Xác định nghĩa vụ của chủ họ (phường) có phải nộp thay phần họ của thành viên hay không?
Đối với tranh chấp về phường (họ) được xác lập giao dịch phát sinh trong thời gian áp dụng Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2016 của Chính phủ, nhưng đến nay vẫn đang giải quyết tranh chấp thì xác định nghĩa vụ của chủ họ có phải nộp thay phần họ của thành viên hay không, đang gây nhiều tranh cãi.
Theo Điều 5 Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ và khoản 3 Điều 4 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về hụi, họ, biêu, phường đã đưa ra khái niệm chủ họ; theo đó, chủ họ là người tổ chức, quản lý dây họ, thu các phần họ và giao các phần họ đó cho thành viên được lĩnh họ trong mỗi kỳ mở họ cho tới khi kết thúc dây họ. chủ họ có thể đồng thời là thành viên của dây họ.
Tuy nhiên, theo khoản 4, Điều 15 Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ quy định về nghĩa vụ của chủ họ: “Nộp thay phần họ của thành viên trong trường hợp có thoả thuận nếu đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ”. Có nghĩa là đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ thì chủ họ chỉ nộp thay phần họ của thành viên đó khi có thỏa thuận. Còn theo khoản 4 Điều 18 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ thì chủ họ có các nghĩa vụ “Nộp thay phần họ của thành viên nếu đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Có nghĩa là đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ thì chủ họ đương nhiên phải nộp thay phần họ của thành viên đó.
Chúng tôi xin nêu vụ án cụ thể sau.
I. Nội dung tranh chấp
Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị H trình bày:
Từ tháng 11/2012 đến ngày 7/7/2013, bà tham gia 04 dây phường do bà Nguyễn Thị Th làm chủ phường; phường bà Th làm chủ là phường có lãi, hình thức mua phường bằng cách bỏ phiếu kín, ai mua cao người đó bắt được phường; chủ phường được trích 01% hoa hồng để ghi chép sổ sách, thu tiền phường từ các thành viên và giao tiền phường cho thành viên mua được phường. Ngày 12/7/2013, bà Th tuyên bố dừng phường. Các dây phường bà tham gia, cụ thể như sau:
- 01 dây phường, nộp tiền phường mỗi tháng 03 lần, vào ngày 07, 17, 27 hàng tháng loại 500.000 đồng; có 30 suất tham gia; nộp tiền lần đầu ngày 27/11/2012, lần cuối ngày 07/7/2013. Bà tham gia 02 suất, đã nộp 19 lần số tiền 23.000.000 đồng;
-03 dây phường, nộp tiền phường mỗi tháng 03 lần, vào ngày 05, 15, 25 hàng tháng (dây 1 loại 1.000.000 đồng, dây 2 loại 500.000 đồng, dây 3 loại 2.000.000 đồng; mỗi dây có 33 suất tham gia). Dây 1 và dây 2 bà tham gia 02 suất và đã nộp 19 lần; nộp tiền lần đầu ngày 05/01/2013, lần cuối ngày 05/7/2013. Bà Huệ đã nộp dây 1 số tiền 38.000.000 đồng, dây 2 số tiền 19.000.000 đồng; dây 3 loại 2.000.000 đồng, bà H tham gia 01 suất, đã nộp 13 lần, số tiền 26.000.000 đồng. Tổng số, bà đã nộp 83.000.000 đồng và nhận 02 lần phường là 25.165.000 đồng. Sau khi trừ số tiền lãi bà H được nhận từ việc các con phường mua trúng phường thì số tiền bà H đã nhận tiền phường, số tiền phường thực tế bà H nộp và chưa được nhận lại tại bà Th là 42.073.000 đồng nên bà H khởi kiện đề nghị Tòa án buộc bà Th phải trả lại 42.000.000 đồng, không yêu cầu tiền lãi.
Bị đơn là bà Nguyễn Thị Th trình bày: Bà thống nhất với ý kiến của bà H về thời gian, hình thức chơi phường, thời gian dừng phường, số dây phường bà H tham gia. Bà H tham gia 04 dây phường, số tiền nộp là 83.000.000 đồng, bà H đã nhận tổng số tiền là 25.165.000 đồng. Bà H đã nộp tiền phường nhưng chưa được nhận lại số tiền sau khi dừng phường là 41.558.000 đồng. Bà không trả tiền phường cho bà H do những thành viên tham gia phường chưa nộp tiền phường đủ cho bà. Bà đề nghị Tòa án đưa những thành viên đã nhận phường nhưng không tiếp tục đóng phường vào tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm bà Nguyễn Thị Tuyết Nh, chị Lê Thị S, bà Nguyễn Thị Hồng Tr, chị Trần Thị Hồng L.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Tuyết Nh, chị Lê Thị S, bà Nguyễn Thị Hồng Tr, chị Trần Thị Hồng L thống nhất trình bày: Các bà tham gia chơi phường do bà Th làm chủ phường, các bà trực tiếp nộp tiền phường cho bà Th và nhận tiền phường từ bà Th, không đồng ý trả tiền cho bà H vì không quen biết và không thỏa thuận gì với bà H.
Tòa án cấp sơ thẩm quyết định: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà Nguyễn Thị H, buộc bà Nguyễn Thị Th có nghĩa vụ trả cho bà Nguyễn Thị H khoản tiền phường gốc 42.000.000 đồng.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Th kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm đề nghị Tòa án đưa những người có quyền lợi, liên quan vào tham gia tố tụng và buộc họ trả tiền cho bà H.
Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: Chấp nhận kháng cáo của bà Th; sửa Bản án dân sự sơ thẩm. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị H về việc buộc bà Nguyễn Thị Th trả bà H số tiền phường gốc 41.558.000 đồng.
Sau khi xét xử phúc thẩm, bà H có đơn đề nghị xem xét Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm. Bà H yêu cầu Tòa án buộc bà Th phải trả tiền phường cho bà, triệu tập người liên quan, yêu cầu xác định lỗi của bà Th.
2. Quan điểm tranh luận về hướng giải quyết vụ án
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ thì “Chủ họ là người tổ chức họ thu các phần họ và giao các phần họ đó cho các thành viên được lĩnh họ trong mỗi kỳ mở họ cho đến khi kết thúc họ”. Các dây phường do bà Th làm chủ là phường (họ) có lãi, phường (họ) hưởng hoa hồng (bà Th được hưởng 01% hoa hồng). Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 144/2006/NĐ-CP nêu trên thì “Chủ họ có trách nhiệm thu phần họ của các thành viên góp họ để giao cho người lĩnh họ”. Bà Th có quyền được hưởng 01%/số tiền lãi mà người mua được phường trả và có nghĩa vụ thu tiền phường của các thành viên chơi phường để trả cho người trúng phường.
Mặt khác, các thành viên trong dây phường do bà Th làm chủ không hoàn toàn quen biết nhau. Bà H không thỏa thuận, không giao dịch với các thành viên phường khác mà chỉ thông qua bà Th để nộp và nhận tiền phường. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H, buộc bà Th phải trả tiền phường bà H đã nộp cho bà Th là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định các dây phường do bà H tham gia có thỏa thuận về nghĩa vụ của chủ phường phải nộp thay phần phường của những thành viên không đóng phường; giữa bà H và bà Th cũng không có giây chốt nợ về việc bà Th nợ tiền phường của bà H mà chỉ có giấy xác nhận của bà Th về số tiền thực tế bà H đã nộp tại các dây phường để không chấp nhận yêu cầu của bà H buộc bà Th phải trả tiền là không có căn cứ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà H.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Tại Biên bản quy định tổ phường ngày 27/11/2012 (đối với dây phường ngày 07, 17, 27 hàng tháng) các bên thỏa thuận mỗi tháng họp phường 03 lần, nộp phường cho chủ phường vào lúc 12g30 trưa hàng kỳ là các ngày 07,17, 27 hàng tháng, hội phường tổ chức đấu giá, ai mua cao sẽ nhận được phường, người nhận phường được chia lãi suất mua, các kỳ còn lại không có lãi và phải đóng tiền các kỳ sau đúng quy định; chủ phường có trách nhiệm thông báo trước một buổi cho các thành viên đi phường, tiền trách nhiệm của chủ phường là 110.000 đồng/kỳ. Tất cả các thành viên tham gia phường đều nhất trí nội dung quy định của phường. Phía dưới văn bản có chữ ký của chủ phường là bà Nguyễn Thị Th, chữ ký của bà Nguyễn Thị Tr thay mặt thành viên đi phường. Như vậy, mặc dù H không ký vào biên bản nêu trên nhưng tại biên bản này đều thể hiện các thành viên nhất trí với nội dung biên bản. Thực tế, bà H đã nộp phường, đã nhận lãi đầy đủ các kỳ từ khi dây phường bắt đầu và mua được phường vào các ngày 27/6/2013 và 07/7/2013. Qua đó thể hiện ý chí của bà H thống nhất với với các nội dung tại biên bản quy định tổ phường.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 15 Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ thì chủ phường chỉ phát sinh nghĩa vụ nộp thay phần phường (họ) của các thành viên khi giữa các bên có thỏa thuận. Tại Biên bản quy định tổ phường ngày 27/11/2012 (đối với dây phường ngày 07, 17, 27) không có nội dung nào các bên thỏa thuận bà Th phải có nghĩa vụ nộp thay tiền phường (phần họ) của các thành viên khi đến kỳ mở phường mà có thành viên không góp phường theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 144 nêu trên. Quá trình giải quyết ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm bà H không cung cấp được biên bản thỏa thuận của chủ phường và các thành viên phường về nội dung này, bà Th khẳng định bà không thỏa thuận trả thay tiền phường cho các thành viên phường. Do đó, nếu cho rằng do các thành viên trong phường (họ) không quen biết nhau, không giao dịch với nhau, những thành viên chưa đóng phường cho rằng họ trả tiền nợ phường cho bà Th để buộc bà Th có nghĩa vụ trả thay tiền phường cho các con phường khác khi các bên không có thỏa thuận là không có cơ sở và không đúng quy định tại khoản 4 Điều 15, Điều 30 Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ.
3. Bình luận về các quan điểm trái chiều
Tại Biên bản quy định tổ phường ngày 27/11/2012 (đối với dây phường ngày 07, 17, 27 hàng tháng) các bên thỏa thuận mỗi tháng họp phường 03 lần, nộp phường cho chủ phường vào lúc 12g30 trưa hàng kỳ là các ngày 07,17, 27 hàng tháng, hội phường tổ chức đấu giá, ai mua cao sẽ nhận được phường, người nhận phường được chia lãi suất mua, các kỳ còn lại không có lãi và phải đóng tiền các kỳ sau đúng quy định; chủ phường có trách nhiệm thông báo trước một buổi cho các thành viên đi phường, tiền trách nhiệm của chủ phường là 110.000 đồng/kỳ. Tất cả các thành viên tham gia phường đều nhất trí nội dung quy định của phường. Phía dưới văn bản có chữ ký của chủ phường là bà Nguyễn Thị Th, chữ ký của bà Nguyễn Thị Tr thay mặt thành viên đi phường. Như vậy, biên bản này không thể hiện rõ ràng nghĩa vụ của bà Th phải nộp thay phần họ của thành viên trong trường hợp đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ. Do đó, không thể áp dụng quy định tại khoản 4, Điều 15 Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ để buộc bà Th phải trả tiền cho bà Huệ.
Tuy nhiên, áp dụng Điều 24 Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ vẫn xác định bà Th là chủ họ có trách nhiệm thu phần họ của các thành viên góp họ để giao cho thành viên được lĩnh họ, để buộc bà Th trả tiền cho bà H. Đồng thời, bà H là thành viên của 4 dây phường (họ) do bà Th là chủ họ. Họ bà Th làm chủ là họ có lãi, hình thức mua họ bằng cách bỏ phiếu kín, ai mua cao người đó bắt được họ; chủ họ được trích 01% hoa hồng để ghi chép sổ sách, thu tiền họ từ các thành viên và giao họ cho các thành viên mua được họ. Như vậy, phải xác định đây là họ hưởng hoa hồng, nên theo Điều 24 Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ thì bà Th là chủ họ có trách nhiệm thu phần họ của các thành viên góp họ để giao cho thành viên được lĩnh họ. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H, buộc bà Th phải trả tiền họ cho bà H đã nộp cho bà Th là phù hợp.
Việc bà H là thành viên của 4 dây họ do bà Th làm chủ, bà H đã đóng họ, nhưng nay bà Th dừng dây họ, nên trách nhiệm trả tiền cho bà H là bà Th. Sau khi bà Th trả tiền cho bà H thì bà Th có quyền đòi tiền từ những thành viên chưa góp họ. Đây là thực tế của việc chơi họ, vì bản thân các thành viên trong dây họ không quen biết nhau, chủ yếu thông qua chủ họ và điều này cũng phù hợp với Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về hụi, họ, biêu, phường đối với những giao dịch xác lập trong giai đoạn hiện nay, cụ thể khoản 4 Điều 18 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ của chủ họ: Nộp thay phần họ của các thành viên nếu đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tuy Nghị định số 19/2019/NĐ-CP được ban hành sau khi vụ tranh chấp đã xảy ra, nhưng đây cũng là định hướng của pháp luật về giải quyết vấn đề còn đang tồn tại bất cập.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận