Về yếu tố hậu quả trong một số cấu thành tội phạm vật chất
A là bảo vệ cơ quan, đã sơ suất, thiếu trách nhiệm để B vào trộm tài sản trị giá 1 tỉ đồng. A có phải bồi thường thiệt hại cho cơ quan hay không? Tình huống giả định này đặt ra vấn đề nguyên nhân và hậu quả, phải được hiểu một cách thấu đáo, để giải quyết vụ án đúng pháp luật.
Nguyên nhân và hậu quả
Cấu thành tội phạm vật chất là cấu thành tội phạm mà trong đó có các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi khách quan (còn có thể gọi là nguyên nhân), hậu quả (còn có thể gọi là kết quả), mối quan hệ giữa hành vi khách quan và hậu quả.
Trong BLHS, cấu thành tội phạm vật chất chiếm phần lớn, do đó, theo tác giả, việc nắm vững kiến thức triết học Mác – Lê Nin về cặp phạm trù nguyên nhân – kết quả có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định tội.
Ví dụ: A là bảo vệ cơ quan, do thiếu trách nhiệm trong nhiệm vụ bảo vệ đã để B đột nhập vào lấy trộm tài sản trị giá 1 tỉ đồng; hay C là thủ trưởng cơ quan, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý tài sản, để cấp dưới là D tham ô tài sản giá trị 1 tỉ đồng. Trong các trường hợp này việc truy cứu trách nhiệm hình sự B về tội trộm cắp tài sản, theo khoản 4 Điều 173 BLHS; truy cứu trách nhiệm hình sự D về tội tham ô tài sản, theo khoản 4 Điều 353 BLHS có lẽ là điều không phải bàn cãi. Thế nhưng đối với A và C, có truy cứu trách nhiệm hình sự những người này về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 Điều 360 BLHS, hoặc về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, theo khoản 2 Điều 179 BLHS hay không, theo tác giả, chưa hẳn đã có sự thống nhất.
Về ví dụ trên, quan điểm của tác giả là không thể truy cứu trách nhiệm hình sự của A và C theo các tội danh này, vì người gây thiệt hại 1 tỉ đồng trong hai trường hợp trên là B và D. Sự thiếu trách nhiệm của A và C có dẫn đến việc tạo điều kiện cho B và D chiếm đoạt được tài sản, gây thiệt hại tài sản cho cơ quan, nhưng nếu cho rằng các hành vi trên của A và C là gây thiệt hại về tài sản cho cơ quan, sẽ dẫn đến một bất hợp lý không có cách nào lý giải được. Cụ thể, đó là theo quy định tại các Điều 275 về căn cứ phát sinh nghĩa vụ và Điều 585 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại của BLDS, thì người gây ra thiệt hại phải bồi thường và bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Trong hai trường hợp này, rõ ràng chỉ có B và D phải bồi thường thiệt hại, mỗi người 1 tỉ đồng; còn đối với A và C, pháp luật không thể buộc họ bồi thường thiệt hại đối với 1 tỉ đồng trong mỗi trường hợp. Có chăng là đối với A, có thể cơ quan buộc A phải tạm thời bồi thường trong trường hợp hành vi phạm tội của B chưa bị phát hiện hoặc trong Nội quy cơ quan hay trong hợp đồng lao động đã ký kết có quy định điều đó. Và khi đã không thể buộc họ bồi thường thiệt hại, thì cũng có nghĩa là pháp luật thừa nhận họ không gây ra thiệt hại. Do đó không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ theo một trong các tội danh quy định tại các Điều 179, 360 BLHS.
Như vậy, trong hai trường hợp này, có thể thấy hậu quả cơ quan bị thiệt hại 1 tỉ đồng, nguyên nhân là do hành vi trộm cắp tài sản, tham ô tài sản của B và D; hành vi thiếu trách nhiệm của A và C không phải là nguyên nhân, chỉ là điều kiện tác động là cho kết quả được diễn ra, hoặc diễn ra dễ dàng hơn mà thôi.
Phức tạp trong thực tiễn áp dụng pháp luật
Để làm rõ hơn quan điểm này và thấy được sự phức tạp trong thực tiễn áp dụng pháp luật, tác giả xin nêu, phân tích một vụ án xảy ra trong thời gian gần đây, mà quan điểm giải quyết của các cơ quan pháp luật, của những người làm công tác pháp luật đang có những sự khác biệt lớn:
Năm 2018, Ban quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu thành phố H (sau đây gọi là Ban quản lý dự án) được UBND Tỉnh giao làm đại diện chủ đầu tư, trực tiếp quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các gói thầu DH-3.1 và DH/NC1 về rà phá bom mìn. Ban quản lý dự án đã thành lập Tổ quản lý đối với hai gói thầu trên, gồm 4 thành viên, trong đó có một giám đốc, một phó giám đốc của Ban quản lý dự án.
Ban quản lý dự án đã ký hợp đồng với Công ty hợp tác kinh tế Quân khu về khảo sát, lập phương án thi công dự toán rà phá bom mìn; với Tổng công ty xây dựng TS về thi công rà phá bom mìn đối với hai gói thầu trên, trị giá các Hợp đồng là 14.226.996.000 đồng.
Trong quá trình thực hiện việc khảo sát, lập phương án thi công và thi công hai gói thầu trên, 6 bị can thuộc Công ty hợp tác kinh tế Quân khu và Chi nhánh TM thuộc Tổng công ty xây dựng ST đã có hành vi gian dối, không thực hiện công việc theo đúng Hợp đồng đã ký kết và Phương án thi công đã được phê duyệt, nhưng vẫn làm hồ sơ quyết toán theo giá trị các Hợp đồng đã ký, thanh toán khống số tiền 5.507.692.130 đồng.
Các thành viên trong Tổ quản lý dự án, do có một số sai phạm trong quá trình quản lý Dự án, như chỉ mới ký Hợp đồng nguyên tắc, chưa ký hợp đồng thi công đã cho phép nhà thầu thi công; cho phép đơn vị thi công rà phá bom mìn trên hiện trường khi chưa có phương án kỹ thuật thi công được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thi công khi chưa ký kết hợp đồng với đơn vị có chức năng giám sát; nghiệm thu, thanh toán trong khi khối lượng thực hiện không có phương án thi công được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 Điều 224 BLHS. Hậu quả nghiêm trọng nói trên, theo cơ quan chức năng chính là số tiền 5.507.692.130 đồng, mà 6 bị can thuộc Công ty hợp tác kinh tế Quân khu và Chi nhánh TM thuộc Tổng công ty xây dựng ST đã thanh toán khống.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị can thuộc Tổ quản lý dự án, theo tác giả, có mấy vấn đề cần trao đổi sau:
Thứ nhất, hậu quả thanh toán khống, làm Nhà nước thất thoát số tiền 5.507.692.130 đồng, phải xác định là do 6 bị can thuộc Công ty hợp tác kinh tế Quân khu và Chi nhánh TM thuộc Tổng công ty xây dựng ST gây ra. Việc xác định này dựa trên việc xác định ai là người có trách nhiệm bồi thường. Rõ ràng trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với khoản tiền này là thuộc 6 bị can nói trên, không thuộc các bị can trong Tổ quản lý dự án. Và khi mà các bị can trong Tổ quản lý dự án không có trách nhiệm bồi thường, thì cũng không thể xác định họ là người đã gây ra thiệt hại. Do đó, không thể xem số tiền Nhà nước bị thất thoát 5.507.692.130 đồng là do các bị can trong Tổ quản lý dự án gây ra.
Những sai phạm nói trên của họ chỉ là điều kiện thuận lợi để 6 bị can thuộc Công ty hợp tác kinh tế Quân khu và Chi nhánh TM thuộc Tổng công ty xây dựng ST thực hiện được việc thanh toán khống, làm Nhà nước thất thoát số tiền 5.507.692.130 đồng; không phải là nguyên nhân gây ra thất thoát cho Nhà nước số tiền này. Vì vậy việc truy cứu trách nhiệm hình sự 4 bị can thuộc Tổ quản lý dự án về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng là không thỏa đáng.
Thứ hai, hậu quả nói tại Điều luật 224 BLHS về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, cần hiểu thường là các hành vi sai phạm trong quyết định đầu tư xây dựng, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình, lựa chọn nhà thầu không đúng quy định của Luật Xây dựng; dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, xây dựng công trình, dẫn đến sự lãng phí do công trình không phát huy tác dụng, không sử dụng được vào việc gì, hay chất lượng công trình kém, sử dụng có thể gây nguy hiểm, buộc phải phá bỏ hoặc bổ sung thêm kinh phí để khắc phục. Việc công trình xây xong không sử dụng được, chất lượng công trình kém phải bổ sung thêm kinh phí để khắc phục, thì toàn bộ chi phí xây dựng công trình, hoặc kinh phí bổ sung để khắc phục chính là giá trị thiệt hại, là hậu quả do nguyên nhân là các sai phạm nói trên.
Trong vụ án này, nếu có hậu quả mà các thành viên trong Tổ quản lý dự án phải chịu trách nhiệm, thì hậu quả thường ở các dạng: sau khi quyết toán, xảy ra việc bom, mìn còn sót lại, gây nổ, gây thiệt hại, mà nguyên nhân xuất phát từ những sai phạm nói trên của các thành viên Tổ quản lý dự án; hay qua công tác thanh tra, kiểm tra, thấy rằng việc rà phá bom mìn chưa bảo đảm, cần phải tiến hành lại, trong khi một số công trình đã được xây dựng trên đó, do Dự án đã hoàn thành và bàn giao trước đó, việc rà phá lại nhằm bảo đảm an toàn buộc phải đập phá, loại bỏ những công trình này, mà nguyên nhân của việc rà phá bom, mìn chưa bảo đảm, cũng xuất phát từ những sai phạm nói trên của các thành viên Tổ quản lý dự án. Việc bom, mìn sót lại, gây nổ, gây thiệt hại về người và tài sản, hay những chi phí cho việc rà phá lại bom, mìn và cả bồi thường cho những công trình bị phá bỏ chính là những thiệt hại do các thành viên Tổ quản lý Dự án gây ra trong trường hợp này.
Như vậy Điều luật 224 BLHS về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, nói chung là để áp dụng đối với các hành vi nguy hiểm cho xã hội như một số hành vi mà tác giả mô tả trên, không áp dụng đối với những trường hợp mà về hậu quả Cơ quan pháp luật đã xác định được một cách rõ ràng có chủ thể khác phải chịu trách nhiệm đối với việc bồi thường dân sự.
TAND huyện Tây Sơn, Bình Định xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Chi Lê
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận