Vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Theo thống kê, từ ngày 01-10-2014 đến ngày 30-4-2021 các Tòa án nhân dân đã thụ lý 131.053 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đã giải quyết 130.580 hồ sơ, trong đó đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 125.173 trường hợp. Bên cạnh kết quả đạt được, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập, cụ thể như sau

Về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 thì đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 cũng không quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 33 Luật Phòng chống ma túy năm 2021 lại quy định người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

“a) Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dt cai nghiện ma túy tự nguyện;

b) Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

c) Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện”.

Hiện nay, số người nghiện ma túy trong độ tuổi chưa thành niên ngày càng tăng, gây nhiều bất ổn cho gia đình và xã hội.  Tuy nhiên, các quy định của pháp luật có liên quan đều chưa thống nhất về vấn đề này. Vì vậy, đã gây khó khăn cho thực tiễn áp dụng.

 Xác định tình trạng nghiện ma túy

Việc xác định tình trạng nghiện ma túy của người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là điều kiện tiên quyết để xem xét có áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hay không. Tại Điều 3 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30-12-2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải là người nghiện ma túy. Theo Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 09-7-2015 quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy thì để xác định một người nghiện ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS) phải đủ 2 điều kiện là có xét nghiệm dương tính và có ít nhất 3 trong 6 triệu chứng trong vòng 12 tháng qua. Tuy nhiên 5/6 triệu chứng để xác định lại phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người nghiện ma túy. Thông thường khi trả lời câu hỏi để xác định triệu chứng, người nghiện ma túy sẽ trốn tránh, không trả lời đúng tình trạng của mình. Do đó khó xác định được các triệu chứng theo quy định của Thông tư liên tịch số 17/2015.

Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Quy định lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay còn phức tạp, nhiều thủ tục và phải thông qua nhiều cơ quan như Công an xã (phường), Ủy ban nhân dân xã (phường), Phòng Tư pháp, Phòng Lao động thương binh và xã hội và Tòa án nhân dân. Vì vậy, để đưa được đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện phải mất thời gian ít nhất 01 tháng để hoàn thiện trình tự, thủ tục. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng trình tự, thủ tục trong hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa được đảm bảo, ảnh hưởng tới tiến độ giải quyết của Tòa án.

 Xác định nơi cư trú của người nghiện ma túy

Hiện nay việc xác định nơi cư trú giữa các văn bản pháp luật còn chưa thống nhất. Để xác định nơi cư trú của một người, Bộ luật Dân sự năm 2015 căn cứ vào nơi người đó thực tế sinh sống. Trong khi đó, Luật Cư trú căn vào hai tiêu chí đó là nơi thường xuyên sinh sống và nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Do có sự khác nhau trong việc xác định nơi cư trú giữa các văn bản pháp luật dẫn đến việc xác định đối tượng nghiện ma túy“không có nơi cư trú ổn định” theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay cũng còn chưa thống nhất.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người nghiện ma túy cố tình khai báo không đúng sự thật nơi cư trú gây khó khăn cho công tác xác minh nơi cư trú. Đồng thời, sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền để xác minh nơi cư trú của người nghiện ma túy chưa thống nhất, hiệu quả.

 Về thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tại điểm d khoản 2 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 96 của Luật này”. Thực tiễn cho thấy nhiều trường hợp Tòa án đã ra Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy nhưng sau đó họ bỏ trốn và thực hiện hành vi phạm tội và bị xử phạt tù. Như vậy, Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có được tiếp tục thực hiện không?

 Một số đề xuất, kiến nghị

Để hạn chế những vướng mắc nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đề nghị cơ quan có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến công tác cai nghiện ma túy nhằm bảo đảm đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể về việc xác định tình trạng nghiện của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để việc áp dụng được thống nhất.

Sửa đổi Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 theo đó quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi bảo đảm phù hợp với Luật Phòng chống ma túy.

Hướng dẫn rõ ràng các thủ tục cần thiết để xác định một người là không có nơi cư trú ổn định (lang thang) để thống nhất trong việc áp dụng, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Cần có quy định cụ thể về chế độ, chính sách hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện nhằm khuyến khích được phần lớn người nghiện tự đăng ký cai nghiện tự nguyện để giảm bớt các trường hợp xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Toà án.

ĐỖ THỊ HỒNG VÂN ( Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TANDTC)