Xác định giá trị tài sản mà Trần Thị T chiếm đoạt trong tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" là 132.567.000 đồng
Sau khi nghiên cứu bài viết “Xác định giá trị tài sản chiếm đoạt làm căn cứ định khung hình phạt như thế nào cho đúng?” của tác giả Nguyễn Xuân Kỳ đăng ngày 05/02/2025. Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất cho rằng: Xác định giá trị tài sản làm căn cứ định khung hình phạt đối với Trần Thị T là 132.567.000 đồng theo điểm c khoản 2 Điều 175 BLHS 2015.
Điều 175 BLHS 2015 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:
“Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”.
Trong vụ án trên, Trần Thị T ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với Viettel Post tỉnh D, trong đó có trách nhiệm: tư vấn, giới thiệu và thu cước của khách hàng và nhập thông tin khách hàng lên hệ thống và nộp toàn bộ số tiền thu được về Viettel Post tỉnh D trước 10 giờ ngày kế tiếp. Tuy nhiên, sau khi thu được 134.380.000 đồng từ 101 khách hàng, Trần Thị T chỉ nộp lại 1.813.000 đồng, còn lại 132.567.000 đồng bị can chiếm đoạt để sử dụng cá nhân và đóng cước hàng tháng cho khách hàng nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Hành vi này có các dấu hiệu của tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như sau:
- Có hành vi chiếm đoạt tài sản: Sau khi nhận tiền từ khách hàng, Trần Thị T không nộp lại cho Viettel Post tỉnh D mà giữ lại, sử dụng vào mục đích cá nhân.
- Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt: Thay vì nộp toàn bộ tiền về Viettel Post tỉnh D, bị can dùng một phần tiền để đóng cước hàng tháng cho khách hàng, che giấu việc chiếm đoạt và kéo dài thời gian bị phát hiện.
- Hậu quả xảy ra: Viettel Post tỉnh D bị thiệt hại toàn bộ số tiền mà bị can đã chiếm đoạt. Khi không còn khả năng tiếp tục đóng cước cho khách hàng, hành vi chiếm đoạt bị phát hiện.
Theo Điều 175 BLHS, tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoàn thành khi người phạm tội có hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn sau khi nhận tài sản. Trong trường hợp này, thời điểm Trần Thị T phạm tội là ngay khi bị can nhận tiền từ khách hàng nhưng không nộp lại cho Viettel Post tỉnh D. Việc Trần Thị T sử dụng một phần số tiền này để đóng cước cho khách hàng không làm thay đổi bản chất của hành vi phạm tội, mà chỉ là thủ đoạn để che giấu việc chiếm đoạt.
Đối với các tội xâm phạm sở hữu, tội phạm hoàn thành tại thời điểm nào thì xác định giá trị tài sản chiếm đoạt tại thời điểm đó. Số tiền 132.567.000 đồng là số tiền mà Trần Thị T đã thu từ khách hàng nhưng không nộp lại cho Viettel Post tỉnh D tại thời điểm tội phạm hoàn thành. Do đó, giá trị tài sản bị chiếm đoạt được xác định là 132.567.000 đồng chứ không phải chỉ phần tiền còn lại sau khi bị can đóng cước hàng tháng cho khách hàng. Theo hợp đồng, Trần Thị T chỉ là người thu hộ tiền cho Viettel Post tỉnh D, số tiền này vẫn thuộc quyền sở hữu của Viettel Post tỉnh D. Khi nhận tiền từ khách hàng, Trần Thị T không có quyền định đoạt mà phải nộp lại theo đúng thời hạn quy định. Việc không nộp lại số tiền này thể hiện rõ ý thức lợi dụng sự tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản, thỏa mãn cấu thành tội phạm theo Điều 175 BLHS.
Như vậy, xác định giá trị tài sản làm căn cứ định khung hình phạt đối với Trần Thị T là 132.567.000 đồng (tức toàn bộ số tiền mà bị can đã thu từ khách hàng nhưng không nộp về cho Viettel Post tỉnh D) là phù hợp.
Trên đây là quan điểm của tôi về vụ án trên rất mong được sự đóng góp từ quý đồng nghiệp và bạn đọc.
TAND huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã mở phiên tòa xét xử 01 bị cáo về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Sen Ngọc.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định giá trị tài sản mà Trần Thị T chiếm đoạt trong tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" là 132.567.000 đồng
-
Ngày Xuân, Cột cờ Lũng Cú cảnh đẹp mê hoặc lòng người
-
Xuân mới, cơ hội mới, khí thế mới!
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
Bình luận