Vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19 – Vấn đề đáng quan tâm hiện nay

Trong những ngày cả nước căng mình chống dịch thì tình trạng vi phạm quy định trong phòng, chống dịch Covid-19 vẫn diễn ra khá phổ biến. Điều đó đặt ra cho các cơ quan chức năng trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra và xử lý hiệu quả hơn nữa; đồng thời nhắc nhở mọi người tự nâng cao ý thức chấp hành các quy định phòng chống dịch.

Truy tố trước pháp luật

Ngày 11/8, TAND TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Vũ Nhật Tân 14 tháng tù về tội Chống người thi hành công vụ. Trước đó, Tuân đi xe máy trên đường, đến chốt kiểm tra phòng chống dịch bệnh Covid-19, được yêu cầu cung cấp thông tin về nơi đến, Tân không chấp hành, sau đó lớn tiếng xúc phạm và thách thức đối với người yêu cầu. Hơn nữa, Tân còn nhảy lên xe máy, điều khiển xe tông thẳng vào một cán bộ, nhưng không trúng. Sau đó, Tân hành hung người cán bộ này nên bị tổ công tác khống chế bắt giữ và đưa về trụ sở công an. Thời điểm Tân bị bắt giữ có sử dụng ma túy.

Trước đó, TAND huyện Sơn Hòa và huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) cũng đưa ra xét xử hai đối tượng về hành vi “Chống người thi hành công vụ” liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.

Theo bản án sơ thẩm của Tòa án huyện Sơn Hòa, ngày 20/7, sau khi uống rượu, Trần Minh Luân đến chốt trực phong tỏa phòng, chống dịch COVID-19 ở khu phố Tây Hòa để đòi ra ngoài. Lực lượng chức năng giải thích, yêu cầu chấp hành quy định nhưng Luân không chấp hành, lại dùng vỏ chai thủy tinh vỡ tấn công lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt, gây thương tích cho một thành viên. Điều đáng lên án là nhà Luân nằm trong khu vực phong tỏa, trong khi bản thân Luân lại đang thuộc diện cách ly tại nhà sau thời gian cách ly tập trung. Luân bị phạt 1 năm tù.

Tòa án huyện Phú Hòa cũng tuyên phạt 9 tháng tù giam đối với bị cáo Phạm Văn Hiếu về tội “Chống người thi hành công vụ”. Hiếu có hành vi chửi bới, dùng mũ bảo hiểm tấn công tổ tuần tra lưu động của Công an huyện Phú Hòa và Công an xã Hòa An đang phối hợp tuần tra, tuyên truyền, xử lý hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch tại khu vực vòng xuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 25.

 

 TAND huyện Yên Phong (Bắc Ninh) xét xử bị cáo Nguyễn Quốc Thỏa  về tội “Chống người thi hành công vụ” với hành vi không đeo khẩu trang, tấn công lực lượng phòng chống dịch - Ảnh: CAND

 

Công an tỉnh Đăk Lăk cũng khởi tố 2 vụ án hình sự “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Điều 240 BLHS.

Đây chỉ là một vài trường hợp các đối tượng vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19 bị xử lý về hình sự, chiếm tỷ lệ nhỏ so với các trường hợp bị xử phạt hành chính cũng về hành vi này.

Xử phạt hành chính hàng tỷ đồng

Khắp các địa phương trong cả nước, với các mức độ khác nhau, tình trạng vi  phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp.

Ở  Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17/CT-UBND, chỉ 24 giờ từ 11h ngày 30/7 đến 11h ngày 31/7, chính quyền các cấp xử phạt 689 trường hợp vi phạm phòng chống dịch. Trong đó, 105 trường hợp bị xử phạt về hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng; 9 cơ sở không chấp hành việc tạm dừng hoạt động kinh doanh; 575 trường hợp bị xử phạt với các hành vi vi phạm khác (không thực hiện biện pháp cách ly; tập trung đông người nơi công cộng; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách...).

Sau hơn 1 tuần giãn cách xã hội toàn thành phố, các cơ quan chức năng xử phạt hơn 8 tỷ đồng các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Một trong những trường hợp điển hình là ngày 30/7, tại chốt kiểm dịch số 127, Lạc Long Quân (quận Cầu Giấy), Tổ công tác phát hiện ông N.V.H. có hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, đã nhắc nhở và yêu cầu đeo khẩu trang, ông H. không chấp hành và có lời lẽ lăng mạ, chửi bới, dùng mũ cối đập vào mặt một cán bộ Công an phường Nghĩa Đô, gây thương tích vùng đuôi mắt trái.

Ở Vĩnh Long, ngày 4/8, Công an xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 đối tượng về hành vi đánh bạc và hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người được quy định tại Nghị định số 117 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Mỗi đối tượng bị phạt tiền 16,5 triệu đồng.

