Vướng mắc trong quá trình quá trình hòa giải tại Tòa án
Trong quá trình giải quyết vụ án, khi bị đơn có yêu cầu phản tố và người liên quan có yêu cầu độc lập, Tòa án phải thụ lý yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập. Đến phiên hòa giải, nếu như Tòa án tiến hành hòa giải và các đương sự thỏa thuận được với nhau đối với yêu cầu của nguyên đơn, đồng thời, bị đơn rút lại yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan rút lại yêu cầu độc lập thì Tòa án xử lý như thế nào?; Hoặc Trường hợp người khởi kiện có từ hai yêu cầu trở lên và tại phiên hòa giải, nguyên đơn đã rút một phần yêu cầu khởi kiện, phần yêu cầu còn lại các đương sự đã thỏa thuận được với nhau, thì Tòa án xử lý như thế nào?
Bởi vì, điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định: “Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”; Điều 202 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập như sau “Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn”.
Khoản 2 Điều 212 BLTTDS quy định: “Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án”.
Như vậy, Tòa án phải đình chỉ đối với yêu cầu đã rút của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có), đồng thời công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Vấn đề đặt ra là việc đình chỉ yêu cầu được thực hiện bằng một quyết định riêng hay ghi nhận trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, khi đó hậu quả của đình chỉ sẽ xử lý như thế nào? Hay là Tòa án phải mở phiên tòa xét xử và ban hành bản án theo quy định.
Do pháp luật chưa có quy định cụ thể, trong khi thực tế rất hay gặp phải tình huống này, do đó, chưa có sự áp dụng thống nhất giữa các Tòa án địa phương. Hiện nay, có 03 quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất, Tòa án vừa ra quyết định đình chỉ (đối với yêu cầu mà nguyên đơn rút, yêu cầu phản tố mà bị đơn rút và yêu cầu độc lập mà người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan rút), vừa ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự.
Tuy nhiên, quan điểm này cũng có vướng mắc là thực tế chỉ có mẫu Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án[1], chứ không có Quyết định đình chỉ giải quyết một phần vụ án dân sự. Hơn nữa, trong một vụ án không thể ban hành ra hai Quyết định (vừa ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự vừa ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết một phần vụ án dân sự).
Quan điểm thứ hai, Tòa án ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận, trong đó có ghi nhận nội dung đình chỉ.
Quan điểm này có ưu điểm là giúp giải quyết vụ án nhanh chóng, tuy nhiên, pháp luật chưa dự liệu đến trường hợp này nên chưa quy định cụ thể nếu lồng ghép việc đình chỉ vào trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận thì hậu quả của việc đình chỉ sẽ được ghi nhận như thế nào trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận. Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 213 BLTTDS: “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.” Còn theo khoản 4 Điều 218 Bộ luật tố tụng dân sự thì: “Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”. Như vậy, quyền kháng cáo của các đương sự và quyền kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định đình chỉ và quyết định công nhận sự thỏa thuận là khác nhau, dẫn đến thời điểm có hiệu lực pháp luật của việc đình chỉ và công nhận sự thỏa thuận là khác nhau. Hơn nữa, nếu đương sự rút đơn yêu cầu và Tòa án đình chỉ thì quyền khởi kiện sẽ được ghi nhận như thế nào trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Điều này vẫn chưa có hướng dẫn chính thức.
Quan điểm thứ ba, Tòa án tiến hành đưa vụ án ra xét xử và ban hành bản án, trong bản án vừa ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự vừa đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện mà nguyên đơn rút, đình chỉ yêu cầu phản tố mà bị đơn rút và đình chỉ yêu cầu độc lập mà người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan rút (nếu có).
Điều này, đảm bảo được quyền kháng cáo của đương sự đối với phần đình chỉ. Bởi vì, khoản 1 Điều 273 BLTTDS quy định: “Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.”. Do đó, việc mở phiên tòa xét xử và ban hành bản án vẫn không trái quy định và không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các đương sự. Tuy nhiên, trong trường hợp các đương sự đã thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án mà Tòa án vẫn phải đưa ra xét xử thì không cần thiết, hơn nữa, lại tốn kém thời gian, chi phí của đương sự, lẫn cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo Quan điểm của tác giả: Tòa án nên ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự, trong đó có ghi nhận nội dung đình chỉ. Điều này góp phần làm cho giải quyết vụ án được nhanh chóng và đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của các đương sự trên cơ sở tự nguyện của các đương sự. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể nên rất mong TANDTC có văn bản hướng dẫn đối với trường hợp này. Cụ thể, có thể hướng dẫn theo hướng, trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự sẽ ghi nhận thêm hậu quả của việc đình chỉ, tức là, quy định thêm về quyền khởi kiện lại, về án phí và quyền kháng cáo riêng đối với các yêu cầu mà đương sự đã rút yêu cầu đó…theo Điều 218 BLTTDS. Trong trường hợp có kháng cáo, kháng nghị thì chỉ phần bị kháng cáo hoặc kháng nghị không có hiệu lực, các phần khác vẫn có hiệu lực pháp luật mà không bị ảnh hưởng. Đồng thời, ban hành kèm theo mẫu văn bản tố tụng để các Tòa án địa phương áp dụng một cách thống nhất.
Trên đây là một số vướng mắc mà tác giả gặp phải trong quá trình hòa giải các vụ án dân sự tại Tòa án, rất mong nhận được sự đóng góp của đồng nghiệp và bạn đọc có quan tâm.
[1] Xem Mẫu số 45 Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
2 Bình luận
songsothuong
13:15 23/12.2024Trả lời
1 phản hồi
thuyminh234
13:15 23/12.2024Trả lời