Vietjet Air đã hỗ trợ học viên bao nhiêu tiền trong gần 170.000 USD?

Như đã thông tin ở bài trước, phi công Huỳnh Phú Tài xin nghỉ việc vì lương giảm xuống chỉ còn 5 triệu đồng/tháng, nhưng Vietjet Air không cho nghỉ. Vietjet Air yêu cầu ông Huỳnh Phú Tài phải bồi thường gần 2 tỷ đồng. Vậy, Vietjet Air đã hỗ trợ những gì cho phi công này hoặc căn cứ vào đâu để đòi hỏi 1 con số như vậy?

Sau khi sơ tuyển học viên hoàn tất, ngày 22/4/2014  Vietjet Air thu của các học viên 4.000 USD/người với diễn giải là “phí quản lý”.

Ngày 20/5/2014, mỗi học viên đóng cho một người tên Hòa (giai đoạn này là Phó giám đốc nhân sự  Vietjet Air) hơn 11,5 triệu đồng để mua vé máy bay đi Mỹ.

Vietjet đưa học viên đến trường Ahart để trường này đào tạo phi công. Tại đây, ông Tài đã đóng 20.000 USD học phí (ngày 23/5/2014) và 1.500 USD phí sinh hoạt.

Đến ngày 29/9/2014, một lãnh đạo của Vietjet Air “vận động” học viên đóng tiếp 9.000 USD học phí và 2.000 USD phí sinh hoạt cho Ahart. Sở dĩ có sự “vận động” đóng tiền ở thời điểm này vì trường Ahart xảy ra chuyện, Tạp chí Tòa án nhân dân sẽ phân tích bằng một bài khác đối với vụ việc này.

Tính từ thời điểm tháng 4 đến ngày 7/11/2014, ông Tài đã bỏ tiền túi đóng cho Vietjet và trường Ahart tổng số tiền 37.000 USD.

Ngày 10/11/2014, Vietjet Air ban hành gói cho vay đối với học viên với số tiền 10.000 USD. Gói cho vay này được diễn giải là “vay giải cứu Cadet tới Air Venture”. Đây là lần đầu tiên Vietjet Air bỏ tiền túi để hỗ trợ các học viên mà Vietjet Air “gửi” đi đào tạo.

Tuy nhiên, ông Tài cho biết con số 10.000 USD chẳng biết Vietjet Air đã đóng cho trường Ahart hay Air Venture? Ông Tài cũng khẳng định cá nhân ông chỉ nghe Vietjet Air nói hỗ trợ cho vay chứ hoàn toàn không cầm tiền.

Từ tháng 5/2015 đến tháng 1/2017, ông Huỳnh Phú Tài đã học tập tại Air Venture với tổng số tiền học phí và sinh hoạt là 64.700 USD. Ông Tài khẳng định toàn bộ số tiền này do ông bỏ tiền túi đóng cho trường Air Venture, và đó là toàn bộ học phí, sinh hoạt.

Bảng thống kê chi phí đi lại, sinh hoạt và học phí của ông Huỳnh Phú Tài

Air Venture dạy các bằng phi công cơ bản như : Private Pilot License (PPL – Bằng phi công cá nhân); Instrument rating (IR – Bay bằng thiết bị, không nhìn bên ngoài trong điều kiện thời tiết xấu, tầm nhìn kém…); Multi Engine (ME – Bay máy bay hai động cơ cơ bản) Commercial Pilot Licence (CPL – Được phép bay chở khách như một dịch vụ). Còn Vietjet Air lại khai khác các phi cơ như A320, A321 nên ông Tài và nhiều học viên khác phải học thêm khóa huấn luyện chuyên biệt tại trường Alpha (Philippines).

Tại đây, ông Tài cho biết đã đóng 23.110 USD bằng tiền của cá nhân ông cho trường. Ông Tài cho biết thêm, việc dạy được các thầy trường Alpha đứng lớp. Riêng việc sát hạch do một người của Vietjet Air gửi qua. Đậu hay rớt đều do một mình người của Vietjet Air quyết định, trường Alpha chỉ cấp bằng theo ý kiến của người này.

Tính từ thời điểm bắt đầu ứng tuyển đến khi được trường Alpha cấp bằng, ông Huỳnh Phú Tài đóng 124.810 USD bằng tiền của cá nhân và gia đình vay mượn. Nếu tính luôn khoản “giải cứu học viên Ahart” mà Vietjet Air cho vay là 134.810 USD.

Trở về Việt Nam, ông Huỳnh Phú Tài làm việc cho Vietjet Air. Vì từng tuyến bay đều có đặc trưng riêng và phi công cũng phải được hướng dẫn để làm quen với từng đường bay, sân bay nên phi công phải được Line trainning. Ông Tài cho biết, Vietjet Air thu của mỗi phi công mới như ông số tiền 35.000 USD cho Line trainning (hướng dẫn tuyến bay).

Nhưng vì thiệt hại tại trường Ahart mà nhóm học viên đã gánh chịu, nên Vietjet Air chia số tiền 35.000 USD này thành 2 phần. 17.500 USD phi công sẽ đóng cho Vietjet, số còn lại sẽ trừ vào thu nhập trong 3 năm.

“Số nợ 17.500 USD line trainning và 10.000 USD mà Vietjet Air bảo đã cho tôi vay để giải cứu ở trường Ahart tôi đã trả dần trong suốt 2 năm qua. Hiện tại, còn bao nhiêu Vietjet Air cứ tính, tôi vẫn sẵn sàng trả khoản này. Tuy nhiên, cho tới hiện tại tôi vẫn chưa nhận được giấy xác nhận hoặc bất cứ bằng chứng nào thể hiện việc Vietjet Air giải ngân cho tôi số tiền 10.000 USD”, ông Tài cho biết.

Như vậy, không biết ngoài những khoản tiền đã liệt kê ở trên, Vietjet Air còn chi những khoản gì khác để “hỗ trợ” “giúp đỡ” mà học viên như ông Huỳnh Phú Tài không nắm được hay không? Tạp chí Tòa án nhân dân đã gửi công văn đề nghị thông tin nhưng đã hơn 40 ngày Vietjet Air vẫn chưa phản hồi.

Ông Huỳnh Phú Tài cũng thông tin thêm, sau 2 lần hòa giải vắng mặt thì bất ngờ ngày 21/3/2020, Vietjet Air đề nghị Phòng Lao động Thương binh và Xã hội Q.Tân Bình tổ chức hòa giải tranh chấp lao động với ông.

“Tuy nhiên, mục đích của người đại diện Vietjet Air không phải để hòa giải. Tôi nghĩ họ đang thực hiện các bước điều kiện để khởi kiện tôi ra tòa – Việc mà tôi đã làm trước đó”, ông Tài cho biết.

 

THẾ MỸ - VƯƠNG PHƯƠNG –