Vụ án Châu Thị Thu Nga – Bị cáo phủ nhận việc “chạy” Đại biểu Quốc hội
MINH KHÔI - Từ ngày 10/4, TANDCC tại Hà Nội đã đưa bị cáo Châu Thị Thu Nga, cựu đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất (Housing Group), và các đồng phạm ra xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo và đơn kháng cáo của các bị hại… Phiên tòa dự kiến tuyên án vào ngày 16/4.
Vụ án nhiều đơn kháng cáo nhất
Tháng 10/ 2017, TAND TP Hà Nội đã công bố bản án sơ thẩm vụ án lừa đảo khách hàng mua căn hộ tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group do bà Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm thực hiện.
Dự án B5 Cầu Diễn nằm trong dự án xây dựng công trình tái định cư thuộc dự án phát triển giao thông đô thị TP Hà Nội. Tuy nhiên, khi dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép xây dựng, chưa được phép huy động vốn của khách hàng có nhu cầu mua lại căn hộ, bà Châu Thị Thu Nga đã chỉ đạo đưa thông tin lên mạng internet sai sự thật về thực trạng pháp lý, tiến độ dự án B5 Cầu Diễn và các thủ đoạn gian dối khác để khách hàng tin tưởng góp tiền cho Công ty Housing Group mua căn hộ hình thành trong tương lai. Tin tưởng vào thông tin đó, từ ngày 9/1/2009 đến 30/7/2013, bà Nga và các đồng phạm ký 752 hợp đồng góp vốn, thu hơn 377 tỷ đồng của khách. Trong tổng số tiền hơn 377 tỷ đồng thu của khách hàng, bị cáo chiếm đoạt và sử dụng hơn 348 tỷ đồng, mới trả lại gần 29 tỷ đồng cho 43 khách hàng. HĐXX nhận định, hành vi nêu trên của các bị cáo đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139 BLHS. Bà Nga bị tuyên phạt tù chung thân và bồi hoàn 54 tỷ đồng.
Sau khi có bản án sơ thẩm, Tòa đã nhận được 220 đơn kháng cáo. Đây là phiên tòa có số lượng đơn kháng cáo nhiều nhất từ trước đến nay tại TAND TP Hà Nội. Bên cạnh đơn kháng cáo của 193 bị hại, TAND TP Hà Nội còn nhận được đơn của hơn 100 người cho biết, họ đã nộp tiền vào dự án B5 Cầu Diễn và đề nghị được nhận nhà đã đóng tiền tại đây. Những người này chưa được xác định là bị hại trong vụ án, chưa có đơn tố cáo, cũng như chưa có lời khai tại CQĐT, dù trước đó, CQĐT đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc tìm người bị hại.
Thay đổi lời khai về 1,5 triệu USD
Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm bà Nga đã gửi đến TANDCC đơn kêu oan viết tay dài 94 trang, ngoài đơn kháng cáo đã gửi trước. Trong đơn kháng cáo, bà Nga viết: “Tôi làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đã tuyên tôi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và mức hình phạt là quá nặng, không đúng tội danh”. Cũng theo bà Nga, cáo trạng của Viện kiểm sát có nhiều vấn đề bất cập, không đúng sự thật; quá trình điều tra đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.
Trước đó bà Nga cho rằng, trong quá trình xử sơ thẩm, bà Nga từng hai lần xin được khai báo về khoản tiền 1,5 triệu USD “chạy” để được trúng Đại biểu Quốc hội nhưng đều không được chủ tọa cho phép vì không nằm trong phạm vi vụ án. Nhưng trong đơn kêu oan này bà Nga đã phủ nhận việc đó. Theo bà Nga, do bị xúc phạm, ức chế và do thời điểm làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra, bản thân rất mệt mỏi, tinh thần không được ổn định đồng thời kèm theo ức chế về công việc nên đã khai như vậy. Thực tế, việc bà được bầu là ĐBQH khóa 13, đại biểu HĐND TP Hà Nội là do cử tri tín nhiệm, lựa chọn. Đơn viết: “Tôi không hề quen biết ai và cũng chẳng thể có ai quyết định được vấn đề này trong cuộc bầu cử. Vì vậy việc này hoàn toàn không hề liên quan đến ông Nguyễn Công Cường cũng như không có việc tôi đã đưa trên 30 tỉ cho ông Cường”.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX hỏi bà Nga về lý do kêu oan, bà Nga nói do án sơ thẩm quy kết việc chỉ đạo hành vi quảng cáo trên mạng về dự án để lừa đảo là sai, bởi trên web còn nhiều dự án khác. Dự án B5 Cầu Diễn là dự án hoàn toàn có thật. Bản án sơ thẩm cho rằng Công ty Housing Group lập mô hình quảng cáo không đúng thực tế, theo quy định pháp luật không cấm việc thiết kế mô hình dự án. Tuy nhiên thiết kế chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Khi được hỏi có ai phản đối việc huy động vốn không, bà Nga khẳng định không ai phản đối. Bản thân bà Nga còn bảo nhân viên là phải xem các công ty khác vì bản thân rất thận trọng. Thẩm phán, chủ tọa hỏi nếu biết dự án chưa được phê duyệt thì mọi người có ký hợp đồng không? Bà Nga trả lời khi khách hàng xem xét thì hồ sơ pháp lý đều thể hiện rõ.
