưng thực tế khách quan buộc B phải nhận thức rằng hành vi dùng dao ném B, ngoài việc có thể gây thương tích cho B, có thể sẽ gây thương tích cho người khác, vì vậy căn cứ vào hậu quả A gây ra phải xác định B và C là bị hại trong vụ án, mới đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho C.
Quan điểm tác giả: Đồng tình với quan điểm thứ nhất, mặc dù A có hành vi dùng dao chém, ném dao về phía B, gây thương tích cho B và C (người đi đường), tuy nhiên xác định tư cách tham gia tố tụng B là bị hại và C là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Bởi lẽ, ý chí chủ quan của A nhằm gây thương tích cho B, không nhằm gây thương tích cho C, A chỉ vô tình ném dao trúng C. Mặt khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác với tỷ lệ thương tật dưới 11% phải có đơn yêu cầu của bị hại thì cơ quan tiến hành tố tụng mới xử lý và xác định tư cách tham gia tố tụng là bị hại. Trường hợp này mặc dù trên thực tế C có bị tổn hại về sức khỏe do A gây ra nhưng C không có yêu cầu xử lý hình sự, vì vậy xác định tư cách của C là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án (liên quan đến vấn đề tiền cấp cứu điều trị cho C) là phù hợp.
Ví dụ 2: A và B có quan hệ là anh em trong gia đình, A mượn B chiếc xe mô tô Exciter để sử dụng. Ngày 23/1/2021 khi A nhậu tại quán C ở huyện Y, A để chiếc xe mô tô bên ngoài không khóa cổ thì bị D lấy trộm, trị giá chiếc xe mô tô Exciter là 30.000.000đ. D bị xử lý về tội Trộm cắp tài sản theo khoản 1, Điều 173 BLHS năm 2015. Trong vụ án này có những quan điểm khác nhau về xác định tư cách bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Xác định tư cách tham gia tố tụng của A là bị hại, B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, mặc dù A chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng, không có quyền định đoạt chiếc xe mô tô Exciter. Bởi vì trên thực tế A là người đang trực tiếp quản lý và sử dụng hợp pháp chiếc xe Exciter, xe bị mất trộm A phải có trách nhiệm bồi thường tài sản cho B. B tuy là chủ sở hữu chiếc xe mô tô nhưng xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Xác định tư cách tham gia tố tụng của B là bị hại, A là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bởi vì B là chủ sở hữu chiếc xe Exciter, B mới có quyền định đoạt, A chỉ được giao quyền chiếm hữu, sử dụng nhưng không có quyền định đoạt, xe mô tô bị lấy trộm, B bị thiệt hại về tài sản, A không bị thiệt hại về tài sản.
Quan điểm tác giả: Đồng tình với quan điểm thứ nhất, người đang quản lý hoặc trông giữ hợp pháp tài sản là bị hại trong vụ án hình sự vì thiệt hại của họ là đối tượng tác động trực tiếp của tội phạm, tức là có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả của tội phạm gây ra, còn chủ sở hữu tài sản là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
b) Xác định tư cách tham gia tố tụng của nguyên đơn dân sự với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Thực tiễn cho thấy, việc phân biệt và xác định tư cách tố tụng của nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án gặp vướng mắc, có những quan điểm khác nhau.
Ví dụ: A và B là hai quân nhân thuộc đơn vị D. A đánh B gây thương tích cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện quân y C. Sau khi B ra viện, Bệnh viện quân y C đã làm thủ tục thanh toán với Cơ quan bảo hiểm quân đội. A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015. Trường hợp này xác định tư cách tham gia tố tụng của Bệnh viện quân y C và Cơ quan bảo hiểm quân đội như thế nào? Cơ quan nào là nguyên đơn dân sự, cơ quan nào là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án?
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trường hợp này A phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra đối với B. Luật Bảo hiểm quy định các trường hợp không được chi trả như thiệt hại do tội phạm gây ra như gây tai nạn giao thông, đánh nhau gây thương tích… A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích và bị kết tội có cơ sở khẳng định trường hợp này việc cứu chữa, điều trị cho B thuộc trường hợp bảo hiểm không chi trả, về nguyên tắc A phải bồi thường cho B nhưng chi phí điều trị đã được Bệnh viện quân y C thanh toán, vì vậy, xác định tư cách tham gia tố tụng của Bệnh viện quân y C là nguyên đơn dân sự, cơ quan bảo hiểm quân đội là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Chi phí mà Bệnh viện quân y C chi trả cấp cứu, điều trị cho B thì A phải bồi hoàn, cần được xem xét lại vì cho đến nay không có quy định ngân sách cấp cho quân y chỉ dùng cho trường hợp bình thường, không dùng cho trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật. Hoạt động bảo hiểm và hoạt động bảo đảm quốc phòng cho các cơ sở quân y là khác nhau về bản chất, mục đích và cách chi trả. Cho nên không thể vận dụng Luật bảo hiểm cho hoạt động bảo đảm của các cơ sở quân y. Cơ quan bảo hiểm quân đội đã chi trả số tiền cấp cứu điều trị B cho Bệnh viện quân y C, vì vậy xác định tư cách tham gia tố tụng của Cơ quan bảo hiểm quân đội là nguyên đơn dân sự mới đúng, Bệnh viện quân y C là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Quan điểm tác giả: Đồng tình với quan điểm thứ hai, trường hợp trên xác định tư cách tham gia tố tụng của Cơ quan Bảo hiểm quân đội là nguyên đơn dân sự vì bị tội phạm gây thiệt hại gián tiếp (nếu cơ quan Bảo hiểm quân đội có đơn yêu cầu A bồi hoàn tiền cấp cứu điều trị), Bệnh viện quân y C là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án vì đã chi trả tiền cấp cứu điều trị cho B (cơ quan bảo hiểu đã thanh toán lại tiền cấp cứu điều trị cho Bệnh viện). Nếu cơ quan bảo hiểm quân đội không có đơn yêu cầu A hoàn lại tiền cấp cứu điều trị B, thì xác định tư cách tham gia tố tụng của cơ quan bảo hiểm quân đội là người làm chứng.
Theo hướng dẫn của Tòa án quân sự Trung ương, việc xác định tư cách tham gia tố tụng đối với trường hợp trên như sau: Nếu Bệnh viện quân y đã làm hồ sơ thanh quyết toán và được Cơ quan Bảo hiểm quân đội duyệt chi thì xác định Cơ quan Bảo hiểm quân đội là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và buộc bị cáo phải hoàn trả lại số tiền này cho cơ quan bảo hiểm quân đội. Trường hợp Bệnh viện quân y đã chi trả và thanh toán tiền chi phí cứu chữa cho bị hại là quân nhân nhưng chưa được cơ quan Bảo hiểm quân đội thanh toán thì vẫn xác định Bệnh viện quân y là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; xác định cơ quan bảo hiểm quân đội là nguyên đơn dân sự nếu có đơn yêu cầu bị cáo bồi hoàn chi phí cấp cứu điều trị.
c) Xác định tư cách tham gia tố tụng của bị đơn dân sự với bị hại
Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của bị đơn dân sự với bị hại trong trường hợp cụ thể còn có những quan điểm khác nhau.
Ví dụ: Công ty B thuê A lái xe ô tô. A gây tai nạn làm C, D chết, gây thiệt hại về tài sản (xe ô tô của Công ty B trên 100 triệu đồng). A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điểm d khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015. Xác định C, D là bị hại, xác định tư cách tham gia tố tụng của Công ty B là bị đơn dân sự, bị hại hay với tư cách tham gia tố tụng gì?
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Xác định tư cách tham gia tố tụng của C, D và Công ty B đều là bị hại bởi A gây thiệt hại về tính mạng cho C, D và gây thiệt hại về tài sản cho Công ty B trên 100 triệu đồng. A phải có trách nhiệm bồi thường tổn thất về tính mạng cho C, D và thiệt hại về tài sản cho Công ty B.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Trường hợp này Tòa án thu thập hợp đồng lao động ký kết giữa Công ty B với A để xử lý, nếu trong hợp đồng quy định trường hợp gây tai nạn A hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường thì A phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Xác định C, D là bị hại và xác định Công ty B là người làm chứng vì Công ty B không có trách nhiệm bồi thường tai nạn do A gây ra.
Quan điểm tác giả: Tòa án thu thập hợp đồng lao động ký kết giữa A và Công ty B, nếu hợp đồng quy định khi xảy ra tai nạn, Công ty B là chủ sở hữu xe phải bồi thường thì xác định Công ty B là bị đơn dân sự. Trường hợp trong hợp đồng lao động quy định A phải chịu trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tai nạn vẫn xác định Công ty B là bị đơn dân sự bởi vì theo quy định chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải chịu trách nhiệm bồi thường cả khi không có lỗi. Sau khi thực hiện xong trách nhiệm bồi thường cho C, D và chi phí sửa xe ô tô, Công ty B có quyền yêu cầu A hoàn trả lại cho Công ty B bằng vụ việc dân sự khác.
2. Đề xuất, kiến nghị
a) Hoàn thiện pháp luật về xác định tư cách người tham gia tố tụng
Từ phân tích trên, để hoàn thiện pháp luật về xác định tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự, tác giả có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền cần quy định rõ hơn hoặc có sự giải thích phù hợp đối với khái niệm của người tham gia tố tụng hay bị nhầm lẫn như bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Cần quy định loại trừ những chủ thể được xác định là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, bị hại thì không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án bởi vì khái niệm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có phạm vi rộng.
Thứ hai, bổ sung điều luật quy định về người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo, đồng thời xác định người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo phải là đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp bị can, bị cáo ủy quyền cho người khác thuê người bào chữa; người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là đại diện theo ủy quyền.
Thứ ba, bổ sung vào khoản 1 Điều 71 BLTTHS năm 2015 trách nhiệm xác định chính xác tư cách người tham gia tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền của từng chủ thể khi tham gia vào vụ án hình sự: “Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm xác định chính xác tư cách người tham gia tố tụng, thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này”.
b) Giải pháp về thực tiễn: Các cơ quan, người tiến hành tố tụng cần xác định rõ tư cách tham gia tố tụng của mỗi chủ thể trong các văn bản kết thúc các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm để cơ quan có thẩm quyền ở giai đoạn tố tụng sau biết việc xác định tư cách người tham gia tố tụng ở giai đoạn tố tụng trước có đúng quy định pháp luật hay không. Đối với Tòa án, trước khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để xác định đúng tư cách người tham gia tố tụng. Khi có những quan điểm, cách hiểu khác nhau về xác định tư cách người tham gia tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải phối hợp họp ba ngành để thống nhất, tránh việc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung cũng như tránh bị hủy án sau xét xử.
Tóm lại: Trong một vụ án nhưng xác định tư cách tham gia tố tụng lại có những cách hiểu, quan điểm khác nhau. Xác định đúng tư cách người tham gia tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng. Việc xác định sai tư cách người tham gia tố tụng sẽ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ, trong một số trường hợp việc xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc hủy án.
Tòa án huyện Trùng Khánh, Cao Bằng xét xử vụ án cố ý gây thương tích - Ảnh: Lương Lệ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận