Xác định giá trị tài sản chiếm đoạt làm căn cứ định khung hình phạt như thế nào cho đúng?
Trần Thị T ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Chi nhánh Bưu chính Viettel tỉnh D. Sau khi thu tiền của khách hàng, T không nhập thông tin khách hàng lên hệ thống và không nộp tiền về Chi nhánh Bưu chính Viettel tỉnh D theo quy định của hợp đồng mà chiếm đoạt. Bị can đã phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, việc xác định giá trị tài sản làm căn cứ định khung hình phạt đối với Trần Thị T còn nhiều quan điểm khác nhau.
Nội dung vụ án
Ngày 01/6/2022, Chi nhánh Bưu chính Viettel tỉnh D, thuộc Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (sau đây viết tắt là Viettel Post tỉnh D) và Trần Thị T (sinh năm 1993) ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 15/2022/VTPost-BHTT trong thời hạn 01 năm kể từ ngày 01/6/2022 đến ngày 01/6/2023. Theo nội dung hợp đồng, Trần Thị T thực hiện việc tư vấn, giới thiệu sản phẩm dịch vụ viễn thông của Viettel và thu tiền cước các khách hàng trên địa bàn xã H, huyện V, tỉnh D. Sau khi thu tiền cước, Trần Thị T có trách nhiệm nhập thông tin khách hàng vào hệ thống quản lý và nộp đầy đủ số tiền cước đã thu vào tài khoản của Viettel Post tỉnh D trước 10 giờ ngày kế tiếp ngày thu tiền để đăng ký gói cước sử dụng dịch vụ cho khách hàng thông qua User được Viettel Post tỉnh D cấp trên ứng dụng MBCCS.
Quá trình thực hiện hợp đồng, Trần Thị T đã nhiều lần tư vấn, giới thiệu và thu cước đối với 101 khách hàng sử dụng gói cước đóng trước 06 tháng hoặc 12 tháng tương ứng khuyến mãi 02 tháng hoặc 04 tháng miễn phí cước sử dụng dịch vụ với tổng số tiền là 134.380.000 đồng. Sau khi thu tiền cước đóng trước của khách hàng, Trần Thị T chỉ nộp cước đúng quy định vào tài khoản của Viettel Post tỉnh D số tiền 1.813.000 đồng mà không thực hiện nhập thông tin khách hàng và nộp tiền về cho Viettel Post tỉnh D để kích hoạt gói cước cho khách hàng. Số tiền 132.567.000 đồng còn lại, Trần Thị T chiếm đoạt sử dụng vào chi tiêu cá nhân và thực hiện đóng cước hàng tháng cho khách hàng, làm cho Viettel Post tỉnh D không phát hiện (số tiền T đã đóng cước hàng tháng cho khách hàng là 86.084.040 đồng; tiền khuyến mãi cho khách hàng phát sinh là 41.850.000 đồng; số tiền thực tế chưa nộp về cho Viettel tỉnh D là 46.482.960 đồng).
Từ tháng 01/2023, Tổng đài chăm sóc khách hàng của Viettel nhận được các khiếu nại của khách hàng về việc phát sinh nợ cước, không sử dụng được dịch vụ do T không còn khả năng duy trì nộp cước từng tháng cho khách hàng. Viettel Post tỉnh D đã tiến hành rà soát, phát hiện hành vi chiếm đoạt cước đóng trước và yêu cầu Trần Thị T nộp đầy đủ số tiền đã thu cho Viettel Post tỉnh D. Trần Thị T cam kết sẽ khắc phục toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt nhưng không thực hiện. Ngày 01/6/2023, Viettel Post tỉnh D chấm dứt Hợp đồng với Trần Thị T.
Để bảo vệ hình ảnh, uy tín của Viettel Post tỉnh D và đảm bảo quá trình sử dụng dịch vụ của khách hàng được thông suốt, liên tục, ngay sau khi nhân được khiếu nại, phản ánh, Viettel Post tỉnh D đã chủ động cung cấp đầy đủ dịch vụ và các ưu đãi liên quan của gói cước đóng trước cho 101 khách hàng nêu trên.
Về tội danh: Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy đây là hợp đồng hợp tác kinh doanh, các bên hợp tác để chia sẻ lợi nhuận, Trần Thị T là cầu nối, đại diện cho Viettel; sau khi giới thiệu, tư vấn và khách hàng đăng ký gói cước, T thu tiền của khách hàng theo quy định của hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, T nảy sinh ý định chiếm đoạt nên đã không nộp tiền về cho Viettel Post tỉnh D theo quy định của hợp đồng mà chiếm đoạt để sử dụng vào mục đích cá nhân và dùng để đóng cước từng tháng cho khách hàng nhằm che giấu hành vi không để Viettel Post tỉnh D phát hiện (lời khai của bị can). Thiệt hại là của Viettel Post tỉnh D. Có đủ căn cứ kết luận bị can Trần Thị T phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015. Tuy nhiên, việc xác định giá trị tài sản chiếm đoạt làm căn cứ định khung hình phạt đối với Trần Thị T hiện có quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất: Xác định giá trị tài sản làm căn cứ định khung hình phạt đối với Trần Thị T là 132.567.000 đồng, tội phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 175 BLHS. Bởi các lý do sau:
- Trần Thị T là cầu nối, đại diện cho Viettel; sau khi T thu tiền của khách hàng đúng quy định của hợp đồng, T có nghĩa vụ nhập thông tin khách hàng lên hệ thống và nộp tiền về Viettel Post tỉnh D trước 10 giờ ngày kế tiếp. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của khách hàng, T nảy sinh ý định chiếm đoạt nên đã không nộp tiền về cho Viettel Post tỉnh D theo quy định của hợp đồng.
- Khi T nhận tiền của khách hàng là số tiền cụ thể, T có đầy đủ nhận thức được rằng đây là tài sản thuộc sở hữu của Viettel Post tỉnh D, T không có quyền định đoạt số tiền này, nhưng T đã dùng thủ đoạn gian dối là đóng tiền cước hàng tháng cho khách hàng, không nộp số tiền cước đóng trước của khách hàng về cho Viettel Post tỉnh D theo quy định của hợp đồng để chiếm đoạt tiền của Viettel Post tỉnh D.
- Thời điểm T dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của Viettel Post tỉnh D được xác định là thời điểm tội phạm hoàn thành của hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đối với các tội xâm phạm sở hữu, tội phạm hoàn thành từ thời điểm nào thì xác định số tiền, tài sản bị chiếm đoạt tại thời điểm đó để làm căn cứ khởi tố, truy tố, xét xử. Việc bị can tự đóng cước hàng tháng cho khách hàng là thủ đoạn để che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản của mình, chỉ có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề dân sự.
Quan điểm thứ hai: Xác định giá trị tài sản làm căn cứ định khung hình phạt đối với Trần Thị T là số tiền bị can thực tế chiếm đoạt (không tính số tiền đã đóng cước hàng tháng cho khách hàng 86.084.040 đồng và không bao gồm tiền khuyến mãi phát sinh 41.850.000 đồng), cụ thể số tiền 46.482.960 đồng, tội phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS. Bởi các lý do sau:
- Bị can Trần Thị T tư vấn và thu tiền của khách hàng theo đúng quy định của hợp đồng. Sau khi nhận tiền của khách hàng, T nảy sinh ý định chiếm đoạt nên đã có thủ đoạn gian dối, không nộp tiền về cho Viettel Post tỉnh D theo quy định của hợp đồng. Tuy nhiên, xác định bị can có ý thức chiếm đoạt toàn bộ số tiền khi nhận của khách hàng là không phù hợp. Bởi lẽ, lời khai của T thể hiện bị can có ý định chiếm đoạt nhưng chiếm đoạt toàn bộ hay chiếm đoạt một phần số tiền khách hàng đóng chưa thể hiện rõ; không có chứng cứ nào khác thể hiện T có ý định chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã thu. Ngoài ra, bị can cho rằng bản thân đủ khả năng đóng cước từng tháng để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và Viettel Post tỉnh D.
- Hành vi khách quan thể hiện quá trình thực hiện hành vi phạm tội, việc chiếm đoạt tài sản của T vì mục đích tiêu xài cá nhân, thì T còn dùng tiền của người sau đóng cước cho người trước. Có những trường hợp khách hàng mua gói dịch vụ 06 tháng khuyến mãi 02 tháng, bị can đã đóng 07 tháng. Do đó, trường hợp T có đủ khả năng đóng cước cho các khách hàng kể cả các tháng khuyến mãi thì quyền lợi của khách hàng và Viettel Post tỉnh D đều không bị thiệt hại.
- Tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 BLHS là tội phạm có cấu thành vật chất. Khi không có căn cứ xác định bị can có ý định chiếm đoạt toàn bộ số tiền của các khách hàng; đồng thời trong việc đóng cước cho các khách hàng hàng tháng là thủ đoạn gian dối, che dấu hành vi phạm tội của mình đối với khách hàng và Viettel nhưng cũng thể hiện mặt khách quan là bị can đã đảm bảo một phần quyền lợi cho khách hàng nên tài sản bị chiếm đoạt đến đâu thì chịu trách nhiệm đến đó mới phù hợp về mặt lý luận và thực tiễn, không gây bất lợi cho bị can.
Đối với các tội xâm phạm sở hữu trước đây được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001. Tuy nhiên, đến nay văn bản này đã hết hiệu lực và chưa có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các tội xâm phạm sở hữu nói chung, tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nói riêng, nên thực tiễn còn nhận thức khác nhau trong việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là quan điểm giải quyết vụ việc, rất mong nhận được sự trao đổi cùng bạn đọc và đồng nghiệp.
TAND tỉnh Bắc Kạn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Hoàng Thuyên.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Ngày Xuân, Cột cờ Lũng Cú cảnh đẹp mê hoặc lòng người
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Xuân mới, cơ hội mới, khí thế mới!
Bình luận