Vi phạm pháp luật và tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp
Ngày 3/9, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 13. Phiên họp dự kiến diễn ra từ ngày 03-06/9. Ủy ban đã thảo luận về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019.
Nhiều vấn đề mới chưa có giải pháp xử lý hiệu quả
Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, mặc dù năm 2019 tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những biến động, phức tạp đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Song Chính phủ đã chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương – Ảnh QH.VN
Trong năm 2019, đã điều tra, làm rõ 33.470 vụ phạm pháp hình sự về trật tự xã hội, các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt, trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, qua phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm 0,78% số vụ phạm pháp hình sự, nhiều loại tội phạm như tội giết người, hiếp dâm, trộm cắp tài sản, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc… được kéo giảm.
Tuy nhiên, dù tình hình tội phạm về trật tự xã hội đã được kiểm chế, làm giảm về số vụ nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tính từ 01/10/2018 đến 31/7/2019, toàn quốc xảy ra 39.776 vụ phạm pháp hình sự. Đáng lưu ý, xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo, nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp gây ra, gây lo lắng trong nhân dân. Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều; xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai. Tội phạm có tổ chức vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là hoạt động núp bóng doanh nghiệp, bảo kê bến bãi, tín dụng đen, cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê.
Về kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, các lực lượng chức năng phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã phát hiện 20.558 vụ vi phạm pháp luật về môi trường với 2.397 tổ chức và 18.979 cá nhân vi phạm, khởi tố 299 vụ, 324 bị can, xử lý hành chính 16.829 trường hợp, phạt trên 215 tỷ đồng. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin tin, mạng viễn thông phát hiện 287 vụ, 437 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật, khởi tố 127 vụ với 258 bị can. Đối với tội phạm ma túy, đã phát hiện 20.247 vụ, 31.464 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 1.011,08 kg heroin, 5.995,99 kg và 855.498 viên ma túy tổng hợp, 610,646 kg thuốc phiện, 768,03 kg cần sa.
Thượng tướng Lê Quý Vương cũng cho hay, mặc dù còn nhiều nỗ lực cố gắng nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực vẫn còn tồn tại, thiếu sót chưa theo kịp với sự phát triển, còn kẽ hở cho tội phạm, vi phạm pháp luật nhất là những vấn đề liên quan đến không gian mạng. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Một số loại tội phạm như trộm cắp, cướp giật tài sản… xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra khám phá thấp; tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng phức tạp. Nhiều vấn đề mới chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.
Nâng cao chất lượng phòng chống tội phạm còn chậm
Nhận định về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho rằng báo cáo về cơ bản đã bám sát vào các yêu cầu theo đề cương báo cáo của Ủy ban Tư pháp, có bản đồng tình với báo cáo… Tuy nhiên, báo cáo vẫn chưa đánh giá được tổng thể tình hình xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc, nhất là các bộ, ngành; việc triển khai thực hiện một số kiến nghị của Ủy ban Tư pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm còn chậm.
Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Pha phát biểu ý kiến – Ảnh QH.VN
Ông Pha cho rằng “Vi phạm pháp luật và tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong các cơ quan và nhân viên nhà nước khi thực thi công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân và tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân và công luận, tuy nhiên, việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và giảm (0,35%) so với cùng kỳ”.
Việc phát hiện các hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng còn nhiều hạn chế, có vụ làm xăng giả với quy mô lớn, tiêu thụ trên nhiều địa phương, kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị phát hiện xử lý. Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng đã diễn ra công khai tại nhiều địa phương, trong thời gian dài đến nay mới bị cơ quan chức năng xử lý và mức độ xử lý còn chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.
Bên cạnh đó, công tác điều tra vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm mới đạt 84,8%, chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết số 37. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vị phạm. Chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế trong thu thập, đánh giá chứng cứ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha đề nghị Chính phủ cần sớm khắc phục những hạn chế đã nêu và tiếp tục đánh giá kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, UBTVQH, Ủy ban Tư pháp và đại biểu Quốc hội đã nêu tại các kỳ họp trước. Đề nghị Chính phủ trong thời gian tới tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực lĩnh vực trật tự xây dựng, thương mại, giao thông, công nghệ thông tin… để hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm pháp luật, tội phạm trên các lĩnh vực này.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã nghe trình bày báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC, báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác của các tòa án, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2019 và các báo cáo nghiên cứu về các báo cáo trên đây.
Theo báo cáo của TANDTC, từ ngày 1/10/2018 đến 31/7/2019, các Toà án đã xét xử sơ thẩm 240/409 vụ án kinh tế, tham nhũng với 517 bị cáo, tăng 83 vụ với 119 bị cáo so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đáng chú ý vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm bị truy tố, xét xử về tội “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”, “Tổ chức đánh bạc”… xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; vụ án Phan Văn Anh Vũ phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương…
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
1 Bình luận
Hồng Hà
18:33 23/12.2024Trả lời