Vướng mắc trong giải quyết tuyên bố một người mất tích đến giải quyết ly hôn
Người tiến hành tố tụng có được tiếp tục giải quyết vụ án vợ xin ly hôn mà trước đó họ đã giải quyết việc tuyên bố người chồng mất tích không? Người chồng đã mất tích thì có cần tống đạt, niêm yết văn bản tố tụng không?
Theo đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự ngày 13/7/2018, chị Hoàng Thị Nga, (sinh năm 1978, có hộ khẩu thường trú tại xã Đ, huyện H, tỉnh L) và anh Hoàng Văn Pha (sinh năm 1975, nơi cư trú cuối cùng là xã Đ, huyện H, tỉnh L) kết hôn năm 2001, đăng ký kết hôn theo quy định. Sau kết hôn chị Nga về nhà anh Pha sinh sống tại xã K, huyện Y, tỉnh B.
Đến năm 2007 chị Nga và hai con chuyển khẩu về sinh sống tại xã Đ, huyện H, tỉnh L, sau đó năm 2009 anh Pha cũng chuyển về sinh sống cùng vợ con, có đăng ký tạm trú. Tháng 10/2011 anh Pha bỏ đi khỏi địa phương, chị Nga đã tìm kiếm anh Pha ở nhiều nơi nhưng không ai biết tin tức gì. Chị Nga yêu cầu Tòa án huyện H tuyên bố anh Pha mất tích để chị có căn cứ xin ly hôn.
Quá trình thụ lý giải yêu cầu của chị Nga, Tòa án nhân dân huyện H đã áp dụng Điều 388 BLTTDS để thông báo tìm kiếm anh Pha trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Hết thời hạn 04 tháng, không thấy anh Pha về giải quyết, Tòa án nhân dân huyện H đã áp dụng các Điều 68 BLDS; Điều 27, 369, 370, 387, 389 BLTTDS chấp nhận yêu cầu của chị Nga, tuyên bố anh Pha mất tích kể từ ngày 27/12/2018. Những người tiến hành tố tụng gồm Thẩm phán H, thư ký N, Kiểm sát viên T.
Ngày 14/2/2019, chị Nga gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện H yêu cầu được ly hôn với anh Pha. Tòa án nhân dân huyện H đã thụ lý vụ án và phân công giải quyết vụ án vẫn là thẩm phán H, thư ký N. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân huyện H thấy việc anh Pha mất tích đã lâu và đã có quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án nên không thực hiện việc tống đạt, niêm yết các văn bản tố tụng theo quy định. Đến ngày 26/3/2019 mở phiên tòa xét xử chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị Nga theo quy định tại Điều 28 BLTTDS; Điều 19, 51, 56, 57, 81,82, 83 Luật Hôn nhân và gia đình. Kiểm sát viên T vẫn là người được phân công tiến hành tố tụng trong vụ án.
Xoay quanh vụ việc này có hai vấn đề đặt ra cần xem xét.
Thứ nhất, những người tiến hành tố tụng trong việc dân sự có được tiếp tục tiến hành tố tụng trong vụ án ly hôn hay không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 BLTTDS thì thư ký phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi: “Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, thẩm tra viên, Thư ký tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên”
Và theo quy định tại khoản 2 Điều 60 BLTTDS thì Kiểm sát viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi: “Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên”.
Thứ hai, Tòa án không thực hiện việc tống đạt, niêm yết các văn bản tố tụng theo quy định có đảm bảo quyền lợi cho đương sự không?
Quy định tại Điều 170, 177 BLTTDS thì nghĩa vụ và thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện như sau:
Điều 170 BLTTDS: “Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành án thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Bộ luật này và pháp luật có liên quan”.
Điều 177 BLTTDS: “1. Văn bản tố tụng được cấp, tống đạt, thông báo đến địa chỉ mà các đương sự đã gửi cho Tòa án theo phương thức đương sự yêu cầu hoặc tới địa chỉ mà các đương sự đã thỏa thuận và đề nghị Tòa án liên hệ theo địa chỉ đó.
2. Người được cấp, tống đạt, thông báo là cá nhân thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho họ…
5. Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về… phải lập biên bản…; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại Điều 179 của Bộ luật này…”
Với hai vấn đề nêu ra ở trên, có các ý kiến khác nhau.
Về vấn đề thứ nhất, có ý kiến cho rằng những người đã tiến hành tố tụng (cụ thể là thư ký N và Kiểm sát viên T) trong giải quyết việc tuyên bố mất tích thì không được tham gia giải quyết vụ án ly hôn; ý kiến khác lại cho rằng việc giải quyết việc tuyên bố mất tích là việc dân sự, việc giải quyết ly hôn là vụ án dân sự, đây là hai vụ, việc khác nhau hoàn toàn nên thư ký N và kiểm sát viên T tham gia giải quyết việc tuyên bố mất tích sau đó giải quyết vụ án ly hôn là đảm bảo đúng thủ tục tố tụng trong dân sự.
Về vấn đề thứ hai, có ý kiến cho rằng do anh Pha đã được Tòa án nhân dân huyện H tuyên bố mất tích bằng quyết định của Tòa án đã có hiệu lực nên không cần phải thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng theo quy định của BLTTDS; ý kiến khác lại cho rằng, mặc dù anh Pha đã được tuyên bố mất tích nhưng theo quy định của BLTTDS thì không có quy định nào về người đã được tuyên bố mất tích không cần thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng, hơn nữa việc cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng là để đảm bảo quyền lợi cho anh Pha.
Chúng tôi cho rằng những vấn đề trên mặc dù chưa có văn bản nào hướng dẫn áp dụng cụ thể nhưng thư ký N và Kiểm sát viên T cùng được phân công giải quyết việc tuyên bố anh Pha mất tích, sau đó lại tiếp tục giải quyết yêu cầu ly hôn của chị Nga với anh Pha là bình thường. Bởi lẽ đây là hai vụ việc có nội dung, yêu cầu giải quyết khác nhau. Thư ký N, Kiểm sát viên T không thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi; Đối với việc cấp, tống đạt, thông báo và thực hiện niêm yết các văn bản tố tụng cho anh Pha, khi giải quyết việc tuyên bố anh Pha mất tích, Tòa án đã áp dụng các biện pháp thông báo tìm kiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng, hết thời hạn thông báo 04 tháng theo quy định nhưng không xác định được anh Pha ở đâu, chị Nga căn cứ vào việc anh Pha đã được Tòa án tuyên bố mất tích theo quy định và tình cảm vợ chồng không còn để xin ly hôn, vì vậy không nhất thiết phải tống đạt và niêm yết các văn bản tố tụng theo quy định của BLTTDS.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của độc giả.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
1 Bình luận
Võ Văn Thể
15:28 10/09.2024Trả lời