Ở TP Biên Hòa, Đồng Nai, trong 1 tháng, phát hiện gần 8 ngàn trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch, xử phạt hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, 20 tổ tuần tra lưu động đã phát hiện hơn 3100 trường hợp vi phạm, lập biên bản xử phạt hơn 3,5 tỷ đồng. Số còn lại công an các phường, xã trên địa bàn thành phố phát hiện, xử lý. Qua kết quả thống kê cho thấy trường hợp vi phạm nhiều nhất vẫn là hành vi ra đường khi không thực sự cần thiết với hơn 5500 ngàn lượt; vứt khẩu trang không đúng nơi quy định hơn 1400 trường hợp; không đeo khẩu trang hơn 450 trường hợp… Có thể nói những vi phạm này khá phổ biến trong cả nước.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tính từ đầu năm 2021 đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản hàng trăm trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch, xử phạt hành chính gần 1 tỷ đồng.

Ở Long An, ngày 11/8, tại Cột mốc 211, Công an tỉnh Svay Riêng (Campuchia) bàn giao 16 công dân cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An. Các đối tượng trú tại các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa, vượt biên giới Lào để sang Thái Lan làm thuê. Do dịch bệnh nên các đối tượng vượt biên giới Thái Lan vào Campuchia, sau đó tìm cách nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Đến biên giới Campuchia - Việt Nam, những đối tượng này bị phát hiện, bắt giữ.

Ở Bắc Giang, tính từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 7, các cơ quan chức năng đã xử phạt 6.200 trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch với số tiền phạt hơn 11,8 tỷ đồng.

Các vi phạm chủ yếu thường thấy là không đeo khẩu trang nơi công cộng, tụ tập quá số người quy định; các cơ sở, dịch vụ kinh doanh không thiết yếu, quán ăn, bi-a, karaoke lén lút mở cửa giữa mùa dịch; đi ra đường tập thể dục hoặc khi không có việc cần thiết, vi phạm quy định “5K” và Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, bị xử phạt  theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế.

Đưa tin sai sự thật

Một trong những vấn đề đáng quan tâm trong mùa dịch là tin giả, đưa tin sai sự thật vì nhiều lý do, nhiều động cơ khác nhau.

Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã phạt hai chủ tài khoản Facebook, mỗi người 5 triệu đồng về hành vị đưa tin sai sự thật liên quan đến chuyện bác sĩ rút ống thở của mẹ để cứu một sản phụ. Các cơ quan chức năng khẳng định đây là tin giả, có dấu hiệu liên quan đến một đường dây tạo tin giả để trục lợi rất phức tạp.

Ninh Bình vừa ra quyết định xử phạt hành chính một đối tượng 7,5 triệu đồng về hành vi sửa kết quả phiếu thông báo kết quả xét nghiệm từ “âm tính” sang “dương tính” rồi đăng tải lên 2 nhóm nhằm mục đích trêu đùa. Hình ảnh được chia sẻ rộng trên mạng xã hội Zalo, gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Gia Viễn và tỉnh Ninh Bình.

Mới đây, thông tin về số lượng 786 người là F1 liên quan đến 1 ca F0 tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) lan truyền trên mạng xã hội khiến đại diện chính quyền địa phương phải lên tiếng khẳng định, đó là thông tin sai lệch. Đây là tin giả về nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng động nhằm gây hoang mang cho nhân dân.

Cơ quan chức năng  nhận định: Để dàn dựng nội dung, các đối tượng thường triệt để lợi dụng khoảng trống, độ trễ thông tin về dịch bệnh để tung ra những thông tin bịa đặt, những bình luận xuyên tạc. Thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng là lồng ghép thật - giả; giả mạo nguồn thông tin; giả mạo trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hoặc giả mạo phát ngôn của cơ quan chức năng, lãnh đạo cấp cao, chuyên gia, người nổi tiếng. Lợi dụng đặc tính lan tỏa nhanh của Internet, khai thác triệt để các tính năng của mạng xã hội như bình luận, chia sẻ, phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội để “phủ thông tin” tiêu cực đến đông đảo quần chúng nhân dân. Tạo ra những thông tin thất thiệt, đánh vào tâm lý lo lắng của người dân bằng chiêu thức giật gân, kích thích tò mò.

Trước tình hình này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Công văn cho biết: Thời gian qua, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc xin của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vắc xin phòng Covid-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa. Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip "tự phát" được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội… Nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.

Thực tế này nhắc nhở mỗi người dân cẩn thận, cân nhắc khi tham gia mạng xã hội, không tiếp tay cho tin giả lan truyền. Đó cũng là cách chống dịch hiệu quả, an toàn cho bản thân và tạo không gian thông tin lành mạnh cho cộng đồng.

 

Công an Đắc Lăk kiểm tra xử lý người vi phạm

 

 

 

 

 

THÁI VŨ