Xác định nồng độ cồn - bất cập và kiến nghị
Vấn đề nồng độ cồn trong tham giao thông cần có sự nghiên cứu thấu đáo, nhất là hiện nay tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XVI đang tiến hành thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Chính phủ trình Quốc hội thông qua.
Đặt vấn đề
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 100) ngày 30/12/2019 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, với mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần so với trước kia, đây được xem là “liều thuốc” để ngăn chặn các hành vi vi phạm dẫn đến mất an toàn giao thông. Theo đó, hàng năm số vụ tại nạn giao thông năm sau đều giảm hơn so với năm trước về cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương đều giảm. Như vậy, có thể thấy yếu tố tích cực khi triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị định 100/019/NĐ-CP.
Tuy nhiên bên cạnh những yếu tố tích cực thì vẫn còn có một số bất cập mà hàng ngày vẫn xảy ra, cụ thể: Có tình trạng khi người tham gia giao thông đường bị bị lực lượng Cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn mặc dù đúng như người bị thổi nồng độ cồn trình bày họ không uống rượu, bia mà chỉ uống nước ép hoa quả nhưng khi kiểm tra vẫn xác định có nồng độ cồn hoặc có uống từ hôm trước nhưng hôm sau khi bị kiểm tra vẫn có nồng độ còn. Vậy họ có là đối tượng bị xử phạt không? Đây là vấn đề chúng ta cần có sự nhận diện, phân tích đảm bảo sự thượng tôn pháp luật nhưng cũng phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Quy định của pháp luật
Theo khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2018, quy định về những hành vi bị nghiêm cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Hiện nay, theo Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại khoản 1 Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm “1. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.”
Khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định: “Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau: 8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Như vậy, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện nay đang thảo luận để thông qua đều có quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Thực tế hiện nay việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tham gia giao thông đường bộ được thực hiện theo Nghị định 100, cụ thể khi người tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn thì sẽ bị xử phạt: Tại điểm c khoản 6 Điều 5 Nghị định 100 quy định: “6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: “….c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.”; hay điểm c khoản 8 Điều 5, phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: “…c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.”… ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyển sử dụng giấy phép lái xe theo quy định.
Trong khi đó, theo hướng dẫn tại Quyết định số 933/QĐ-BYT ngày 23/3/2010 ban hành quy định về đo nồng độ cồn trong máu áp dụng cho các bệnh viện thì hệ số quy đổi mmol/l x 4,608 = mg/100ml hoặc mmol/l x 0,04608 = g/l. Theo Quyết định 320/QĐ-BYT ngày 23/01/2014 của Bộ Y tế có quy định: Khi xét nghiệm mà nồng độ cồn trong máu dưới 10,9mmol/l (tương đương 0,5023 mg/ml) thì được coi “Trị số bình thường: <10.9 mmol/L”.
Vướng mắc trong thực tiễn
Sáng ngày 12/10/2023 tại ngã tư phố T, quận Đ, TP H; Nguyễn Văn A điều khiển xe ô tô loại 4 chỗ, bị lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn và xác định nồng độ cồn trong máu của Nguyễn Văn A là 8.317 mmol/1 (trị số bình thường là <10.9mmol/l) và Nguyễn Văn A bị xử phạt hành chính 8.000.000 đồng. Theo trình bày của Nguyễn Văn A có uống bia một ít vào tối hôm trước và sáng hôm sau hoàn toàn tỉnh táo và điều khiển bình thường.
Hay vụ án Đào Văn T chiều ngày 10/9/2022 điều khiển xe ô tô gây tại nạn làm một người chết. Quá trình điều tra xác định, Đào Văn T điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường chuyển hướng xe không đảm bảo an toàn, vi phạm khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ, lỗi chính gây ra tai nạn giao thông. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Đào Văn T là 9.919 mmol/1 (trị số bình thường là <10.9mmol/l). Các chất ma túy là âm tính. Đào Văn T khai không sử dụng rượu, bia. Chứng cứ tại hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện trước và trong khi gây ra tai nạn Đào Văn T có sử dụng rượu, bia.
Theo Biên bản xác minh ngày 15/9/2022 tại Trung tâm y tế thành phố H có nội dung: Theo y học thì trong máu của mỗi người luôn có một hàm lượng cồn nhất định và hàm lượng này nhỏ hơn 10,9mmol/l. Như vậy, kết quả xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu Đào Văn T là 9.919 mmol/1 thì theo y học thì đây là hàm lượng cồn trong máu của một người bình thường.
Đối với tình huống thứ nhất, có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất không xử phạt Nguyễn Văn A mà chỉ giáo dục nhắc nhở. Quan điểm thứ hai phải xử phạt Nguyễn Văn A với mức 8.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 03 tháng.
Đối với tình huống thứ hai, cũng có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất chỉ truy tố, xét xử Đào Văn T theo quy dịnh tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS là phù hợp. Quan điểm thứ hai lại cho rằng Đào Văn Th phải bị truy tố, xét xử theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS mới đúng pháp luật.
Quan điểm của tác giả cho rằng: Đối với tình huống thứ nhất, không xử phạt tiền và tước giấy phép lái xe đối với Nguyễn Văn A là phù hợp mặc dù không đúng quy định của pháp luật nhưng theo nguyên tắc có lợi nên cần dẫn chiếu sang hướng dẫn và quy định của Bộ Y tế; mặc dù theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì giá trị pháp lý thấp hơn Luật, Nghị định. Đối với tình huống thứ hai tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất là chỉ truy tố, xét xử đối với Đào Văn T theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS là phù hợp với quy định của pháp luật. Vì theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS là trường hợp: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: “…b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng”. Quy định này phải được hiểu ngoài quy định liệt kê người thực hiện hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ phải chịu tình tiết định khung tăng nặng khi người đó chỉ cần “có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng”.
Tuy nhiên đối với việc có sử dụng rượu, bia thì phải thỏa mãn đồng thời điều kiện cần và đủ: 1) về điều kiện cần ở đây là: Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia và điều kiện đủ ở đây là: mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định. Tức là, theo quy định thì không định khung hình phạt đối với người điều kiển phương tiện giao thông đường bộ không được sử dụng rượu, bia mà chỉ định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự khi người đó “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định”. Tức là phải thỏa mãn điều kiện cần và đủ như trên tác giả đã phân tích.
Tuy nhiên thế nào là “vượt quá mức quy định?”, nếu như qua phân tích ở trên cho chúng ta thấy các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực tham giao giao thông đường bộ hiện nay đều cấm. Đáng lưu ý, khi dự liệu và ban hành BLHS năm 2015 và sửa đổi bổ sung năm 2017 thì không quy định sử dụng, rượu bia khi tham giao giao thông là một tình tiết định khung năng nặng trách nhiệm hình sự.
Kiến nghị hoàn thiện
Qua thực tiễn tác giả đưa ra hai ví dụ trên cho thấy chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá lại các quy định của pháp luật hiện nay về việc cấm tuyệt đối và xử phạt hành chính cũng như xét xử các vụ án khi người tham gia giao thông điều khiển các phương tiện tham gia giao thông mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn vẫn còn đó những bất cập mà trên tác giả đã phân tích. Hiện nay trên diễn đàn Quốc hội thi tham gia ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vẫn còn có các ý kiến khác nhau ở quy định tại khoản 1 Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm “1. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.” và rất nhiều đại biểu không đồng tình với quy định như trên mà có ý kiến cần nghiên cứu lại theo hướng cần quy định theo hướng “nếu vượt mức quy định” thì mới vi phạm và xử phạt. Theo tác giả, quan điểm này là hợp lý, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, truyền thống văn hóa của dân tộc.
Chính vì vậy, tác giả kiến nghị cần sửa lại quy định tại khoản 1 Điều 8 Dự thảo Luật theo hướng cụ thể: “1. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định.” theo đúng quy định của BLHS hiện hành. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu xem xét đánh giá lại Luật Phòng chống tác hại rượu, bia năm 2019 để có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
* ThS-Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội
Một chốt kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: M.Linh/Báo Tin tức.
Bài liên quan
-
Quốc hội cấm người có nồng độ cồn tham gia giao thông
Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu -
Xử phạt hành chính đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn – thực trạng và kiến nghị
-
Đại biểu quan tâm đến quy định nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông
-
Vì sao tai nạn giao thông tại tỉnh Thừa Thiên Huế tăng đột biến?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận