Vướng mắc về tính án phí trong trường hợp đương sự chỉ thỏa thuận được một số yêu cầu của vụ án

Thực tiễn có những vụ án đương sự chỉ thỏa thuận được một hoặc một số yêu cầu mà không thỏa thuận được việc giải quyết toàn bộ vụ án. Nếu đưa vụ án ra xét xử thì án phí cho từng yêu cầu trong vụ án được tính như thế nào. Vấn đề này hiện còn quan điểm khác nhau.

Thông thường trong các vụ án được Tòa án thụ lý giải quyết có nhiều vụ án nhất là vụ án hôn nhân và gia đình thì có nhiều yêu cầu của đương sự như: yêu cầu ly hôn, yêu cầu nuôi con, yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ chung của vợ chồng… Thực tiễn có những vụ án đương sự chỉ thỏa thuận được một hoặc một số yêu cầu mà không thỏa thuận được việc giải quyết toàn bộ vụ án. Nếu đưa vụ án ra xét xử thì án phí cho từng yêu cầu trong vụ án được tính như thế nào. Vấn đề này hiện còn quan điểm khác nhau.

Nhiều cách hiểu khác nhau

Xin nêu một vụ án cụ thể: Ngày 12/3/2019, nguyên đơn là chị T nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện X yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề sau: yêu cầu ly hôn anh H; yêu cầu cho chị được quyền nuôi con chung là cháu L, sinh ngày 01/3/2018; yêu cầu chia ½ giá trị tài sản chung là một căn nhà gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích 120m2; yêu cầu anh H chịu trách nhiệm trả ½ nợ chung cho chị K là chị ruột của chị T. Sau khi Tòa án thụ lý vụ án, chị K có đơn yêu cầu độc lập yêu cầu anh H và chị T có nghĩa vụ cùng trả cho chị số tiền còn nợ là 50.000.000 đồng. Tại phiên họp hòa giải, chị T và chị K vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu độc lập. Bị đơn anh H đồng ý ly hôn với chị T, đồng ý giao con cho chị T nuôi dưỡng; đồng ý chịu trách nhiệm trả cho chị K ½ số tiền mà vợ chồng anh nợ chị K là 25.000.000 đồng. Riêng yêu cầu chia tài sản chung của chị T thì anh H không đồng ý chia vì cho rằng đây là tài sản của cha mẹ anh cho tiền mua nên chỉ đồng ý chia cho chị T 1/3 giá trị tài sản. Tòa án sau đó, tiếp tục tổ chức phiên hòa giải lần thứ hai nhưng anh H và chị T không thỏa thuận được việc chia tài sản chung. Sau khi Tòa án tiến hành đầy đủ các hoạt động tố tụng thì đưa vụ án ra xét xử. Tại phần quyết định của bản án sơ thẩm đã tuyên như sau:

– Công nhận sự thuận tình ly hôn giữa chị T và anh H.

– Công nhận sự thỏa thuận giữa chị T và anh về việc nuôi con chung. Giao cháu L cho chị T tiếp tục nuôi dưỡng và chăm sóc.

– Công nhận sự thỏa thuận của chị T, anh H với chị K về nghĩa vụ trả nợ chung. Chị T và anh H phải trả cho chị K số tiền 50.000.000 đồng. Trong đó, anh H và chị T mỗi người có nghĩa vụ trả cho chị K số tiền là 25.00.000 đồng.

– Giao tài sản là nhà và đất cho chị T sở hữu. Buộc chị T thanh toán 50% giá trị tài sản cho anh H.
Vấn đề hiện nay còn chưa thống nhất là cách tính án phí đối với yêu cầu ly hôn của chị T và án phí đối với yêu cầu độc lập của chị K.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Do các đương sự không thỏa thuận được việc giải quyết toàn bộ vụ án nên Tòa án đã đưa vụ án ra xét xử. Vì vậy, các đương sự phải chịu toàn bộ án phí theo quy định chung như các vụ án thông thường khác. Cụ thể là nguyên đơn là chị T phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự (ly hôn); anh T và chị H mỗi người phải chịu ½ án phí theo quy định đối với số tiền phải trả cho chị K là 1.250.000 đồng (1/2 x 5% x 50.000.000 đồng).

Quan điểm thứ hai cho rằng: Việc Tòa án đưa vụ án ra xét xử là do chị T và anh H không thỏa thuận được yêu cầu chia tài sản chung. Tuy nhiên, đây là vụ án hôn nhân và gia đình nên trong vụ án có nhiều yêu cầu hoàn toàn độc lập với nhau. Trong đó, có những yêu cầu các đương sự đã thỏa thuận được trước khi mở phiên tòa như yêu cầu ly hôn, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ chung. Do đó, các đương sự chỉ phải chịu 50% (1/2) án phí như trong trường hợp hòa giải thành. Theo đó, chị T và anh H mỗi người phải chịu 50% án phí ly hôn là 75.000 đồng (50% x 50% x 300.000 đồng). Chị H và anh T phải chịu ½ án phí đối với số tiền phải trả cho chị K là 625.000 đồng (1/2 x 50% x 5% x 50.000.000 đồng).
trả nợ cho chị K nên Tòa án phải tách yêu cầu độc lập của chị K ra để giải quyết thành một vụ án khác. Do đó, khi ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự, chị H và anh T mỗi người chỉ phải chịu ½ án phí đối với số tiền phải trả cho chị K là 625.000 đồng (1/2 x 50% x 5% x 50.000.000 đồng). Còn đối với yêu cầu ly hôn của chị T, mặc dù anh H đồng ý ly hôn nhưng anh H và chị T không thỏa thuận được việc chia tài sản chung nên nguyên đơn là chị T phải chịu toàn bộ án phí dân sự (ly hôn) như quan điểm thứ nhất là 300.000 đồng.

Quan điểm của tác giả

Quan điểm của tác giả đối với các vấn đề này như sau:

Thứ nhất, về yêu cầu ly hôn của chị T.

Tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về thuận tình ly hôn như sau: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”.
Tại Công văn số 72/TANDTC-PC ngày 11/4/2017 của TANDTC có nội dung hướng dẫn như sau: Theo quy định tại khoản 4 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì “Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm”; Điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định: “Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí”. Quy định tại khoản 4 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 là kế thừa, giữ nguyên quy định tại khoản 4 Điều 131 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Do không có sự thay đổi về nội dung của luật, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chưa có hướng dẫn khác nên đối với vụ án ly hôn mà các bên đương sự thuận tình ly hôn thì áp dụng tương tự hướng dẫn tại khoản 2 Điều 16 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTPngày 13-6-2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án, cụ thể trong vụ án ly hôn mà các bên đương sự thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì được xem là các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa và các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định (mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định).”
Như vậy, mặc dù anh H đồng ý ly hôn theo yêu cầu của chị T nhưng anh H và chị T chưa thỏa thuận được việc chia tài sản chung nên không coi là thuận tình ly hôn. Trong trường hợp này, Tòa án giải quyết cho chị T ly hôn anh H. Vì vậy, trong phần quyết định của bản án phải quyết định: Chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị T. Cho chị T được ly hôn anh H, chứ không phải là công nhận thuận tình ly hôn giữa chị T và anh H. Do đó, chị T là nguyên đơn phải chịu án phí dân sự (ly hôn) là 300.000 đồng.

Thứ hai, về yêu cầu độc lập của chị K.

