Xác định án phí dân sự trong các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất
Hiện nay, xác định án phí trong các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất còn có nhiều cách hiểu và giải quyết khác nhau, nên rất cần có hướng dẫn để áp dụng thống nhất pháp luật.
Các quan điểm khác nhau
Theo 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễm, giảm, thu nộp quản lý sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (sau đây viết tắt Nghị quyết 326/2016) quy định: ” Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
a) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch;
b) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng”.
Theo quy định trên, thì hiện nay thực tiễn áp dụng đối với vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất có nhiều quan điểm khác nhau khi giải quyết, thể hiện nhiều bản án ở địa phương tỉnh Trà Vinh, cũng như nhiều bản án trên cổng thông tin điện tử của TANDTC, đưa ra nhiều cách xác định án phí dân sự có giá ngạch hay án phí không có giá ngạch trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất.
Quan điểm thứ nhất cho rằng vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất thì đương sự chịu án phí không có giá ngạch (mức thu là 300.000 đồng), tranh chấp này không phụ thuộc vào việc Tòa án xác định giá trị hay không có giá trị quyền sử dụng đất tranh chấp và nhận định rằng hai bên tranh chấp về quyền sử dụng đất là ai sở hữu, không phải mục đích hướng đến giá trị đất tranh chấp, còn khi giải quyết Tòa án có xem xét đến giá trị quyền sử dụng đất như buộc một bên trả giá trị quyền sử dụng đất trong vụ án không phải là căn cứ để tính án phí dân sự có giá ngạch.
Ví dụ: Nguyên đơn ông N.V.N tranh chấp với ông N.V.T cho rằng diện tích đất 6.980m2, thửa 104, tờ bản đồ số 5, loại đất TQ tại ấp PP, xã BP, huyện CL, tỉnh T có nguồn gốc là của cha mẹ là cụ N.V.L, cụ bà N.T.C đã cho ông N.V.N diện tích 3.800m2 từ năm 1990 ông sử dụng ổn định đến nay. Ông yêu cầu công nhận diện tích đất này cho ông. Còn bị đơn không thừa nhận cho rằng phần đất này là của cụ N.V.L và cụ bà N.T.C đã cho ông N.V.A ông N.V.A đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó ông A giao cho ông N.V.T đứng tên.
Tại bản án sơ thẩm số 28/2018/DS-ST ngày 27/9/2018 của Tòa án nhân dân, huyện CL, tỉnh T đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện ông N.V.N công nhận diện tích 1668,8m2 cho ông N.V.N; không chấp nhận một phần yêu cầu N.V.N đối với diện tích 2.131,2m2. Án phí buộc hộ ông N.V.T phải nộp 23.234.000 đồng. Ông N.V.N miễm do người cao tuổi. Bản án phúc thẩm đã tuyên sửa án phí buộc ông N.V.T chịu 300.000 đồng.
Quan điểm thứ hai cho rằng vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất việc buộc đương sự chịu án phí có giá ngạch hay không có giá ngạch dựa vào kết quả giải quyết vụ án, nếu như nguyên đơn khởi kiện không được Tòa án chấp nhận yêu cầu thì nguyên đơn chịu án phí không có giá ngạch, còn ngược lại, nguyên đơn được chấp nhận yêu cầu và buộc bị đơn phải trả giá trị đất thì bị đơn phải chịu án phí dân sự có giá ngạch tương đương giá trị đất đã giải quyết, nếu Tòa án buộc bị đơn trả lại phần đất tranh chấp thì bị đơn chịu án phí dân sự không có giá ngạch.
Ví dụ: Nguyên đơn bà N.T.V.H tranh chấp với bà H.T.H cho rằng diện tích đất 53,43m2, thửa 104, tờ bản đồ số 5, loại đất TQ tại TP T, tỉnh T đã cấp giấy chứng nhận đất, bà H.T.H lấn chiếm làm nhà mộ. Còn bị đơn bà H.T.H cho rằng đã mua của cha mẹ bà N.T.V.H nên không trả đất.
Tại bản án sơ thẩm số 21/2018/DS-ST ngày 27/9/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh T đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện bà N.T.V.H công nhận diện tích 49,5m2 cho bà N.T.V.H; buộc bị đơn trả giá trị đất 415.800.000 đồng; Án phí buộc hộ bà N.T.V.H phải nộp 20.632.000 đồng.
Quan điểm thứ ba cho rằng vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất đương sự chịu án phí dân sự có giá ngạch căn cứ vào việc Tòa án xác định giá trị tài sản tranh chấp thông qua việc Hội đồng định giá đã định, việc căn cứ vào giá mà Hội đồng định giá đã định phải thỏa thêm một trong hai điều kiện để làm căn cứ tính án phí có giá ngạch hay không có giá ngạch là nếu trong vụ án đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho một bên trong vụ án thì vụ án này sẽ buộc đương sự chịu án phí dân sự có gia ngạch, ngược lại, nếu đất tranh chấp chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho ai trong vụ án thì buộc đương sự chịu án phí không có giá ngạch vì đây là xem xét quyền sử đất thuộc về một trong hai bên, không đề cặp trả gí trị đất hay không.
Cần có hướng dẫn để tránh thất thu cho ngân sách
Từ các quan điểm trên người viết thấy quan điểm trên chưa chính xác, chưa thật sự mang tính thuyết phục. Việc xác định án phí dân sự có ngạch hay không trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất dựa vào từng hồ sơ vụ án, tranh chấp quyền sử dụng đất Tòa án chưa đưa ra xét xử thì không thể biết trước được kết quả xét xử vụ án, nên Tòa án luôn luôn phải tiến hành thu thập chứng cứ thành lập Hội đồng định giá để xác định giá làm cơ sở giải quyết sau này, nên đây không phải là căn cứ quan trọng để xác định án phí có giá ngạch hay không có giá ngạch phù hợp với khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 326/2016 quy định “… Trường hợp một trong các cơ sở quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này đã xác định được giá trị tài sản để tính tiền tạm ứng án phí thì không xem xét đến các cơ sở tiếp theo”.
Còn căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử đất đã cấp cho ai để xác định án phí dân sự đây cũng không phù hợp với quy định tại theo điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326 quy định “Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng và theo khoản 3 Điều 24 Nghị quyết 326/2016 quy định “Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể”. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 24 Nghị quyết 326/2016 quy định “Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể” và theo Điều 105 và Điều 115 BLDS năm 2015 quy định “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trú tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền khác”. Cho nên tranh chấp quyền sử dụng đất vẫn xác định được bằng giá trị, nhưng lại thu án phí không có ngạch là chưa đảm bảo.
Với quy định của pháp luật về án phí tranh chấp quyền sử dụng đất nêu trên dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật giải quyết như hiện nay chưa rõ ràng, nghĩ các ngành cấp trên cần có hướng dẫn để đảm tính thu đúng và thu đủ qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi đương sự cũn như tránh thất thu ngân sách Nhà nước.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận