Xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá: Hô biến nhiều hecta đất lâm nghiệp thành nơi khai thác khoáng sản trái phép?
Bài 1: Khai thác khoáng sản trái phép, máu tài nguyên đang chảy?

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hàng loạt các địa phương như Triệu Sơn, Thạch Thành, Nghi Sơn… rất đau đớn trước thực trạng tàn phá đất lâm nghiệp không thương tiếc. Hoạt động mua bán, móc ruột đất lâm nghiệp để khai thác khoáng sản, tài nguyên đất đang khiến những quả đồi chuyên trồng rừng sản xuất ở những nơi này có nguy cơ bị san phẳng?.

Toàn cảnh khu khai thác đất tại khu đồi xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Theo phản ánh của người dân tại xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá về tình trạng khai thác đất, mua bán đất trái phép nhằm mục đích san lấp diễn ra nhiều năm nay, gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường, hạ tầng giao thông nông thôn bị xuống cấp trầm trọng do nhiều xe quá tải vận chuyển, các cơ quan chức năng phải chăng bất lực?.

Dư luận đặt nghi vấn có thế lực nào “Chống lưng” để cho tình trạng khai thác trái phép đất lâm nghiệp diễn ra như chốn không người.

Dự án trồng rừng hay khai thác khoáng sản?

Xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá là xã có nhiều diện tích đất đồi, đất Lâm nghiệp. Đa phần là đất trồng rừng sản xuất của người dân được giao khoán, chính quyền địa phương và kiểm lâm quản lý.

Từ xa xưa, những cánh rừng trồng là thế mạnh phát triển kinh tế của huyện này. Nhưng hiện nay, đau đớn bởi những cánh rừng trồng bạt ngàn đang ngày càng xen kẽ bởi những ngọn đồi trọc bị nạn khai thác khoáng sản đào khoét loang lổ.

Ông Trịnh Văn Dũng, Cán bộ Địa chính xây dựng xã Hợp Thắng cho biết: Theo Công văn ngày 30/3/1996 tại 4 thôn thuộc xã Hợp Thắng đã được nhà nước giao cho 36 hộ dân tại đây với tổng diện tích là 10,6 hecta đất lâm nghiệp, mục đích thúc đẩy người dân trồng cây rừng sản xuất, phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Khu đất lâm nghiệp được nhà nước giao cho các hộ dân xã Hợp Tiến đến nay đã tan hoang, loang lổ. (Ảnh  được chụp ngày 12/6/2024)

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, PV có mặt tại khu vực thôn Tâm Tiến, xã Hợp Thắng được cho là nơi được Nhà nước giao đất trồng rừng, quan sát bằng mắt thường PV không hề có bất cứ một dấu hiệu nào của việc trồng cây lâm nghiệp, thay vào đó là những máy móc, vị trí khai thác đất và đặc biệt là những điểm tập kết khoáng sản chất cao như núi, phủ trắng cả một quả đồi trước đó đã bị “khai thác, múc” tan hoang.

Khi đặt câu hỏi với người dân và chính quyền tại đây vì sao lại có sự việc khai thác đất lâm nghiệp được nhà nước giao một cách ngang nhiên như vậy? thì tất cả đều cho biết là do Công ty TNHH ĐTXD Xuất nhập khẩu Việt  Lào, cùng các hộ dân được cấp đất trên địa bàn thực hiện. Họ ngang nhiên thực hiện hành vi khai thác và vận chuyển đất lâm nghiệp trái phép.

Danh sách các hộ được nhà nước giao đất lâm nghiệp, tại thôn Tâm Tiến, giáp ranh với khu vực khai thác mỏ của công ty Việt Lào. (Ảnh PV TCTAND)

Qua tìm hiểu từ UBND xã Hợp Thắng, từ năm 2017 đến tháng 4/2021 đã có 16/36 hộ (chủ yếu là thôn 6 cũ nay là thôn Tâm Tiến) thuộc diện giao đất rừng củaNnhà nước đã có hành vi tự ý san gạt, mua bán đất lâm nghiệp lên tới 3 heacta khi chưa được các cấp có thẩm quyền đồng ý, cấp phép.

Một điều đặc biệt, nơi tự ý khai thác rầm rộ này lại nằm ngay sau UBND xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn. Khi PV đặt câu hỏi tới trách nhiệm quản lý cấp cơ sở khi để thất thoát nguồn tài nguyên, thất thoát thuế,… thì cán bộ ở đây “dõng dạc” nói rằng; “Chúng tôi biết nhưng không thể xử lý được vì chế tài không cho chúng tôi làm, hơn nữa chúng tôi có báo cáo nhiều lần với UBND huyện Triệu Sơn, tuy nhiên đến nay chưa có sự chỉ đạo quyết liệt nào”.

Công ty Việt Lào có đánh trắng đen, để chiếm tài nguyên đất?

Sau khi xác minh với lãnh đạo UBND xã Hợp Thắng, bên cạnh khu đất được nhà nước giao đất lâm nghiệp tại thôn Tâm Tiến, xã Hợp Thắng là mỏ khai thác đất của Công ty Đầu tư xây dựng Xuất nhập khẩu Việt Lào (Công ty Việt Lào) đã bị khai thác tan hoang, nhiều lần bị cơ quan chức năng nhắc nhở về khai thác vượt khối lượng lớn và về diện tích.

Tại Báo cáo số 04/BC-UBND của xã Hợp Thắng ngày 02/1/2022 nêu rõ Khu vực đất lâm nghiệp của ông Đỗ Văn Thụy và ông Nguyễn Trọng Xuyên, Công ty Việt Lào đã khai thác vượt ra ngoài mốc giới cho phép với khối lượng, phạm vi lớn.

văn bản số 04, số 523 của UBND xã Hợp Thắng báo cáo UBND huyện Triệu Sơn v/v kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm đối với công ty Việt Lào. 

Tại Báo cáo số 523/BC-UBND của xã Hợp Thắng ngày 27/12/2023 nêu rõ những sai phạm về hoạt động khai thác đất của Công ty Việt Lào và một số hộ gia đình có đất lâm nghiệp từ 01/1/2023 đến 26/12/2023 là các đối tượng thường lợi dụng vào ban đêm, ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ để hoạt động vi phạm. Qua thời gian dài, diện tích, trữ lượng đất bị khai thác  trái phép bên ngoài khu vực mỏ Việt Lào thực tế lớn hơn gấp nhiều lần so với diện tích, trữ  lượng được cấp phép.

UBND xã Hợp Thắng phát hiện hoạt động khai thác đất đồi lâm nghiệp trái phép từ các hộ dân bên ngoài mỏ Việt Lào vận chuyển vào khu mỏ tích trữ để vận chuyển ra ngoài mua bán. Cũng tại Báo cáo số 523 này, UBND xã Hợp Thắng đã kiểm tra, phát hiện Công ty Việt Lào đang tập kết đất với khối lượng lớn, trong đó có cả phần diện tích và khối lượng lấy từ diện tích đất lâm nghiệp của các hộ dân tại thôn Tâm Tiến đã thỏa thuận tự ý cho Công ty Việt Lào khai thác trái phép.

Tại các báo cáo nêu rõ, thẩm quyền của UBND xã chế tài xử lý chưa đủ tính răn đe, mức phạt nhẹ không đáng kể so với lợi nhuận từ các hoạt động vi phạm gây ra. Quy định về lập hồ sơ xử lý vi phạm hành vi khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép quy định phức tạp; phương tiện có giá trị cao, mức độ phạm vi lớn vượt quá thẩm quyền xử lý, các vi phạm trong mỏ Việt Lào rất khó tiếp cận trực tiếp (bắt quả tang). Khi tổ công tác đi bộ vào thì các đối tượng và phương tiện đã dừng hoạt động, chỉ biết ghi nhận, làm việc với Công ty Việt lào thì không hợp tác hoặc chối bỏ trách nhiệm gây khó khăn trong việc xử lý.

Ông Đỗ Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Hợp Thắng cho biết: đến thời điểm này Công ty Việt Lào đã nhiều lần bị xử phạt hành chính về việc khai thác trái phép, và cũng vì công ty này vi phạm nhiều lần nên đã có 03 đời chủ tịch UBND xã Hợp Thắng bị kỷ luật về trách nhiệm quản lý.

Các phương tiện cơ giới vô tư khai thác tài nguyên tại khu đất lâm nghiệp đã được nhà nước giao cho dân. (Ảnh cắt từ video quay ngày 12/6/2024.)

Có thể thấy rằng, Công ty Việt Lào nhiều lần vi phạm nhưng đến nay vẫn không được các cơ quan chức năng huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa xử lý triệt để. Câu hỏi đặt ra, phải chăng phía sau vị đại gia Lê Đình Phú có ai chống lưng mà cả gan hô biến cả chục hecta đất lâm nghiệp để khai thác, mua bán trái phép?

Được biết, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Xuất nhập khẩu Việt Lào  có Mã số thuế là: 2800947555, hoạt động từ năm 2006, tại thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, do ông Lê Đình Phú làm giám đốc.

Công ty Việt Lào được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khoáng sản số 62/GP-UBND ngày 07/2/2017 (điều chỉnh tại Quyết định số 606/QĐ-UBND ngày 14/2/2022), với mục đích sử dụng khoáng sản: “Cung cấp nguyên vật liệu xây dựng thông thường phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước  phát triển hạ tầng giao thông; công trình thủy lợi, thủy điện); công trình khắc phục thiên tai, địch họa; làm vật liệu sán lấp công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.”.

Còn tiếp…

 Điều 227 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bởi điểm a khoản 54 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên như sau:
Đối với pháp nhân thương mại
- Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng đối với các hành vi sau nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:
+ Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm đối với hành vi:
+ Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;
+ Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
+ Có tổ chức;
+ Gây sự cố môi trường;
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
- Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

 

Nhóm PV