Xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự

Xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là một trong các vấn đề rất quan trọng khi giải quyết vụ án dân sự, trong phạm vi bài viết này, từ việc phân tích một tình huống pháp lý cụ thể, người viết muốn làm rõ và đề xuất tiêu chí để xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.

1. Quy định của pháp luật và thực tiễn

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là đương sự trong vụ việc dân sự.

Việc giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của cá nhân, cơ quan, tổ chức thì cá nhân, cơ quan, tổ chức đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự.

Việc xác định đúng, chính xác tư cách tố tụng của đương sự trong vụ án nói chung và của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nói riêng là cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án một cách triệt để, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các đương sự, tránh bỏ sót người tham gia tố tụng dẫn đến bản án, quyết định sơ thẩm có thể bị Tòa án cấp trên hủy theo quy định tại khoản 3 Điều 308, Điều 310 của BLTTDS.

Tuy nhiên, để xác định một cá nhân, cơ quan, tổ chức có phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không, thì cần có một tiêu chí cụ thể, không thể phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, vì việc xác định sai tư cách tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Khoản 4 Điều 68 của BLTTDS quy định, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Quy định đã viện dẫn trên, nêu ra khái niệm cơ bản nhất để xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đó là việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ, nhưng như thế nào là việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một chủ thể, thì hiện nay có nhiều quan điểm không thống nhất, dẫn đến việc áp dụng mang tính chất tùy tiện, phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng hơn là thực tế khách quan, dẫn đến thời gian giải quyết vụ việc có thể bị kéo dài, thậm chí có trường hợp, nguyên đơn được hưởng quyền, bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ không kháng cáo nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không được Tòa án quyết định vấn đề gì về quyền, nghĩa vụ lại kháng cáo và dù bản án, quyết định sơ thẩm được giữ nguyên khi xét xử phúc thẩm, nhưng thời gian giải quyết vụ việc tiếp tục bị kéo dài thêm một cách không cần thiết và kéo theo những hệ quả khác (có trường hợp bên có nghĩa vụ được xác định trong bản án sơ thẩm phải gánh chịu thêm khoản lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ cho khoảng thời gian phúc thẩm vì lãi bắt đầu tính từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm).

2. Tình huống pháp lý

Công ty Xuất nhập khẩu ĐL có trụ sở tại ĐL, mở chi nhánh tại GL và bổ nhiệm ông T làm Giám đốc chi nhánh, ông T có vợ là bà H. Do Chi nhánh GL mua cà phê của anh A theo hợp đồng kinh tế số 32/1516/BM, phải thanh toán 1.189.587.800 đồng, nhưng không thanh toán nên anh A khởi kiện.

Tham gia tố tụng, phía bị đơn cho rằng ông T chưa thực hiện bàn giao khi bị đình chỉ chức vụ Giám đốc Chi nhánh GL mà đã bỏ trốn, số lượng cà phê nhận của anh A gửi vào kho của Chi nhánh không còn tồn tại, bị đơn không có đủ tài liệu, sổ sách để xác định công ty còn nợ hay không và nợ bao nhiêu; hơn nữa, sau khi Công ty nhận cà phê nhân, Công ty đã chuyển tiền vào tài khoản của Chi nhánh GL, để Giám đốc Chi nhánh GL là ông T chi trả cho khách hàng, bao gồm cả tiền hàng còn lại của anh A nên đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán hợp đồng;

Bà H không tham gia tố tụng, không xuất trình tài liệu, chứng cứ gì cho Tòa án nhưng tại Đơn trình bày gửi cho Công ty thể hiện có phát sinh khoản nợ 1.205.991.000 đồng giữa anh A với ông T, trong khi vợ chồng họ không nợ gì anh A. Bà H còn được ông T cho biết về khoản nợ 1.205.991.000 đồng là khoản nợ liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa của Chi nhánh GL với anh A và đã được anh A cho trả dần hàng tháng, tất cả giấy tờ liên quan đến việc khoản nợ 1.205.991.000 đồng đã bị anh A lấy lại; như vậy khoản tiền 1.205.991.000 đồng anh A ghi nợ là khoản nợ riêng của anh A và vợ chồng ông T, bà H, chứng tỏ ông T đã nhận tiền đáng lẽ phải thanh toán cho anh A, anh A đã nhận tiền này nhưng cho ông T nợ trả dần hàng tháng, nên Công ty không còn nghĩa vụ gì với anh A.

Với nội dung vụ án như nêu trên, Tòa án đã xác định vợ chồng ông T, bà H là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; do ông T đã mất tích; bà H không tham gia tố tụng, thuộc trường hợp phải niêm yết, làm cho thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài. Tại bản án sơ thẩm số, Tòa án chỉ quyết định những nội dung như sau:

“Buộc Công ty Xuất nhập khẩu ĐL phải trả cho anh A 1.874.203.727 đồng; trong đó có 1.189.587.800 đồng và 684.615.927 đồng tiền lãi chậm trả”.

Các nội dung quyết định như nêu trên cho thấy, Tòa án đã không giải quyết bất cứ vấn đề gì liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của ông T, bà H mặc dù xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Người viết cho rằng, việc không quyết định ông T, bà H có quyền lợi hoặc phải thực hiện nghĩa vụ gì đối với các đương sự khác khi Tòa án giải quyết vụ án theo đơn khởi kiện của anh A đối với Công ty 2-9 ĐL, thì việc giải quyết vụ án không liên quan gì đến quyền, nghĩa vụ của ông T, bà H. Các tình tiết, sự kiện hoặc thông tin mà ông T, H biết được liên quan đến Hợp đồng kinh tế số 32/1516/BM và việc thực hiện hợp đồng này, là một trong các nguồn của chứng cứ mà Tòa án cần xem xét, đánh giá để quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh A.

 Bởi lẽ, nếu lời trình bày của bà H là đúng, thì Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh A, Tòa án không thể giải quyết yêu cầu gì của anh A đối với ông T bà H trong vụ án này vì điều đó là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu và không liên quan đến nhau, công ty cũng không thể yêu cầu cấn trừ khoản tiền cho rằng ông T đã nhận vào khoản tiền còn phải trả cho anh A, vì yêu cầu đó không đảm bảo tính chất của yêu cầu phản tố; nếu lời khai của bà H là không đúng thì Tòa án phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án để chấp nhận yêu cầu khởi kiện vì công ty không chứng minh được đã thanh toán cho anh A;

Vì vậy, trong vụ án này, ông T, bà H chỉ là người làm chứng, Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông T, bà H là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là không đúng quy định tại Điều 68 của BLTTDS.

3. Đề xuất

Từ tình huống pháp lý trên, cho thấy vấn đề là làm thế nào để xác định đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay họ chỉ là người làm chứng, khi mà chỉ đến khi Tòa án ra bản án, thì mới có thể quyết định họ có phải thực hiện nghĩa vụ hay được hưởng quyền lợi gì hay không. Vì vậy, cần thiết phải thiết lập nên tiêu chí cụ thể để làm cơ sở xác định tư cách tố tụng của các chủ thể và cách thức thực hiện để ngay cả khi chưa ra bản án, Tòa án có thẩm quyền vẫn xác định chính xác tư cách tố tụng của họ, ngoài tiêu chí chung nhưng khó xác định đã được nêu tại khoản 4 Điều 68 của BLTTDS.

Người viết đề xuất tiêu chí và cách thực hiện như sau:

Về tiêu chí: Để xác định một cá nhân có phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hay không thì Tòa án cần xác định khi giải quyết vụ án, thể nhân đó được hưởng quyền lợi hay phải thực hiện nghĩa vụ gì đối với các đương sự khác của vụ án hay không? Hay nói cách khác họ phải là người được thi hành án hay người phải thi hành án khi Tòa án giải quyết vụ án theo đơn khởi kiện của các đương sự khác của vụ án đó hay không?

Về cách thức thực hiện: Tòa án cần căn cứ vào yêu cầu khởi kiện và  các tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình, để từ đó dự kiến trong trường hợp chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác, thì một cá nhân cụ thể được hưởng quyền lợi gì hay phải thực hiện nghĩa vụ gì đối với các đương sự còn lại hay không; nếu có thì thể nhân đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng mà không phụ thuộc vào việc họ tự đề nghị hoặc các đương sự khác có đề nghị hay không? Nếu không thì họ không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, lúc này Tòa án tùy thuộc vào các thông tin mà họ biết, các tài liệu mà họ cung cấp để xác định họ là người làm chứng hoặc không.

Trên đây là tiêu chí và cách thức thực hiện để xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự của người viết, rất mong nhận được sự quan tâm và các ý kiến trao đổi của quý bạn đọc.

*Tòa án nhân dân huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

TAND huyện Đak Pơ, Gia Lai mở rộng việc “Số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh” tại các phiên tòa xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Nguyễn Chí Linh

QUÁCH THỊ GIANG*