Vướng mắc về văn bản tại Điều 299 BLTTHS
Khoản 2 Điều 299 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) quy định: Quyết định về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định…, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, hoãn phiên tòa, bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và được lập văn bản. Vấn đề đặt ra là văn bản đó là văn bản gì?
Điều 299 BLTTHS quy định về việc ra bản án, quyết định của Tòa án: “1. Bản án phải được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng nghị án. 2. Quyết định về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, hoãn phiên tòa, bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và được lập văn bản. 3. Quyết định các vấn đề khác được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng xử án không phải lập văn bản nhưng phải được ghi vào biên bản phiên tòa.”
Theo quy định của điều luật thì việc giải quyết vụ án hình sự của Tòa án được thể hiện trong bản án hoặc quyết định. Tại khoản 2 điều luật, có 03 nhóm quyết định gồm: nhóm quyết định về việc thay đổi thành viên tham gia phiên tòa, nhóm quyết định về tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và nhóm quyết định về việc sử dụng các biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo. 03 nhóm quyết định này được Hội đồng xét xử (HĐXX) thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và phải lập văn bản.
Vướng mắc đặt ra là: Có thể hiểu văn bản mà điều luật nhắc tới là biên bản ghi lại toàn bộ nội dung của việc thảo luận, thông qua để đi đến một trong các quyết định tại khoản 2 hay hiểu văn bản này chính là một trong các quyết định tại khoản 2?
Nếu hiểu văn bản này là biên bản ghi lại toàn bộ nội dung của việc thảo luận, thông qua để đi đến một trong các quyết định tại khoản 2 thì sẽ được xem là biên bản nghị án. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 259 BLTTHS về Biên bản nghị án thì văn bản ghi lại nội dung thảo luận, thông qua để đi đến quyết định tại khoản 2 không được xem là biên bản nghị án vì các vấn đề được thảo luận không thuộc các vấn đề phải giải quyết khi nghị án theo khoản 3 Điều 326 BLTTHS. Vì vậy, không thể xem văn bản này là biên bản ghi lại quá trình thảo luận tại phòng nghị án về các 03 nhóm quyết định tại khoản 2 Điều 299 BLTTHS được.
Văn bản này được xác định là một trong các quyết định tại khoản 2 Điều 299 BLTTHS nên được xem là văn bản tố tụng. Vậy khi ban hành các quyết định đó thì phải lập biên bản bởi theo Điều 133 BLTTHS: “Khi tiến hành hoạt động tố tụng phải lập biên bản theo mẫu thống nhất”. Như vậy, khi HĐXX thảo luận, thông qua và đi đến quyết định tại khoản 2 Điều 299 BLTTHS thì cần phải lập biên bản. Hiện nay, biên bản này chưa có tên gọi và chưa được quy định mẫu thống nhất.
Tuy nhiên, khi đối chiếu với khoản 3 Điều 299 quy định về các quyết định khác được HĐXX thảo luận và thông qua tại phòng xử án thì không phải lập thành văn bản nhưng phải ghi vào biên bản phiên tòa. Hiểu theo tính chất, nội dung điều luật, văn bản này được hiểu là biên bản ghi lại quá trình thảo luận và thông qua để ra quyết định của HĐXX.
Điểm mâu thuẫn này là bất cập của Điều 299 BLTTHS.
Theo quan điểm cá nhân, văn bản được quy định tại Điều 299 BLTTHS phải được hiểu là một trong các quyết định tại khoản 2 Điều 299 BLTTHS. Khi HĐXX đã vào phòng nghị án để thảo luận và thông qua một trong các quyết định theo khoản 2, dù việc đó không phải là nghị án theo quy định tại Điều 326 BLTTHS nhưng vẫn phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 BLTTHS. Biên bản này có thể gọi là Biên bản thảo luận của HĐXX.
Việc không phải lập văn bản khi có các quyết định khác cần được HĐXX thảo luận và thông qua tại phòng xử án được lý giải bởi quyết định này sẽ được Chủ tọa thay mặt HĐXX thông báo luôn tại phòng xử án. Chính vì vậy, quyết định này sẽ được thể hiện trong biên bản phiên tòa để ghi nhận rằng tại thời điểm đó có đề xuất hoặc kiến nghị và HĐXX đã thảo luận và đưa ra quyết định.
Trên đây là quan điểm tác giả, mong độc giả gần xa đóng góp ý kiến./.
Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử vụ án Vận chuyển trái phép chất ma túy - Ảnh: Phạm Thị Chung
Bài liên quan
-
Bàn về một số vấn đề liên quan đến đăng ký thay đổi hộ kinh doanh theo văn bản thỏa thuận mua bán - tặng cho trong lĩnh vực công chứng
-
Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực của Tòa án nhân dân tối cao kỳ 2019 – 2023
-
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành ban hành văn bản quy định Luật Đất đai
-
Ký PPA dự án Nhơn Trạch 3&4 và biên bản ghi nhớ cung cấp LNG cho LNG Quảng Trạch II: Cú hích thúc đẩy phát triển các dự án điện khí
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận