Vượt quá yêu cầu khởi kiện trong các vụ án kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất
Trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự liên quan đến đất đai, xác định quyền sử dụng đất thuộc về ai còn có nhiều quan điểm khác nhau về phạm vi giải quyết. Trên thực tế, còn tồn tại Bản án sơ thẩm bị huỷ với lỗi chủ quan của Thẩm phán vì cho rằng Toà án cấp sơ thẩm đã giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.
Tuy nhiên, việc nhận định lỗi chủ quan của Thẩm phán còn nhiều ý kiến trái chiều vì vấn đề này việc nhận thức pháp luật còn có nhiều quan điểm khác nhau. Hiểu như thế nào cho đúng về phạm vi giải quyết trong trường hợp này cần được hướng dẫn của TANDTC để áp dụng đúng quy định pháp luật, được phân tích qua trường hợp sau:
Ví dụ: Năm 2020 ông A khởi kiện yêu cầu ông B phải trả lại diện tích đất đã lấn chiếm theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cấp cho ông A vào năm 1994 là 100m2, qua kiểm tra đo đạc để hoà giải tại địa phương, trên thực tế thì chủ sử dụng đất đã sử dụng đất ổn định, có xác định ranh giới rõ ràng, cắm mốc và đóng cọc cố định, không có tranh chấp ranh giới với chủ sử dụng đất liền kề. Uỷ ban nhân dân (UBND) xã C đã xác định diện tích đất tranh chấp là 100m2, đúng với diện tích đất được cấp theo GCNQSDĐ.
Sau khi hoà giải ở cơ sở không thành, ông A yêu cầu UBND xã C chuyển hồ sơ cho Toà án đồng thời ông A làm đơn khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp. Theo đơn khởi kiện, căn cứ vào kết quả đo đạc và theo diện tích GCNQSD đất được cấp, ông A yêu cầu ông B trả lại diện tích đất đã lấn chiếm là 100m2.
Trong quá trình giải quyết vụ án, thu thập chứng cứ, Toà án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ diện tích đất tranh chấp giữa ông A và ông B, kết quả đo đạc của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai xác định được diện tích đất tranh chấp là 120m2 (tăng 20m2 so với đơn khởi kiện ban đầu và so với GCNQSDĐ ông A được cấp).
Sau khi biết được diện tích chênh lệnh giữa diện tích trên thực tế và theo GCNQSĐ được cấp, Toà án tiến hành xác minh tại cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSĐ thì được biết, tại thời điểm cấp GCNQSDĐ cho ông A và tại thời điểm UBND xã C đo đạc để giải quyết tranh chấp thì phương pháp đo còn thủ công, có sai số trong tính toán, tại thời điểm Toà án giải quyết tranh chấp, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai sử dụng phương pháp đo bằng máy định vị để đo đạc nên kết quả đo đạc chính xác hơn đồng thời yêu cầu Toà án căn cứ vào kết quả đo đạc mới nhất để làm căn cứ giải quyết vụ án (120m2).
Đối với trường hợp trên, trên thực tế xảy ra hai luồng quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất
Sau khi Toà án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ thửa đất, kết quả đo đạc cho thấy diện tích tăng thêm 20m2 thì Toà án hướng dẫn nguyên đơn làm đơn khởi kiện bổ sung đối với diện tích tăng thêm đó. Sau khi nhận được đơn khởi kiện bổ sung thì Toà án chuyển đơn khởi kiện bổ sung kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho UBND cấp xã C để thực hiện thủ tục tiền tố tụng là hoà giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai. Việc hoà giải ở cơ sở không thành, chuyển hồ sơ cho Toà án giải quyết theo thẩm quyền.
Trường hợp này nếu không có đơn khởi kiện bổ sung mà Toà án vẫn giải quyết đối với diện tích tăng thêm là giải quyết vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.
Quan điểm thứ hai
Việc sử dụng đất tranh chấp của chủ sử dụng đất đã ổn định, không có tranh chấp về ranh giới đối với các hộ sử dụng đất liền kề và trong quá trình Toà án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ các đương sự và các hộ sử dụng đất liền kề đã xác định ranh giới, vị trí thửa đất đúng với vị trí, ranh giới mà các đương sự đã xác định trước đó cho UBND xã C thì cho dù diện tích có tăng thêm thì vẫn nằm trong phạm vi giải quyết vụ án.
Bởi vì người khởi kiện tại thời điểm nộp đơn khởi kiện đã căn cứ vào diện tích do UBND xã C đã thu thập được và diện tích theo GCNQSDĐ đất được cấp để khởi kiện. Đối với diện tích tăng thêm so với đơn khởi kiện ban đầu là nằm ngoài ý chí chủ quan của người khởi kiện đồng thời vị trí, tứ cận diện tích đất tranh chấp trên thực tế không có gì thay đổi so với đơn khởi kiện ban đầu của người khởi kiện nên đối với việc chênh lệch diện tích do có sự tăng thêm 20m2 giữa hai kết quả đo đạc tại hai thời điểm khác nhau, điều này xuất phát từ việc tính toán sai hoặc khác phương pháp đo nên khác nhau về diện tích, không ảnh hướng gì đến diện tích thực tế các bên tranh chấp.
Vì vậy, diện tích theo kết quả đo đạc trong quá trình Toà án giải quyết vụ án diện lớn hơn so với diện tích theo yêu cầu của người khởi kiện tại đơn khởi kiện nhưng không thay đổi về vị trí, tứ cận diện tích đất tranh chấp trên thực tế thì Toà án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án mà không yêu cầu người khởi kiện làm đơn khởi kiện bổ sung với diện tích tăng thêm đó. Việc giải quyết này không vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu. Ngoài ra, theo quan điểm này tiết kiệm thời gian giải quyết của Toà án, chính quyền địa phương và đương sự nhưng vẫn không thay đổi được ý chí, nguyện vọng của người khởi kiện và không làm thay đổi nội dung vụ án.
Quan điểm của tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, rất mong được trao đổi, đóng góp với ý kiến bạn đọc. Trong thời gian tới, rất mong TANDTC có hướng dẫn cụ thể vấn đề này để Toà án các cấp áp dụng đúng pháp luật.
Ảnh minh họa của Thái Vũ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận