Vờ mất xe để chiếm đoạt xe của người gửi, tội gì?
Các đối tượng là nhân viên hợp đồng trông xe cho khách hàng, đã chiếm đoạt xe của khách hàng bằng thủ đoạn vờ mất trộm, xin bồi thường ít tiền hoặc xin mua lại giá rẻ. Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau trong xác định tội danh của nhóm này.
Nguyễn Văn N, Chu Văn S và Lê Minh T là nhân viên hợp đồng bảo vệ xe máy cho khách hàng của nhà hàng Đ (ngụ tại phường M, thành phố C, tỉnh Đ). Trong quá trình trông giữ xe, N, S, T bàn bạc với nhau và thực hiện kế hoạch chiếm đoạt tài sản của khách hàng như sau:
Vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 01/4/2019, anh Trần Văn M chạy xe SH vừa mới mua khoảng hơn một tháng đến nhà hàng Đ để uống bia và gửi xe cho S rồi lấy phiếu gửi xe số 026. Khi anh M vừa vào nhà hàng thì S gọi T và nói: “Đưa chiếc xe này đi”. T đưa xe SH của anh M dẫn vào bãi giữ xe, khi anh M vào trong quán thì T mang xe đi cất giấu rồi quay về. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, M uống bia xong và lấy xe ra về thì không thấy xe của mình ở đâu thì S và T giả vờ đi tìm và cuối cùng thừa nhận là do sơ ý nên để mất xe và chấp nhận bồi thường. Anh M đề nghị với chủ nhà hàng bồi thường nhưng chủ nhà hàng nói là: “Do nhà hàng hợp đồng giao khoán cho nhóm bảo vệ nên nhóm bảo vệ là người chịu trách nhiệm bồi thường”.
Sau đó, anh M đề nghị bồi thường giá tiền là 120.000.000 đồng vì xe mới mua được một tháng, xe chạy hơn 300km, có giấy tờ đầy đủ, khi mua về có tân trang thêm. Nhóm N, S, T đề nghị bồi thường 60.000.000 đồng. T nói với anh M: “Bọn em chấp nhận đền anh 80.000.000 đồng và khi nào có tiền bọn em sẽ trả cho anh, nếu anh kiện ra Công an hay Tòa án cũng vậy thôi”. Sau đó, S còn nói thêm là: “Bọn em nợ anh dài dài đó, vì hiện lương của tụi em làm bảo vệ thấp lắm”.
Liền lúc đó, N đưa ra phương án với anh M: “Do việc này xui rủi, không ai mong muốn, nên bọn em chấp nhận rủi ro, may ra tìm được, nếu anh chấp nhận bán chiếc xe đó cho bọn em thì giá là 60.000.000 đồng, bọn em sẽ về vay tiền đền cho anh và mua luôn xe của anh, sau này anh đỡ phải lằng nhằng với Công an. Nếu anh đồng ý, em nhờ bạn em vay tiền mang đến thanh toán cho anh ngay bây giờ”.
Anh M sau một lúc suy nghĩ đã chấp nhận bán chiếc xe SH và giao giấy tờ, đăng ký xe máy cho N với giá 60.000.000 đồng. Nhóm N, S, T sau đó đã bán chiếc xe SH cho người khác với giá 90.000.000 đồng, kiếm lợi được 30.000.000 đồng.
Nhóm N, S, T đã nhiều lần sử dụng thủ đoạn trên với nhiều khách hàng, Cơ quan CSĐT Công an thành phố C, tỉnh Đ đã tiến hành làm rõ thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của nhóm N, S, T.
Liên quan đến vấn đề định tội danh trong vụ án này có hai quan điểm như sau:
– Quan điểm thứ nhất cho rằng: N, S, T phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bởi vì, khi M vào gửi xe là đã ký hợp đồng gửi giữ tài sản, vì vậy nhóm N, S, T thực hiện việc chiếm đoạt khi đã có tài sản được giao trên cơ sở hợp đồng. Việc chiếm đoạt chiếc xe của anh M là bằng thủ đoạn gian dối, đó là nhóm N, S, T giả vờ làm mất xe của anh M, giả vờ làm động tác bồi thường và việc anh M bán chiếc xe đó với giá rẻ cũng xuất phát từ các thủ đoạn gian dối đó.
– Quan điểm thứ hai cho rằng: N, S, T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bởi trước hết nhóm N, S, T đã có ý định chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu, trước khi ký kết hợp đồng gửi giữ xe máy của anh M. Hợp đồng gửi xe máy giữa anh M và nhóm N, S, T là hợp đồng không đúng đắn, hợp đồng giả tạo (chỉ riêng đối với anh M). Cho nên, phải coi hành vi của nhóm N, S, T là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo quan điểm của tác giả, thì nhóm N, S, T không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi vì, nhóm N, S, T đã có ý định chiếm đoạt từ trước khi hợp đồng được ký kết, nhưng việc chiếm đoạt đó được thực hiện trên cơ sở hợp đồng một cách ngay thẳng, theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, nhóm của N, S, T có hành vi gian dối khi đã có tài sản được giao trên cơ sở hợp đồng gửi giữ tài sản. Mặt khác, nơi giữ xe là của nhà hàng Đ và việc gửi xe máy của anh M là bình thường, từ niềm tin có sẵn. Nhóm N, S, T không phải tạo lòng tin để anh M trao tài sản nên không thể coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi của “S gọi T nói đưa chiếc xe này đi…” đã thể hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được giao ngay thẳng trên cơ sở hợp đồng, tất cả các thủ đoạn gian dối như giả vờ làm mất xe, giả bồi thường và giả mua lại xe,… chỉ là hành vi nhằm che giấu việc chiếm đoạt tài sản của nhóm N, S, T. Mặc dù, nhóm N, S, T có ý định chiếm đoạt từ trước, có sự bàn bạc từ trước nhưng nhóm N, S, T không tạo ra hợp đồng giả tạo, mà hợp đồng gửi giữ là có thật. Anh M vào uống bia và gửi xe hoàn toàn tin tưởng vào việc nhà hàng có tổ chức gửi xe cho khách. Việc giao xe cho nhóm N, S, T không phải vì tin vào hành vi gian dối,… nên không thể cho rằng hành vi chiếm đoạt chiếc xe SH của nhóm N, S, T là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước hết, việc gửi xe là hợp đồng gửi giữ hoàn toàn thật, anh M giao xe cho nhóm N, S, T trên cơ sở hợp đồng hoàn toàn đúng đắn và ngay thẳng theo quy định của pháp luật dân sự. Sau khi có xe, việc nhóm N, S, T chiếm đoạt xe máy của anh M rồi giả vờ nói lỡ làm mất xe và xin bồi thường rồi giả vờ mua lại,… Đây chỉ là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn này xuất hiện sau khi đã giao kết hợp đồng, cho nên hành vi của nhóm N, S, T phù hợp với quy định của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng hành vi của nhóm N, S, T đã cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trên đây, là quan điểm của cá nhân tác giả, rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ bạn đọc và đồng nghiệp./.
Một bãi trông giữ xe tại Hà Nội – Ảnh: Thái Vũ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
2 Bình luận
Hồ Việt
18:52 23/12.2024Trả lời
Trần Trực
18:52 23/12.2024Trả lời