Yêu cầu ly hôn, nuôi con, chia tải sản chung của vợ chồng là yêu cầu của nguyên đơn. Còn yêu cầu anh H và chị T phải có nghĩa vụ trả nợ là yêu cầu độc lập của chị K là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong vụ án này, Tòa án phải đưa vụ án ra xét xử là do nguyên đơn và bị đơn chưa thỏa thuận được việc chia tài sản chung của vợ chồng. Còn đối với yêu cầu độc lập của chị K thì các đương sự đã thỏa thuận giải quyết được tại phiên họp giải. Vì vậy, nghĩa vụ chịu án phí của anh H và chị T đối với số tiền phải trả nợ cho chị K chỉ tính là 50% án phí như trường hợp hòa giải thành. Tức là,chị T và anh H mỗi người phải chịu án phí là 625.000 đồng (1/2 x 50% x 5% x 50.000.000 đồng).

Thực tiễn vẫn có trường hợp buộc anh H và chị T mỗi người phải chịu án phí đối với số tiền phải trả cho chị K là 1.250.000 đồng như quan điểm thứ nhất với lập luận là án phí phải tính trong một vụ án, không được tách từng yêu cầu của một vụ án để tính án phí. Quan điểm cá nhân tôi đồng ý là trong một số trường hợp không thể tách từng yêu cầu của một vụ án để tính án phí như vụ án nguyên đơn có nhiều yêu cầu đối với bị đơn… Tuy nhiên, đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì có tính chất khác hơn. Bởi vì yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể được giải quyết trong một vụ án khác, không nhất thiết là phải giải quyết trong cùng vụ án theo yêu cầu của nguyên đơn. Chẳng hạn như trong vụ án này, nếu chị K không có yều cầu anh H và chị T phải trả nợ trong vụ án ly hôn thì Tòa án sẽ không giải quyết về số tiền anh H và chị T còn nợ chị K. Chị K có quyền khởi kiện yêu cầu chị T và anh H trả nợ trong vụ án khác sau khi anh H và chị T ly hôn. Đồng thời, Tòa án hoàn toàn có thể giải quyết các yêu cầu khác của nguyên đơn. Cho nên, nếu các đương sự đã thỏa thuận giải quyết được yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và án phí đối với số tiền anh H và chị T phải trả cho chị K thì án phí phải tính như trường hợp hòa thành mặc dù kết quả giải quyết vụ án là bản án của Tòa án.

Còn đối với quan điểm thứ ba cho rằng Tòa án phải tách yêu cầu độc của chị K để giải quyết vụ án khác. Quan điểm tôi cho rằng làm như vậy là không đúng quy định. Mặc dù tại khoản 2 Điều 42 BLTTDS năm 2015 có quy định Tòa án có thể tách một vụ án có nhiều yêu cầu khác nhau thành hai hay nhiều vụ án. Tuy nhiên việc tách và giải quyết vụ án được tách đảm bảo đúng quy định pháp luật. Trong vụ án này, nếu Tòa án tách yêu cầu độc lập của chị K để giải quyết thành vụ án khác sẽ không đảm bảo quyền lợi của đương sự, cụ thể là chị K. Bởi vì trong vụ án hôn nhân và gia đỉnh nếu vừa có yêu cầu chia tài sản chung vừa có yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ chung thì đương sự (nguyên đơn và bị đơn) chỉ được chia tài sản sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ cho người có yêu cầu độc lập. Cho nên nếu tách yêu cầu độc lập giải quyết thành một vụ án, còn giải quyết yêu cầu chia tài sản chung trong một vụ án. Có thể sẽ làm ảnh hưởng quyền lợi của chị K hoặc gây khó khăn cho quá trình thi hành án nếu anh H và chị T không tự nguyện thi hành quyết định của Tòa án.

Vấn đề tác giả nêu trên thực tế xảy ra rất nhiều. Tuy nhiên hiên nay vẫn còn quan điểm khác nhau hoặc cách thức giải quyết khác nhau. Tác giả rất mong cơ quan có thẩm quyền có thể hướng dẫn hoặc giải đáp vướng mắc nêu trên. Và mong bạn đọc cùng thảo luận, trao đổi thêm.

 

DƯƠNG TẤN THANH (TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)