Vờ mất xe để chiếm đoạt xe của người gửi, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Sau khi nghiên cứu bài viết “Vờ mất xe để chiếm đoạt xe của người gửi, tội gì?” bài của tác giả ThS. Phan Thành Nhân đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 25/3/ 2020 tôi cho rằng đó là tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ nội dung vụ án theo tác giả hiện có hai quan điểm về việc định tội danh trong vụ án này. Quan điểm thứ nhất cho rằng: N, S, T phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Quan điểm thứ hai cho rằng: N, S, T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Và tác giả bài viết theo quan điểm thứ nhất.
Trên cơ sở nội dung vụ án, các quan điểm về việc xác định tội danh đối với hành vi của nhóm N, S, T trong đó có quan điểm của tác giả. Tôi có quan điểm không đồng tình với quan điểm của tác giả mà tôi đồng ý với quan điểm thứ 2 đó là N, S, T phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với ngoài lý do mà tác giả đã đưa ra; tôi xin được phản biện lại quan điểm 1 trong đó có quan điểm của tác giả, cụ thể:
Để xác định đúng tội danh đối với nhóm tội xâm phạm sỡ hữu có tính chất chiếm đoạt thì ngoài các yếu tố khách thể, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm đã thỏa mãn thì phải xét ở mặt khách quan của tội phạm. Đối với 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì sự giống và khác nhau ở biều hiện ở mặt khách quan, cụ thể là: Sự giống nhau thì cả 2 tội người thực hiện hành vi phạm tội đều có hành vi gian dối với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu tài sản, người quản lý tài sản nhưng sự khác nhau là hành vi gian dối được thực hiện ở 2 tội là khác nhau, cụ thể:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tội phạm hoàn thành khi chủ tài sản hay người quản lý tài sản chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho người phạm tội do trước đó người phạm tội có hành vi gian dối với mục đích chiếm đoạt được tài sản của chủ tài sản hay người quản lý tài sản.
Khác với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì thời điểm hoàn thành của tội phạm là dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện có khả năng nhưng cố tình không trả hay nói cách khác thủ đoạn gian dối thời điểm xuất hiện là sau khi nhận được tài sản hợp pháp thì hành vi gian dối mới xuất hiện. Do vậy, thời điểm hoàn thành của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đó là thời điểm bỏ trốn hay cố tình không trả trong khi có điều kiện có khả năng để trả hay gian dối để không trả.
Trở lại vụ án trên cho chúng ta thấy: Trong quá trình trông giữ xe, N, S, T bàn bạc với nhau và thực hiện kế hoạch chiếm đoạt tài sản của khách hàng, Khi anh Trần Văn M chạy xe SH vừa mới mua khoảng hơn một tháng đến nhà hàng thì S đã gọi T mang xe đi cất giấu rồi quay về. M uống bia xong và lấy xe ra về thì không thấy xe thì S và T giả vờ mất xe và chấp nhận bồi thường.
Liên tiếp sau đó nhóm N, S, T tiếp tục dùng thủ đoạn gian dối, khiến anh M phải chấp nhận bán chiếc xe SH và giao giấy tờ, đăng ký xe máy cho N với giá 60.000.000 đồng. Nhóm N, S, T sau đó đã bán chiếc xe SH cho người khác với giá 90.000.000 đồng, kiếm lợi được 30.000.000 đồng.
Trong vụ án này một kịch bản lừa đảo của nhóm đối tượng N, S, T thực hiện một cách rất chuyên nghiệp, từ việc vờ mất xe tạo ra vỏ bọc, cách thức để cho anh M tin là sự thật đây là tiền đề để liên tiếp sau đó các đối tượng người tung kẻ hứng cùng thực hiện hành vi đến cùng việc chiếm đoạt tài sản của anh M; hành vi gian dối đó là tiền đề là công cụ phương tiện để chiếm đoạt được tài sản thông qua sự chấp nhận vì tin tưởng việc mất xe SH đối với anh M là sự thật do sự sơ ý của nhóm đối tượng trên. Chính vì vậy, nhận định của tác giả khi cho rằng: “Nhóm N, S, T không phải tạo lòng tin để anh M trao tài sản nên không thể coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi của “S gọi T nói đưa chiếc xe này đi…” đã thể hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được giao ngay thẳng trên cơ sở hợp đồng, tất cả các thủ đoạn gian dối như giả vờ làm mất xe, giả bồi thường và giả mua lại xe,… chỉ là hành vi nhằm che giấu việc chiếm đoạt tài sản của nhóm N, S, T. Mặc dù, nhóm N, S, T có ý định chiếm đoạt từ trước, có sự bàn bạc từ trước nhưng nhóm N, S, T không tạo ra hợp đồng giả tạo, mà hợp đồng gửi giữ là có thật. Anh M vào uống bia và gửi xe hoàn toàn tin tưởng vào việc nhà hàng có tổ chức gửi xe cho khách. Việc giao xe cho nhóm N, S, T không phải vì tin vào hành vi gian dối,… nên không thể cho rằng hành vi chiếm đoạt chiếc xe SH của nhóm N, S, T là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.” là không có cơ sở.
Có thể khẳng định, việc thông qua hợp đồng gửi giữ xe đây chỉ là sự lợi dụng vỏ bọc để từ đó nhóm đối tượng trên tạo ra cách thức, phương thức là tiền đề cho hành vi gian dối để chiếm đoạt được tài sản là chiếc xe SH của anh M. Thời điểm hoàn thành tội phạm của nhóm đối tượng trên được tính ở thời điểm anh M chấp nhận phương án bồi thường mà nhóm N, S, T đưa ra.
Từ những phân tích trên, tôi cho rằng chỉ có thể truy tố, xét xử đối với nhóm N, S, T về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS. Xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc./.
Ảnh minh họa của VOV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận