Vướng mắc qua thực tiễn thực hiện Đề án thí điểm Hòa giải, đối thoại

TAND quận Ngô Quyền, Hải Phòng đã thực hiện đề án thí điểm về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Khi triển khai trên thực tế, các đơn vị gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc cũng như cách thức làm việc chưa thống nhất do các văn bản hướng dẫn chưa dự liệu được hết. Chúng tôi xin trao đổi một số kinh nghiệm cùng những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hoạt động và đề xuất tháo gỡ.

Thực tiễn tại Tòa án quận Ngô Quyền, Hải Phòng

Thực hiện kết luận ngày 15/12/2017 của Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, Toà án nhân dân Tối cao đã ban hành công văn số 48/TANDTC-PC ngày 9/3/2018 hướng dẫn triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại thành phố Hải Phòng. Toà án nhân dân quận Ngô Quyền là một trong 09 đơn vụ Toà án cấp quận, huyện của thành phố Hải Phòng thành lập Trung tâm Hoà giải, đối thoại tại trụ sở đơn vị và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/3/2018. Hiện nay, cùng với 16 tỉnh thành khác trên cả nước, Toà án nhân dân quận Ngô Quyền cùng với 12 Toà án quận, huyện ở Hải Phòng tiếp tục bước sang giai đoạn 2 của Đề án thí điểm.

Trong quá trình thực hiện đề án thí điểm, chúng tôi luôn nhận được các công văn hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời của Ban chỉ đạo đề án (Công văn số 48/TANDTC-PC ngày 09/3/2018; Công văn số 72/TANDTC-PC ngày 16/4/2018; Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/10/2018; Công văn số 59/TANDTC-PC ngày 29/3/2019). Tuy nhiên đây là đề án thí điểm, do vậy khi triển khai trên thực tế, các đơn vị gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc cũng như cách thức làm việc chưa thống nhất do các văn bản hướng dẫn chưa dự liệu được hết. Để có thể cùng thực hiện tốt nhiệm vụ trên, chúng tôi xin mạnh dạn trao đổi một số kinh nghiệm cùng những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hoạt động với các đồng chí liên quan đến cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động cũng như quy trình tiếp nhận, xử lý đơn tại Trung tâm Hoà giải, đối thoại TAND quận Ngô Quyền. Cụ thể:

Về cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động của Trung tâm hòa giải, đối thoại Tòa án nhân quận Ngô Quyền gồm có 01 Giám đốc Trung tâm do Chánh án TAND quận Ngô Quyền kiêm nhiệm, 01 Phó giám đốc Trung tâm do 01 Thẩm phán của TAND quận Ngô Quyền kiêm nhiệm, 01 Thư ký trung tâm và 05 Hòa giải viên, đối thoại viên.

Về quy trình hoà giải, đối thoại tại Trung tâm hoà giải, đối thoại của Toà án nhân dân quận Ngô Quyền: Khi đương sự đến nộp đơn tại Tòa án, cán bộ nhận đơn có trách nhiệm giải thích cho đương sự về mô hình thí điểm hòa giải, đối thoại được tiến hành tại Tòa án. Sau khi nhận đơn, cán bộ nhận đơn chuyển lại cho Giám đốc trung tâm (Chánh án) xử lý đơn và phân công Hoà giải viên, Đối thoại viên để giải quyết vụ việc; đồng thời cũng phân công Thẩm phán có trách nhiệm theo dõi vụ việc đó. Thư ký Trung tâm Hòa giải, đối thoại có nhiệm vụ vào sổ thụ lý đơn theo từng lĩnh vực, soạn thảo quyết định phân công Hòa giải viên, đối thoại viên và chuyển lại cho Thẩm phán, Hòa giải viên, Đối thoại viên được phân công tham gia giải quyết vụ việc đó. Thẩm phán hỗ trợ Hoà giải viên, Đối thoại viên nghiên cứu hồ sơ khởi kiện và cùng trao đổi về những vấn đề pháp lý cần lưu ý khi tiến hành hoà giải, đối thoại nếu cần thiết. Sau đó, Hoà giải viên, đối thoại viên triệu tập các đương sự để thực hiện việc hoà giải hoặc đối thoại theo quy định. Sau khi tiến hành hoà giải xong mỗi vụ việc, các Hoà giải viên, Đối thoại viên lập Báo cáo kết quả giải quyết vụ việc cùng Biên bản hoà giải thành hoặc biên bản hoà giải không thành, chuyển hồ sơ sang Toà án để Toà án tiến hành thụ lý và công nhận sự thoả thuận của các đương sự hoặc để Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng thông thường trong trường hợp hoà giải không thành.

Thư ký của mỗi Thẩm phán được phân công theo dõi vụ việc có trách nhiệm hỗ trợ các Hòa giải viên, Đối thoại viên trong việc triệu tập các đương sự và soạn thảo các văn bản cần thiết theo quy định. Sau mỗi vụ việc hòa giải, thư ký vào sổ kết quả tại trung tâm và hoàn thiện hồ sơ để lưu tại Trung tâm. Hàng tuần, thư ký Trung tâm tổng hợp lại số vụ việc thụ lý vào trung tâm, số vụ việc hòa giải, đối thoại thành và không thành theo từng lĩnh vực để báo cáo lãnh đạo Trung tâm và Ban chỉ đạo Đề án thí điểm.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Qua quá trình triển khai công tác về đề án thí điểm cũng đã có rất nhiều những đề xuất, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc được nêu ra trong quá trình thực hiện, tôi xin có một vài ý kiến bổ sung về để góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

Thứ nhất, hiện nay theo Công văn số 310/TANDTC-PC của Toà án nhân dân Tối cao có quy định Hoà giải viên, đối thoại viên có thể đề nghị người khởi kiện, người bị kiện cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Trường hợp có khó khăn trong việc thực hiện công việc này thì Hoà giải viên, Đối thoại viên báo cáo Giám đốc Trung tâm hoà giải, đối thoại để được hỗ trợ, hướng dẫn.

Trong suốt quá trình thực tiễn diễn ra hoạt động thí điểm hoà giải, các đương sự gần như không thực hiện việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cần thiết theo yêu cầu của Hoà giải viên, Đối thoại viên gây khó khăn cho các Hoà giải viên, đối thoại viên trong quá trình xây dựng phương án giải quyết mâu thuẫn giữa các bên. Nếu như ở Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định Toà án trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong thời hạn quy định thì tại Trung tâm Hoà giải, đối thoại không tồn tại một chế tài nào quy định về vấn đề này cho nên rất nhiều trường hợp các đương sự không hợp tác khiến cho mục đích của việc hoà giải, đối thoại không đạt được. Trên thực tế, Thẩm phán và Hoà giải viên, Đối thoại viên đã cùng nghiên cứu hồ sơ khởi kiện và cùng trao đổi về những vấn đề pháp lý cần lưu ý trong đó bao gồm cả những tài liệu, chứng cứ cần bổ sung để tiến hành việc hòa giải bước đầu cũng như việc giải quyết vụ án sau này. Theo quan điểm của tôi, cần thiết phải quy định chế tài trong Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án khi đương sự không cung cấp, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của Hòa giải viên, Đối thoại viên. Cụ thể : “Trường hợp người khởi kiện không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu thì Hoà giải viên, Đối thoại viên báo cáo Giám đốc Trung tâm hoà giải, đối thoại, chuyển hồ sơ khởi kiện lại cho Tòa án để Tòa án tiến hành trả lại đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật.”

Thứ hai, đối với các vụ việc Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, tại Trung tâm Hòa giải các bên thống nhất được với nhau và có đơn yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên khi chuyển hồ sơ sang Tòa án để Tòa án công nhận sự thỏa thuận thì có hai quan điểm để giải quyết trong trường hợp này. Cụ thể:

Quan điểm thứ nhất của Viện kiểm sát cho rằng trường hợp tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, mục 3 Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/10/2018 và phải thực hiện theo hướng dẫn tại mục 10 Công văn số 59/TANDTC-PC ngày 29/3/2019 hướng dẫn bổ sung về nghiệp vụ trong thí điểm hòa giải, đối thoại, do đó, khi Trung tâm Hòa giải chuyển lại hồ sơ cho Tòa án, Tòa án vẫn phải tiến hành mở phiên họp để Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chứ không được công nhận kết quả hòa giải thành ngay như các vụ việc tranh chấp về ly hôn.

Quan điểm thứ hai cho rằng, đơn khởi kiện thay đổi nuôi con sau khi ly hôn là loại quan hệ tranh chấp về nuôi con và nằm trong nhóm quan hệ hôn nhân gia đình. Kết quả hòa giải tại Trung tâm hòa giải, đối thoại đã hòa giải thành, các bên đương sự thống nhất thỏa thuận được với nhau về việc thay đổi nuôi con. Theo Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/11/2018 của Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn: Sau khi thụ lý, Thẩm phán kiểm tra hồ sơ nếu xét thấy việc thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập các biên bản mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán phải ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn theo quy định tại Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự (Thẩm phán không tiến hành hòa giải lại). Do đó, Tòa án căn cứ vào hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao nêu trên để ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 211 BLTTDS mà không tiến hành mở phiên họp là hoàn toàn phù hợp.

Do đang trong giai đoạn thực hiện mô hình thí điểm, tuy Tòa án nhân dân Tối cao cũng có các văn bản hướng dẫn nhưng có nội dung còn chưa cụ thể nên việc áp dụng pháp luật còn có nhiều quan điểm khác nhau. Do đó, để tránh tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau , Tòa án nhân dân Tối cao nên có quy định cụ thể hơn để hướng dẫn thống nhất thực hiện đối với trường hợp các Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Thứ ba, theo quy định của pháp luật, đối với các vụ án dân sự có liên quan đến tài sản, Thẩm phán ra Quyết định xem xét thẩm định sau khi vụ việc được thụ lý để đảm bảo đúng quy định của pháp luật cũng như đảm bảo cho khả năng thi hành án sau khi Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được ban hành. Tuy nhiên, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo quy định tại Điều 419 của Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ có 15 ngày. Nếu tính từ khi Trung tâm Hòa giải chuyển lại Biên bản hòa giải thành của các đương sự cho Tòa án để Tòa án tiến hành công nhận sự thỏa thuận thì thời hạn 15 ngày không đảm bảo đủ thời gian cho Thẩm phán tiến hành xem xét, thẩm định. Do vậy, theo quan điểm của tôi, đối với những vụ án dân sự có liên quan đến tài sản, thì ngay trong thời hạn giải quyết đơn tại Trung tâm Hòa giải, trước khi hòa giải, Thẩm phán được Chánh án (Giám đốc trung tâm) phân công hỗ trợ cùng với Hòa giải viên tiến hành ngay việc ra Quyết định xem xét, thẩm định tài sản có liên quan đến vụ việc khi Hòa giải viên có đề nghị vì hiện nay Hòa giải viên không có thẩm quyền ra Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ. Việc tiến hành xem xét, thẩm định vừa giúp Hòa giải viên thuận lợi hơn trong quá trình hòa giải cũng như tạo cơ sở pháp lý và khả năng thi hành án được đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Trên đây là quan điểm của cá nhân của tác giả, mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và độc giả của Tạp chí TAND điện tử.

 

NGUYỄN HÀ PHƯƠNG (TAND quận Ngô Quyền, Hải Phòng)