“Việc chưa có luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp cần phải phân tích, đánh giá kỹ”

Ngày 11/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, UBTVQH vừa thảo luận cho ý kiến về báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Bảo đảm nghiêm túc, bài bản, toàn diện

Theo Báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 (2014-2019) của Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, trong 5 năm qua, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQVN và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản nhằm chỉ đạo sát sao công tác triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm việc thực hiện các hoạt động được tiến hành nghiêm túc, bài bản, toàn diện.

Công tác xây dựng luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp được các cơ quan quan tâm và chỉ đạo sát sao, có những giải pháp để bảo đảm tiến độ và chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh, bảo đảm phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, gắn kết với việc thực hiện chủ trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp được xác định tại các nghị quyết của Đảng (Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW).

Tính đến hết tháng 6/2019, Quốc hội, UBTVQH đã ban hành 69 trên tổng số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13; còn 21 dự án luật, pháp lệnh nằm trong Danh mục này chưa được ban hành. Ngoài ra, Quốc hội, UBTVQH còn ban hành 34 luật, pháp lệnh không nằm trong Danh mục.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo – Ảnh QH

Các cơ quan, tổ chức đã phát huy sự chủ động, sáng tạo, tổ chức thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, chẳng hạn như: Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt công tác ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; chính quyền địa phương mạnh dạn đề xuất Quốc hội cho thí điểm thực hiện một số nội dung, cơ chế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình triển khai…

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế cơ bản trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp, việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp và pháp luật; đồng thời xác định rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan của các tồn tại, hạn chế này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho biết, thời gian tới, Chính phủ xác định 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là: Chủ động đề xuất các nội dung, giải pháp để triển khai thi hành Hiến pháp, pháp luật; Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiến pháp; Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các VBQPPL để cụ thể hóa đầy đủ, chính xác quy định của Hiến pháp; Tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, lập quy; Chỉ đạo việc tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả các luật, pháp lệnh; Thực hiện quyết liệt, nghiêm túc việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy; Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế và hoạch định chính sách, đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhiều nội dung của Hiến pháp chưa được cụ thể hóa

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, báo cáo đã phản ánh tương đối toàn diện, khách quan về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua nhằm bảo đảm triển khai thi hành Hiến pháp. Tính từ tháng 1/2014 đến nay, Quốc hội, UBTVQH đã thông qua 111 luật, bộ luật, pháp lệnh, trong đó có 69 bộ luật, luật, pháp lệnh thuộc danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718, chiếm tỷ lệ 62,16% tổng số luật, bộ luật, pháp lệnh được thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định – Ảnh: QH

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, công tác xây dựng pháp luật ở các cơ quan trung ương mặc dù đã được quan tâm nhưng một số đạo luật đến nay vẫn chưa được ban hành theo kế hoạch dự kiến; một số nội dung của Hiến pháp đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa hoặc cụ thể hóa chưa đầy đủ, trong đó có phân cấp, phân quyền…; chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa đồng đều; tiến độ xây dựng một số dự án luật, pháp lệnh còn chậm…

Về vấn đề này, báo cáo thẩm tra cũng nhận định, việc ban hành các luật, pháp lệnh trong danh mục triển khai thi hành Hiến pháp vẫn chưa đạt như Kế hoạch kèm theo Nghị quyết số 718 đề ra. Tính đến ngày 14/6/2019, còn 21 dự án luật, pháp lệnh trong Kế hoạch chưa được ban hành (chiếm 16,7%). Trong số các bộ luật, luật, pháp lệnh đã ban hành thì có những luật chậm ban hành so với dự kiến tiến độ đề ra 2 năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Báo cáo cần bổ sung đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế và kiến nghị đã được nêu trong các Báo cáo thành phần của các cơ quan, tổ chức về từng nội dung để từ đó có những đề xuất, kiến nghị phù hợp nhằm triển khai thi hành Hiến pháp trong thời gian tới. Cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ , Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung thêm đề xuất, kiến nghị đối với các chủ thể khác cũng có nhiệm vụ thi hành Hiến pháp như TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương MTTQVN.

Nhận định từ khi ban hành Hiến pháp năm 2013, Quốc hội Khóa XIII và XIV đã tập trung thực hiện, trong đó có sự cố gắng rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội cũng như hệ thống chính quyền các cấp, song Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn về 21 dự án luật, pháp lệnh chưa được ban hành theo đúng kế hoạch. Với 21 luật chưa ban hành, hết 2020 chúng ta có thể cụ thể hóa được không? Nếu không cụ thể hóa được thì tác động của nó thế nào đến những vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền con người, quyền công dân? Nêu thực trạng này, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị, việc chưa có luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp cần phải phân tích, đánh giá kỹ.

UBTVQH cũng chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót chưa làm tốt, chưa làm đầy đủ như trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để xây dựng Nhà nước pháp, thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Nhấn mạnh đây là nội dung rất lớn, thời gian qua, nhiều luật về tổ chức bộ máy từ cuối Khóa 13 đã cơ bản hoàn thiện, song theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga một số luật về tổ chức bộ máy mới ban hành được hơn 4 năm nay lại sửa đổi bổ sung, cần đặt ra vấn đề tầm nhìn trong xây dựng pháp luật, những vấn đề mới đặt ra trong hoàn thiện tổ chức bộ máy đã bám sát tinh thần của Hiến pháp chưa…

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng đã chỉ ra nhiều nội dung của Hiến pháp chưa được cụ thể hóa, thiếu các quy định cụ thể triển khai thực hiện như về xây dựng chính quyền địa phương phù hợp đạc điểm mô hình đô thị, nông thôn; hay quyền giám sát tối cao của Quốc hội; quyền quyết định chính sách dân tộc của Quốc hội… đề nghị tiếp tục tổng rà soát để hoàn thiện.

UBNVQH đề nghị làm rõ hơn các nội dung về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những lĩnh vực mới do thành tựu phát triển khoa học công nghệ, thông tin, điều kiện nguồn lực bảo đảm thực hiện các quy định của Hiến pháp. Bên cạnh đó, về quyền công dân và trong báo cáo Chính phủ cũng đã nêu rõ còn 03 luật là Luật về hội, biểu tình và hiến máu đặt ra trong chương trình nhưng chưa ban hành được, đề nghị phân tích rõ nguyên nhân, xác định lộ trình để bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đồng thời lưu ý đến đẩy mạnh giải thích Hiến pháp, xem xét áp dụng trực tiếp một số quy định của Hiến pháp, khắc phục tình trạng đợi văn bản mới có thể tổ chức triển khai.

NGUYỄN KIM DUNG