Vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự

Sau khi nghiên cứu bài viết “Vụ án có thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự không?” của tác giả Ngô Anh Dũng đăng trên Tạp chí Tòa án điện tử ngày 28/4/2025. Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất, Tòa án quân sự tiếp tục xét xử vụ án mà không cần trả hồ sơ cho Viện kiểm sát.

Theo nội dung vụ án thì ngày 05/11/2022, khi H và A cùng đồng bọn thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, họ là công dân bình thường (chưa nhập ngũ). Thời điểm khởi tố vụ án, H và A nhập ngũ (tháng 02/2023), thực hiện nghĩa vụ quân sự, tức là H và A thay đổi tư cách cá nhân chuyển từ công dân bình thường sang quân nhân. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, H và A được đơn vị giải quyết xuất ngũ (không còn là quân nhân). Việc bị can H và A được đơn vị giải quyết xuất ngũ trước thời điểm xét xử đặt ra câu hỏi về thẩm quyền giải quyết vụ án: Tòa án quân sự có tiếp tục xét xử vụ án này không hay chuyển vụ án cho Tòa án nhân dân?

Quan điểm của tác giả, Tòa án quân sự tiếp tục xét xử vụ án mà không cần trả hồ sơ cho Viện kiểm sát (không cần đề nghị cấp có thẩm quyền hủy bỏ quyết định ra quân đối với H, A) bởi lẽ:

Thứ nhất, việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự căn cứ vào nhân thân hiện tại của người thực hiện hành vi phạm tội tại thời điểm truy tố, không phụ thuộc vào sự thay đổi tình trạng pháp lý của họ. Khi bị khởi tố, H và A là quân nhân tại ngũ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền chuyển vụ án cho cơ quan tố tụng Quân đội tiếp tục điều tra xử lý với H và A về hành vi cố ý gây thương tích đúng thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng, do đó Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội và Tòa án quân sự có thẩm quyền điều tra, thụ lý và giải quyết vụ án đó quy định tại khoản 2 Điều 163 BLTTHS 2015 về thẩm quyền điều tra: “Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự” và quy định tại khoản 1 Điều 272  BLTTHS 2015 về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự: “1. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử: a) Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huân luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiên đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân”. Thời điểm đó Toà án quân sự đã thụ lý hồ sơ vụ án và giải quyết theo thẩm quyền nên việc xuất ngũ không ảnh hưởng gì đến quá trình giải quyết vụ án.

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 03/2023/TT-TANDTC ngày 28/12/2023 về hướng dẫn thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự quy định: “Đối với người đang phục vụ trong Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử tất cả các vụ án mà người đó phạm tội, không phân biệt loại tội và thời điểm họ thực hiện tội phạm” “Đối với người không còn phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm do họ thực hiện trong thời gian phục vụ trong Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử”. Điều này khẳng định khi H và A là quân nhân tại ngũ, phục vụ trong Quân đội thì Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử các vụ án mà H và A phạm tội không phân biệt thời điểm họ thực hiện tội phạm (kể cả nếu sau này người phạm tội ra quân).

Thứ hai, pháp luật hiện hành không có quy định yêu cầu hủy bỏ quyết định xuất ngũ để duy trì thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Quyết định xuất ngũ của cơ quan có thẩm quyền là hoạt động hành chính bình thường, hợp pháp, nhằm kết thúc nghĩa vụ quân sự của cá nhân, không phải là hành vi làm thay đổi bản chất vụ án hay quá trình tố tụng. Đối với quyết định cho ra quân của H và A vì H và A đã hết thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự nên đơn vị cho H và A ra quân là đúng, không có căn cứ thu hồi các quyết định này.

Thứ ba, nếu yêu cầu chuyển vụ án sang Tòa án nhân dân xét xử sẽ dẫn tới kéo dài quá trình tố tụng, không bảo đảm nguyên tắc giải quyết vụ án kịp thời, công bằng, công khai như quy định tại Điều 25 BLTTHS 2015.

Từ những phân tích trên, có thể thấy quan điểm cho rằng Tòa án quân sự tiếp tục xét xử vụ án mà không cần trả hồ sơ cho Viện kiểm sát là phù hợp, có cơ sở pháp lý và thực tiễn.

Trên đây là quan điểm của tác giả. Mong được sự đóng góp, tranh luận của các bạn đọc.

HOÀNG THUỲ LINH (Toà án quân sự Quân khu 7)

Ảnh HĐXX Toà án quân sự Quân khu 7 - Nguồn: Internet.