Gần 200 bị hại đề nghị nhận nhà
Có 193 bị hại, 16 công ty liên quan, 1 bị đơn (Công ty Housing Group) cũng làm đơn kháng cáo. Các bị hại đều chung nội dung đề nghị được nhận nhà chứ không nhận lại tiền đã đóng tại dự án B5 Cầu Diễn. Trong khi đó, 16 công ty đề nghị hủy phần bản án sơ thẩm buộc họ phải nộp trả lại số tiền đã nhận để đảm bảo thi hành án về nghĩa vụ bồi thường của Housing Group. Các công ty cho rằng không có trách nhiệm phải trả số tiền mà Housing Group đã thanh toán cho họ. Riêng bị đơn Housing Group kháng cáo đề nghị xem xét lại phần bồi thường dân sự, kiến nghị tòa cấp phúc thẩm cho phép được tiếp tục làm chủ đầu tư của dự án để khắc phục hậu quả cho các bị hại.
Là một trong những công ty có đơn kháng cáo, đại diện công ty Licogi 12 đề nghị HĐXX hủy phần bản án sơ thẩm buộc họ phải nộp trả số tiền hơn 8 tỷ đồng cho công ty Housing Group. Licogi 12 cho rằng, họ không có trách nhiệm phải trả số tiền mà Housing Group đã thanh toán cho họ. Bởi lẽ, tổng số tiền công ty thực hiện thi công trong 3 hợp đồng với công ty Housing Group là 13 tỷ đồng và mới được Housing Group thanh toán hơn 8 tỷ đồng. Licogi ký hợp đồng với Housing Group là hoàn toàn hợp pháp và cũng không biết nguồn tiền thanh toán này là từ đâu nên không đồng ý hoàn trả lại tiền.
Người đại diện công ty cho biết, công ty Licogi 12 chỉ là đơn vị làm công ăn lương, nhận làm thuê cho chủ đầu tư, còn giá trị pháp lý, xin giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng liên quan đến công trình thì chủ đầu tư phải lo. Đơn vị thi công chỉ có trách nhiệm đảm bảo thi công toàn bộ khối lượng công trình, chất lượng công trình trước chủ đầu tư.
HĐXX đặt câu hỏi: “Trước đây ông không biết nguồn tiền từ đâu, giờ biết nguồn tiền chi trả cho ông xuất phát từ tiền do phạm tội mà có. Tòa sơ thẩm tuyên dành quyền khởi kiện cho ông, ý kiến của ông như nào?”. Đại diện Licogi cho rằng, nếu Tòa quyết định họ phải trả lại hơn 8 tỷ đồng thì đây là trừng phạt.
Ông Lưu Tuấn Hùng, đại diện cho một công ty xây dựng, cho rằng luật xây dựng cho phép đơn vị thi công không cần biết dự án có hợp pháp không bởi họ chỉ là đơn vị làm thuê. Tiền do phía bà Nga chi trả, công ty cũng không thể biết “đó là tiền sạch hay không”.
Ông Bùi Kiến Quốc, đại diện Công ty Liên danh tư vấn và xây dựng, khẳng định các hợp đồng thi công cọc khoan nhồi đã ký tại dự án này là “hợp đồng hợp pháp”. Ông này cho rằng án sơ thẩm tuyên vậy tức là “trừng phạt người làm ăn chân chính”. 1,7 tỷ công ty ông được trả là tiền hợp pháp chứ không phải là tang vật vụ án, bởi luật cho phép người lao động, kinh doanh hợp pháp có quyền sở hữu tài sản hợp pháp kể từ thời điểm nhận được.
Tòa giải thích án sơ thẩm không có chữ nào tuyên hợp đồng giữa công ty này với Housing Group là bất hợp pháp. Tuy nhiên tiền Housing Group trả cho công ty là tiền phạm pháp vì vậy công ty phải trả lại để bảo đảm quyền bị hại.
HĐXX lần lượt làm rõ từng nội dung, các bị cáo, bị hại, các đơn vị có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
2 Bình luận
Trương Tuấn Trung
09:48 05/12.2024Trả lời
Vũ Trang
09:48 05/12.2024Trả lời