Vụ bê bối trong sản xuất vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em tại Trung Quốc: Tham nhũng trên tính mạng con người
Ngày 16/8/2018, trong cuộc họp do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình chủ trì, Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định cách chức một số quan chức cấp cao tỉnh Cát Lâm liên quan vụ bê bối vắc-xin của Công ty Công nghệ sinh học Trường Sinh (Changchun Changsheng Life Sciences Limited) có trụ sở tại TP Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm - doanh nghiệp có mức vốn hóa 2 tỷ USD trên sàn chứng khoán Thâm Quyến.
Trước đó, ngày 24/7, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) thông báo bắt đầu điều tra về tham nhũng đối với công ty trên. Có thể, nhiều người sẽ ngạc nhiên, tại sao việc làm sai trái của một doanh nghiệp quy mô “thường thường bậc trung”, tiếng tăm không quá nổi, lại khiến cả những cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc phải đích thân vào cuộc giải quyết.
Ra mặt “chuột”
Vụ việc bắt đầu khi Tổng cục Giám sát và quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia Trung Quốc (CFDA) thông báo, vào trung tuần tháng 7/2018 cơ quan này phát hiện Công ty Trường Sinh do Cao Tuấn Phương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, đã làm giả các thông tin dữ liệu sản xuất và các dữ liệu về thử nghiệm sản phẩm, khai khống tỷ lệ thành công, đồng thời tự ý thay đổi trang thiết bị và thông số quy trình sản xuất một loại vắc-xin phòng bệnh dại thường được sử dụng cho trẻ nhỏ. CFDA đã thu hồi giấy phép sản xuất loại vắc-xin nói trên của Changchun Changseng, yêu cầu Công ty này dừng sản xuất và bán sản phẩm này,đình chỉ cấp phép tất cả các sản phẩm khác của công ty. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chỉ thị các cơ quan chức năng lập tức cử các nhóm điều tra toàn bộ dây chuyền sản xuất và bán hàng đối với tất cả các loại vắc-xin của Công ty Trường Sinh.
Từ đây, nhiều chuyện “giật mình” được đưa ra ánh sáng. Theo đó, tháng 11/2017, hệ thống giám sát CFDA trước khi tái cơ cấu đã tổ chức kiểm kê, phát hiện tổng cộng hơn 650.000 liều vắc-xin DPT dùng cho trẻ em (phòng bệnh bạch cầu, ho gà và uốn ván) không đủ tiêu chuẩn từ hai công ty sản xuất vắc-xin của Trung Quốc, trong đó Công ty Trường Sinh có khoảng 250.000 liều vắc-xin. Thay vì tiêu hủy theo quy định, Trường Sinh đã bán số vắc-xin này cho Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Sơn Đông – cơ quan phụ trách y tế công phục vụ khoảng 100 triệu người dân của tỉnh. Khoảng hơn 215.000 trẻ em được tiêm loại vắc-xin này, trong khi hiệu quả phòng bệnh rất thấp, thậm chí không có tác dụng phòng bệnh. Vấn đề là vụ việc được phát hiện, tiến hành điều tra từ cuối năm ngoái, nhưng đến 9 tháng sau, nhân vụ vắc-xin phòng bệnh dại bị phát giác, mới được đưa ra công khai. Trong khoảng thời gian đó, không biết doanh nghiệp này còn làm những việc “động trời” nào khác dưới chiêu bài “khoa học phục vụ cuộc sống”, như trong tên của họ?
Trong tuyên bố chính thức đưa ra ngày 23/7/2018, sau khi xin lỗi, Công ty Trường Sinh biện minh, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm tỉnh Cát Lâm phạt tiền đơn vị này khoảng 3,4 triệu nhân dân tệ (gọi tắt là tệ), nhưng không tịch thu số vắc-xin DPT không đủ tiêu chuẩn còn lưu giữ trong kho. Vì thế, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao các nhà chức trách không thu hồi hết số vắc-xin tồn lại, tại sao sau 9 tháng mới công bố quyết định xử phạt? Và vì đâu vẫn chưa công bố tình hình thu hồi và hồ sơ chi tiết về sản xuất vắc-xin?
Vụ bê bối sản xuất, tiêu thụ vắc-xin dùng cho trẻ em không đạt chất lượng của Công ty Trường Sinh đã vượt “ranh giới đỏ” về đạo đức.
Hiện, báo chí Trung Quốc đang tiếp tục phanh phui kiểu làm giàu bất chấp tính mạng người tiêu dùng và các “mánh” làm ăn gian lận của Công ty Trường Sinh. Là một công ty dược lớn, nhưng năm 2017 chi phí cho nghiên cứu của Trường Sinh là 120 triệu tệ, chi bằng 1/5 chi phí tiếp thị, quảng cáo – tới 583 triệu tệ. Phần lớn số tiền tiếp thị, quảng cáo được dùng cho việc đưa hối lộ, nhờ đó lượng vắc-xin phòng bệnh dại và thủy đậu tiêu thụ của Trường Sinh vọt lên cao thứ 2 trong số các công ty sản xuất vắc-xin toàn Trung Quốc. 91,7% tổng thu nhập của công ty đến từ việc bán 2 loại vắc-xin này. Trường Sinh dính líu đến ít nhất 5 vụ án đưa hối lộ, bao gồm cả vụ mới nhất do Tòa án tỉnh Hà Nam xét xử. Theo đó, tháng 8/2017, Vương Phong, Trạm trưởng phòng dịch huyện Ninh Lăng, Hà Nam nhận hối lộ 164 nghìn tệ của Trường Sinh dưới hình thức chiết khấu khi mua bán vắc-xin. Mỗi liều vắc-xin phòng thủy đậu mang về cho Phong 5 tệ. Ông ta cũng đút tút 20 tệ cho mỗi liều vắc-xin phòng bệnh dại. Tòa tuyên phạt Phong 8 năm tù giam, nhưng phía đưa hối lộ là Công ty Trường Sinh lại thoát tội. Ngoài ra, Trường Sinh còn dính líu vào các vụ án đưa hối lộ cho các quan chức trung tâm, trạm phòng dịch khác ở Trạm Giang (Quảng Đông), huyện Chính Hòa (Phúc Kiến), huyện Lợi Tân (An Huy), nhưng không biết “có võ” đối phó ra sao mà vẫn bình an vô sự.
Với những khoản lợi nhuận khổng lồ thu được (năm 2017 khoảng 565 triệu tệ, tương đương 82 triệu USD), gia sản ước tính lên tới hơn 1 tỷ USD, cuộc sống xa hoa của gia đình Cao Tuấn Phương cũng trở thành đề tài bàn luận trên báo chí. Có thông tin, Cao Tuấn Phương cùng gia đình, con cháu đều đã có hộ chiếu Hồng Kông. Tài sản đã chuyển hết ra bên ngoài, luôn trong tư thế sẵn sàng “chạy”. Tuy nhiên, bê bối vắc-xin rởm bùng nổ hiện nay chắc chắn khiến giấc mơ cao chạy xa bay để hưởng lạc của gia tộc này tan vỡ.
“Ranh giới đỏ” về đạo đức
Sự phẫn nộ của dư luận Trung Quốc là có cơ sở, khi tại nước này từng nhiều lần xảy ra các vụ bê bối về chất lượng thực phẩm, dược phẩm quy mô lớn, mà vẫn chưa có giải pháp ngăn ngừa hiệu quả. Trước sự bức xúc của dư luận, Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 23/7 trực tiếp chỉ thị các cơ quan chức năng điều tra và nghiêm trị tất cả những đối tượng chịu trách nhiệm trong vụ bê bối sản xuất, tiêu thụ vắc-xin không bảo đảm chất lượng tại Công ty Trường Sinh và không chỉ giới hạn ở đó. Mô tả vụ bê bối vắc-xin mới nhất của Trung Quốc bằng cụm từ “thật đáng kinh hoàng” khi những kẻ liên quan làm giàu trên tính mạng con người, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, vụ việc đã vượt qua “ranh giới đỏ” của đạo đức và ra lệnh điều ra tra toàn diện, kỹ lưỡng về quy trình sản xuất và bán vắc-xin của Trường Sinh nói tiêng, các tập đoàn dược phẩm nói chung.
Cuộc họp của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 16-8 quyết định cách chức một loạt quan chức thuộc các bộ, ngành và địa phương do liên quan tới bê bối vắc-xin của Công ty Trường Sinh. Trong đó, cách chức ông Kim Dục Huy, Phó tỉnh trưởng tỉnh Cát Lâm – người phụ trách công tác giám sát an toàn thực phẩm và dược phẩm tại địa phương từ tháng 4/2017. Phó Chủ tịch chính hiệp tỉnh Cát Lâm Lý Tấn Tu, ông, Thị trưởng thành phố Trường Xuân Lưu Trường Long cùng 4 quan chức chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm và dược phẩm của tỉnh cũng bị cách chức.
Tiếp đó, Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 21/8 miễn nhiệm ông Hoa Tỉnh Tuyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý thị trường quốc gia Trung Quốc (cơ quan cấp bộ, chủ quản của CFDA) do liên quan tới vụ bê bối Trường Sinh. Trong giai đoạn từ tháng 2-2015 đến 3-2018, ông Hoa Tỉnh Tuyền từng giữ chức Tổng cục trưởng CFDA. Hiện ít nhất 16 người là lãnh đạo Công ty Trường Sinh và cán bộ các cơ quan nhà nước có liên quan đến vụ bê bối bị các lực lượng bảo vệ pháp luật tạm giam để điều tra.
Để ngăn ngừa tận gốc rễ những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai, theo công luận Trung Quốc, cần tập trung khắc phục ba bất cập trong hệ thống sản xuất dược phẩm và tiêm chủng của nước này: Nạn tham nhũng khiến các quy định bị buông lỏng; hình phạt yếu, thiếu sức răn đe và thiếu nhân viên để bảo đảm sản phẩm an toàn, chất lượng trong ngành Dược phẩm. Một cựu nhân viên CFDA – cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng và hiệu quả của vắc-xin nói rằng, trước nay cơ quan này không có đủ nhân lực để bảo đảm thuốc sản xuất đạt tiêu chuẩn, nhiều khi chỉ hy vọng và trông đợi các công ty dược phẩm tuân thủ đúng quy chuẩn sản xuất. Trong khi đó, các công ty kinh doanh thường đưa ra các “đề nghị hấp dẫn” đối với cán bộ có trách nhiệm đăng ký, kiểm soát chất lượng thuốc để “nới tay” trong quá trình phê duyệt. Khi đã có quan chức “chống lưng”, nhiều công ty dược không tuân thủ tiêu chuẩn sản xuất và biện pháp kiểm tra, sản phẩm kém chất lượng vẫn tiêu thụ trót lọt. Hậu quả ra sao, người tiêu dùng gánh chịu. Khi xảy ra, việc xử lý trách nhiệm nhiều khi lúng túng, bỏ lọt hoặc chỉ tượng trưng, đặc biệt với quan chức. Báo chí Trung Quốc dẫn chứng, sau vụ bê bối sữa nhiễm melamine năm 2008, quan chức phụ trách an toàn thực phẩm vào thời điểm đó- Trưởng Phòng Điều phối an toàn thực phẩm của CFDA Tôn Hàm Trạch, chỉ bị đình chỉ chức vụ trong hai năm, rồi lại được thăng chức, lên tới Phó Tổng cục trưởng CFDA kiêm Trưởng Phòng An toàn dược phẩm.
Nay, với sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao nhất, chắc chắn vụ tham nhũng trên tính mạng người dân này sẽ được làm sáng tỏ, những kẻ phạm pháp sẽ nhận hình phạt thích đáng, và quan trọng hơn, mở ra khả năng ngăn chặn những vụ việc tương tự tái diễn. Với nỗ lực phòng, chống tham nhũng đang ngày một đi vào chiều sâu tại Trung Quốc, mong muốn này của người dân có lẽ không quá xa./.
Theo http://ubkttw.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí gặp mặt các đồng chí lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận