Vướng mắc về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, liên quan đến thời hạn tạm giam
Sau khi đọc và nghiên cứu nội dung bài viết “Vướng mắc về biện pháp tạm giam trong giai đoạn xét xử phúc thẩm” của Phạm Thị Thùy Dung trên Tạp chí TAND điện tử ngày 30/8/2019/, tác giả có ý kiến trao đổi về nội dung bài viết.
Trước hết chúng ta nghiên cứu thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo quy định tại Điều 346 BLTTHS 2015.
“1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày; Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
2. Trong thời hạn 45 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định: a) Đình chỉ xét xử phúc thẩm; b) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm…”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 347 BLTTHS 2015: “Thời hạn tạm giam để xét xử không được quá thời hạn xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 346 của Bộ luật này… Đối với bị cáo đang bị tạm giam, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa…”.
BLTTHS năm 2015 quy định về vấn đề tạm giam trong giai đoạn xét xử phúc thẩm là rất rõ. Trong thời hạn 45 ngày đối với TAND cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định: Đình chỉ xét xử phúc thẩm hoặc đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm (nghĩa là trong thời gian trong thời hạn tạm giam để xét xử phúc thẩm).
Về vấn đề tác giả nêu ra “do yếu tố khách quan phiên tòa chưa được mở trong khi quyết định tạm giam đã hết mà Hội đồng xét xử chưa làm việc nên cũng không ra được quyết định tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa”, theo cá nhân tôi, khi chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thì không thể ra quyết định tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa được vì có thể vụ án bị đình chỉ xét xử phúc thẩm thì làm gì có phiên tòa được mở mà kết thúc.
Tuy nhiên, hiện nay còn vướng mắc về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm và liên quan đến thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử phúc thẩm. BLTTHS năm 2003 và BLTTHS năm 2015 đều chưa quy định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm và khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, trong trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan cũng chưa quy định Tòa án có thể mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn dài hơn, không như quy định hiện nay là: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm”.
Trong thực tiễn xét xử phúc thẩm cũng có những vụ án rất phức tạp hoặc có trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chưa ra được quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm hoặc khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm nhưng có yếu tố khách quan không xét xử được trong thời hạn 15 ngày, dẫn đến ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án hình sự phúc thẩm.
Nhằm hoàn thiện về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3 Điều 346 như sau:
Điều 346: Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm
…
2. Trong thời hạn 45 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định: a) Đình chỉ xét xử phúc thẩm; b) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.
Để khắc phục được những vướng mắc về biện pháp tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, rất mong các cơ quan pháp luật Trung ương hướng dẫn kịp thời và ý kiến trao đổi của quý độc giả.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận