Vướng mắc khi xóa án tích trong trường hợp chưa thi hành phần dân sự trong bản án hình sự

Sau khi đọc bài viết “Vướng mắc khi xác định xóa án tích trong trường hợp đương nhiên xóa án tích” của tác giả Nguyễn Hải Bằng và Đào Thị Đào đăng ngày 7/10/2023, tôi xin có ý kiến trao đổi.

Tình huống tác giả đưa ra như sau: Bùi Quý H, sinh năm 1969, phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy theo Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2019/HS-ST ngày 26/9/2019 của TAND TP A. Tại bản án xác định H có nhân thân (02 bản án):

- Bản án số 02/1998/HSST ngày 13/01/1998, TAND TP A xử phạt A 36 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản (trị giá tài sản 2.300.000đ). Ngày 30/11/2000, H chấp hành xong hình phạt tù, chưa thi hành bồi thường dân sự 2.300.000đ. Các bị hại không có đơn yêu cầu thi hành án.

- Bản án số 15/2012/HSST ngày 16/02/2012, TAND thành phố A xử phạt 09 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản (trị giá tài sản 4.290.000đồng), bồi thường trách nhiệm dân sự số tiền 2.580.000đ (Hành vi phạm tội ngày 19/11/2011). Chấp hành xong hình phạt tù ngày 08/8/2012, nộp án phí ngày 20/5/2013. Các bị hại không có đơn yêu cầu thi hành án.

Tiền án: Bản án số 140/2016/HSST ngày 27/9/2016, TAND thành phố A xử phạt H 27 tháng tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy (hành vi phạm tội ngày 08/6/2016, thuộc trường hợp tái phạm), chấp hành xong hình phạt tù ngày 08/7/2018, chưa thi hành án phí.

Nội dung vụ án: Khoảng 10h15 phút ngày 05/6/2019, tại trước cổng Công ty TNHH một thành viên C ở số 100 Đại lộ Hồ Chí Minh, phường N, thành phố A, Bùi Quý H đang cất giấu trái phép 0,311g Heroin để sử dụng thì bị bắt quả tang.

Tại bản án hình sự số 150 ngày 26/9/2019, Tòa án nhân dân thành phố A căn cứ điểm c khoản 1 Điều 249; điểm h khoản 1 Điều 52 (tái phạm)... của BLHS, xử phạt H 18 tháng tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.

Theo tôi, quan điểm về việc xác định Bùi Quý H chưa được xóa án tích đối với cả 2 bản án số 02/1998/HSST ngày 13/01/1998 và bản án số 15/2012/HSST ngày 16/02/2012 là có cơ sở và tôi đồng tình với quan điểm này. Bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, tại phần 7, mục I của Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 đã nêu rõ “một trong các điều kiện đương nhiên được xóa án tích là người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án” và “Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì.” Nội dung giải đáp tại Công văn này cũng đã loại trừ luôn trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án dẫn đến việc chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án thì vẫn xác định là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thứ hai, về thời hiệu thi hành án phần dân sự trong bản án hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được quy định tại Điều 21 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 và hiện nay là khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 ngày 14 /11/2008, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 ngày 25/11/2014. Theo đó, thời hiệu yêu cầu thi hành án là “Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.”

Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 thì: “Trường hợp phạm nhân là người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án. Trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án tương ứng với khoản tiền, tài sản họ tự nguyện nộp…”.

Ngày 30/3/2020, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có Công văn số 111/TTLLTPQG-HCTH hướng dẫn đối với các trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp bị kết án và thuộc trường hợp chưa thi hành các quyết định dân sự khi đã quá thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự trong bản án hình sự có mong muốn tự nguyện thi hành các quyết định dân sự này để đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích, đề nghị liên hệ với cơ quan thi hành dân sự có liên quan để thi hành theo hướng dẫn tại Công văn số 648/TCTHADS-NV2 ngày 03/3/2020 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án tự nguyện thi hành án để đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích.

Theo Điều 3 của Luật Thi hành án dân sự thì: “Thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật này”. Như vậy, Luật Thi hành án dân sự cũng xác định: Khi hết thời hiệu yêu cầu thì người được thi hành án sẽ mất quyền yêu cầu thi hành án chứ không xem là đương nhiên đã thi hành xong bản án. Đây là hai nội dung hoàn toàn riêng biệt.

Từ nội dung các quy định pháp luật và các văn bản hướng dẫn nêu trên, tác giả thấy rằng có cơ sở để xác định H chưa thi hành xong phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự nên phải xem là chưa thi hành xong bản án và vẫn xem bản án số 02/1998/HSST ngày 13/01/1998 và bản án số 15/2012/HSST ngày 16/02/2012 đối với Bùi Quý H là tiền án.

Trên đây là quan điểm của tác giả mong độc giả đóng góp thêm.

 

*Phòng KTNV và Thi hành án – Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự - Ảnh: TL

NGUYỄN HỒNG THẮM*