Vướng mắc trong việc xác định các thành viên đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình

Thực tiễn đã cho thấy việc xác định các thành viên trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất còn nhiều quan điểm khác nhau, gây khó khăn trong cho người dân.

1. Tình huống cụ thể

Căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật, ông Thành phải có nghĩa vụ trả cho ông Nguyễn Văn Tiên số tiền là 500.000.000đ. Do quá trình thi hành án, ông Trần Văn Thành không tự nguyện thi hành án nên vào năm 2012, Cơ quan thi hành án dân sự đã tiến hành xử lý bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án theo quy định. Theo đó, Chấp hành viên đã xác minh người phải thi hành án có đại diện hộ gia đình đứng tên khoảng 10.000m2 đất; tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2003 trong hộ ông Thành gồm có 4 thành viên gồm ông Thành và 3 người con là Trần Thị Tiên, sinh 1988; Trần Văn Nghĩa, sinh năm 1990, Trần Văn Hận, sinh năm 1995. Đồng thời, ông Thành cũng đã ly hôn với vợ vào năm 2002.

Trong quá trình thi hành án, chấp hành viên đã căn cứ vào Điều 106 BLDS 2005 đã xác định: Mặc dù quyền sử dụng đất của ông Thành cấp cho hộ gia đình nhưng vào thời điểm năm 2003 (thời điểm cấp quyền sử dụng đất), Tiên được 15 tuổi, Nghĩa được 13 tuổi và Hận 8 tuổi; cả ba người con của ông Thành đều còn nhỏ, sống phụ thuộc gia đình nên không có công sức đóng góp trong hoạt động kinh tế nông lâm ngư nghiệp đối với quyền sử dụng đất mà hộ ông Thành được cấp. Hơn nữa, vào năm 2012 (thời điểm xử lý tài sản, bán đấu giá thành) chị Tiên đã có gia đình vào năm 2010 và đã nhập hộ khẩu chung với gia đình chồng, không có làm kinh tế chung với ông Thành, còn anh Nghĩa đang học đại học tại Tp Hồ Chí Minh, anh Hận thì chỉ mới 17 tuổi. Do vậy, không có cơ sở để chứng minh những người này có cùng đóng góp công sức trong hoạt động kinh tế nông lâm ngư nghiệp,… để tạo lập tài sản chung của hộ gia đình.

Sau khi cơ quan thi hành án bán 6.000m2 đất trong 10.000m2 đất cấp cho hộ ông Thành, các con của ông Thành đã liên tục khiếu nại đối với thủ tục xử lý tài sản của cơ quan thi hành án, đồng thời không đồng ý giao tài sản bán đấu giá cho người mua trúng đấu giá. Đến năm 2016, các con của ông Thành đã khởi kiện ông Thành yêu cầu chia tài sản chung của hộ gia đình và yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá của cơ quan thi hành án dân sự.

Sau đó, Tòa án đã xét xử và tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Tiên, anh Nghĩa, anh Hận, chia mỗi người 2.500m2 đất và hủy kết quả bán đấu giá của Cơ quan thi hành án dân sự với nhận định căn cứ vào khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 cho rằng: Các con của ông Thành có quan hệ huyết thống và đang sống chung hộ có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vào năm 2003.

2. Vướng mắc, khó khăn trong việc xác định các thành viên đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình

Điều 106 BLDS 2005 quy định. “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”. Theo đó, các thành viên trong hộ gia đình được xác định phải đảm bảo các yếu tố sau:

[1] Là những người trong hộ gia đình có mối quan hệ thân thiết, gồm những người thân trong gia đình, những người có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ hôn nhân với nhau.

[2] Cùng đóng góp công sức để hoạt động chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và một số lĩnh vực khác do pháp luật qui định.

Nhưng khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 đã có thay đổi về khái niệm: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.”. Nghĩa là các thành viên trong hộ gia đình được xác định phải đảm bảo các yếu tố:

[1] Là những người trong hộ gia đình có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;

[2] Đang sống chung trong hộ gia đình;

[3] Có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền quyền sử dụng đất 1.

Từ hai khai niệm về xác định các thành viên trong hộ gia đình nêu trên đã dẫn đến nhiều quan điêm xác định các thành viên trong hộ khác nhau trong cùng một trường hợp cụ thể, dẫn đến việc áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn, bất cập trình tự thủ tục áp dụng không đảm bảo pháp luật.

Khi tiến hành thi hành án, chấp hành viên đã xác định mặc dù quyền sử dụng đất cấp cho hộ của ông Thành nhưng các con ông Thành không có đóng góp công sức theo quy định tại Điều 106 của BLDS năm 2005 nên không xác định các con ông Thành là thành viên trong hộ gia đình; nghĩa là phần đất 10.000m2 mặc dù được cấp cho hộ gia đình nên việc áp dụng cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất của hộ ông Thành là hoàn toàn đúng pháp luật. Ngược lại, nếu căn cứ theo khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, việc xác định các thành viên trong hộ được thay đổi như sau: Họ là những người có quan hệ huyết thống, hôn nhân và đang sinh sống tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy định này đã bỏ yếu tố “đóng góp công sức” giữa các thành viên trong hộ nên các con Thành và ông Thành đều được xác định là các thành viên trong hộ của ông Thành.

3. Đề xuất, kiến nghị

Thực tiễn đã cho thấy việc xác định các thành viên trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất còn nhiều quan điểm khác nhau nên khoản 5, Điều 6 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên – Môi trường quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (gọi tắt là Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT) đã quy định: “c) Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).” Sau khi ban hành quy định này, Bộ Tài nguyên Môi trường đã khẳng định:

“Quy định nêu trên của Thông tư sẽ bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất. Điều này không tạo ra các khó khăn hay rào cản mà còn giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.

Thông tư cũng không đặt thêm thủ tục hành chính khi thực hiện các quyền của hộ gia đình sử dụng đất như một số ý kiến đã nêu mà đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự (Khoản 2 Điều 212 Bộ luật Dân sự quy định trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản là tài sản chung của gia đình thì phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ)”2.

Thực sự khẳng định của Bộ Tài nguyên – Môi trường là đúng, tạo thuận lợi xác định chủ thể có quyền sử dụng đất một cách chính xác nhưng do bị dư luận phản ứng và công tác tuyên truyền còn hạn chế nên quy định này đã không được triển khai để thi hành trên thực tế.

Việc không triển khai quy định này xuất phát từ trình tự, thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận của Bộ Tài nguyên – Môi trường còn tồn tại nhiều bất cập, chưa thật sự đem lại tiện lợi cho người dân, người dân còn tâm lý sợ thủ tục về nhà đất. Do đó, Bộ Tài nguyên – Môi trường và các Bộ ngành có liên quan cần thực hiện tốt các khâu, tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhanh nhất để thực hiện tốt việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình theo hướng ghi tên tất cả các đồng sở hữu có quyền sử dụng đất. Bộ Tài nguyên – Môi trường và các Bộ ngành có liên quan có thể thực hiện thủ tục cấp đổi tại đia phương để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện việc cấp đối giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hoặc cần có quy định xác định các thành viên trong hộ có quyền sử dụng đất một cách thống nhất, rõ ràng phù hợp giữa những quy định của Bộ luật dân sự về chế định quyền sở hữu tài sản với các quy định của pháp luật về đất đai để tránh tình trạng tranh chấp không đáng có xảy ra.

1.Luật sư Nguyễn Thị Cam, Căn cứ nào xác định hộ gia đình sử dụng đất?, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, đường dẫn https://plo.vn/ban-doc/can-cu-nao-xac-dinh-ho-gia-dinh-su-dung-dat-741567.html
2.Đặng Trung, , bài “Bộ TN&MT nói về việc ghi tên các thành viên trong sổ đỏ, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh có đường dẫn https://plo.vn/do-thi/bo-tnmt-noi-ve-viec-ghi-ten-cac-thanh-vien-trong-so-do-741209.html

HUỲNH MINH KHÁNH ( TAND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)