Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong tám công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và được ILO thông qua ngày 25/6/1957. Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007).
Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế – quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế – xã hội và pháp lý. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cho rằng, với những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, chủ chương nhất quán về hội nhập kinh tế quốc tế và sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật thời gian qua, việc xem xét gia nhập Công ước số 105 tại thời điểm hiện nay là chín muồi và hết sức cần thiết.
Gia nhập Công ước có tác động tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng nêu rõ, việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm quan điểm xuyên suốt trong chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta là xóa bỏ lao động cưỡng bức, đảm bảo quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Bên cạnh đó, việc gia nhập Công ước số 105 có tác động tích cực về chính trị đối ngoại, thể hiện cam kết chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ quốc gia thành viên của ILO và các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sẽ có tác động tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Đặc biệt, việc Việt Nam gia nhập và thi hành Công ước số 105 sẽ không làm tăng chi phí xã hội, chi phí triển khai thực hiện và không làm thay đổi nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam do Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 và các tiêu chuẩn của Công ước số 105 đã được đưa vào các cam kết trong EVFTA và CPTPP.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO. Đồng thời, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng cường và củng cố cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam. Do đó, việc xem xét quyết định gia nhập Công ước số 105 tại thời điểm này là chín muồi và cần thiết.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng cho rằng, để việc thực hiện các cam kết của Công ước số 105 có hiệu quả và có tính khả thi cao, Chính phủ cần ban hành quy định hướng dẫn chi tiết các dạng hành vi của lao động cưỡng bức, tạo hành lang pháp lý minh bạch giúp cơ quan thực thi pháp luật hoặc người lao động hay doanh nghiệp phát hiện nhanh chóng tình trạng lao động cưỡng bức.
Chính phủ sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện, tăng cường đào tạo nghề cho lao động Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động Việt Nam khi gia nhập Công ước
Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức có 10 Điều. Nội dung Công ước tập trung từ Điều 1 đến Điều 2; từ Điều 3 đến Điều 10 là những quy định về thủ tục.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết gia nhập Công ước, khẳng định việc trình Công ước thời điểm hiện nay là rất cần thiết; đánh giá cao Hồ sơ được chuẩn bị chi đáo, chặt chẽ, đủ điều kiện để phê chuẩn tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội tới đây. Ngoài ra, cũng có ý kiến lưu ý Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai việc thực thi Công ước, tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 105 tới người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan tổ chức có liên quan, đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động có liên quan theo đúng quy định của Công ước số 105.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ đồng tình và đánh giá cao việc kiến nghị Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng đây sẽ là một bước tiến tích cực sau khi Việt Nam gia nhập Công ước số 29 về lao động cưỡng bức, 1930 của ILO cũng như các Hiệp định tự do thể hệ mới mà Việt Nam đã tham gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh năm nay Việt Nam đồng thời đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN và cũng là năm Chủ tịch AIPA.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với tên gọi Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức; đồng ý cho áp dụng trực tiếp, không bảo lưu điều khoản nào; xây dựng bản phê chuẩn Công ước bằng 3 thứ tiếng (Việt Nam, Anh, Pháp). Sau 12 tháng đồng ý gia nhập sẽ ký với ILO theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc; áp dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, sau phiên họp, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội họp phiên toàn thể chính thức thẩm tra Tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước; sớm nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số, hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát tổng thể đối với việc thực thi hệ thống các công ước của ILO mà Việt Nam đã gia nhập.
Sau khi phê chuẩn, đề nghị Chính phủ sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện, bảo đảm đồng bộ và có hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường đào tạo nghề cho lao động Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực liên quan đến lao động và hợp tác lao động quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động Việt Nam khi gia nhập Công ước./.
CD
Bình luận