Xác định tư cách tố tụng của người mua dâm, người bán dâm trong giải quyết vụ án hình sự

Việc xác định tư cách của người tham gia tố tụng có ý nghĩa trong việc quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng cũng như quyền kháng cáo của người tham gia tố tụng trong vụ án. Tuy nhiên, hiện nay việc xác định tư cách của người mua dâm, người bán dâm trong giải quyết vụ án hình sự đối với người phạm tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm còn có nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, xác định tư cách của người mua dâm, bán dâm là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bởi xác định có sự việc mua, bán dâm và có người mua, người bán thì mới có căn cứ để xét xử bị cáo về tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm. Việc mua dâm, bán dâm có liên quan mật thiết đến việc phạm tội cũng như xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Quan điểm thứ hai cho rằng, xác định tư cách của người mua dâm, bán dâm là người làm chứng, bởi người đến mua dâm, bán dâm là người trực tiếp thông qua bị cáo để thực hiện việc mua dâm, bán dâm và những người này đương nhiên biết sự việc người phạm tội thực hiện hành vi chứa mại dâm, môi giới mại dâm.

Quan điểm thứ ba cho rằng, người mua dâm, bán dâm trong vụ án chứa mại dâm, môi giới mại dâm chỉ là những người có liên quan đến việc phạm tội của người phạm tội. Họ không có quyền lợi, nghĩa vụ gì và họ cũng không phải là người biết sự việc, cho nên xác định họ có tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay người làm chứng đều không phù hợp. Do vậy, cần xác định người mua dâm, bán dâm là người có liên quan trong vụ án.

Quan điểm thứ tư cho rằng, người bán dâm là người có quyền lợi, nghĩa vụ lien quan còn người mua dâm là người làm chứng trong vụ án.

Theo quan điểm của tác giả thì việc xác định tư cách của người mua dâm, bán dâm là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng hay là người có liên quan thì còn chưa phù hợp, bởi lẽ:

Thứ nhất, việc xác định tư cách người mua dâm, bán dâm là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Theo khoản 1 Điều 65 của BLTTHS năm 2015 thì Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Như vậy, với quy định này thì để là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì bắt buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thỏa mãn một trong các yếu tố là có quyền lợi hoặc nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. Trong vụ án bị cáo phạm tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm thì khách thể của tội phạm là xâm phạm đến sự quản lý của Nhà nước về trật tự công cộng, trật tự an toàn xã hội. Cho nên người mua dâm, người bán dâm không bị ảnh hưởng hay có quyền lợi gì trong vụ án này, cũng như không làm phát sinh nghĩa vụ về trách nhiệm dân sự, nghĩa vụ về tài sản (trừ trường hợp liên quan về xử lý vật chứng). Do đó, khi có bản án, quyết định của Tòa án thì không làm phát sinh quyền kháng cáo của người mua dâm, người bán dâm liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Vì vậy, việc xác định tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là còn chưa thỏa đáng.

Thứ hai, việc xác định tư cách người mua dâm, bán dâm là người có liên quan. Theo quy định tại Điều 55 BLTTHS năm 2015 thì người tham gia tố tụng gồm:  Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị bắt; Người bị tạm giữ; Bị can; Bị cáo; Bị hại; Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Người làm chứng; Người chứng kiến; Người giám định; Người định giá tài sản; Người phiên dịch, người dịch thuật; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này.

Đối chiếu với quy định này thì BLTTHS năm 2015 không có ghi nhận tư cách người tham gia tố tụng là người có liên quan trong vụ án. Do vậy, việc xác định người mua dâm, bán dâm là người có liên quan là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ ba, việc xác định tư cách người mua dâm, bán dâm là người làm chứng. Theo khoản 1 Điều 66 BLTTHS năm 2015 thì Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng”. Xét thấy, cấu thành tội phạm của tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm là cấu thành hình thức. Tức là, người phạm tội chỉ cần thực hiện một trong các hành vi chứa mại dâm, làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm thì đủ cơ sở để xử lý về tội chứa mại dâm quy định tại Điều 327 hoặc tội Môi giới mại dâm quy định tại Điều 328 BLHS năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) mà không cần thiết việc thực hiện mua dâm, bán dâm đã hoàn thành hay chưa. Trong trường hợp này, người mua dâm, bán dâm không biết hoặc không phải biết những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm hay về vụ án mà được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng, mà họ là những người thực hiện hành vi có liên quan đến việc phạm tội do bị bắt quả tang hay có nguồn tin tố giác về tội phạm. Nhưng hành vi này chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Mặt khác, theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 66 BLTTHS năm 2015 thì người làm chứng được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, nếu người mua dâm, bán dâm mà cơ quan tiến hành tố tụng xác định họ là người làm chứng thì họ đương nhiên được nhận các chi phí mà pháp luật quy định. Nhận thấy, sự việc này có phần không hợp lý, bởi lẽ người mua bán dâm là người vi phạm và đã bị xử phạt vi phạm hành chính, cho nên phải có mặt tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án. Như vậy, việc xác định tư cách là người làm chứng cũng không phù hợp.

Tuy nhiên, hiện nay trong hoạt động xét xử tại Tòa án, nhiều nơi vẫn lựa chọn xác định người mua dâm, bán dâm là người làm chứng, bởi thông thường người mua dâm, bán dâm không có mặt khi Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa, nếu xác định họ có tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì khi họ vắng mặt tại phiên tòa bắt buộc Tòa án phải thực hiện việc tống đạt các văn bản tố tụng hoặc niêm yết văn bản tố tụng theo quy định của pháp luật. Quá trình này gây mất thời gian, công sức. Hoặc, trong trường hợp vụ án có nhiều lời khai còn mâu thuẫn trong việc xác định tội danh, bị cáo chối tội, còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ trong vụ án thì Tòa án có thể dẫn giải theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 66 BLTTHS năm 2015[1] đối với người làm chứng để tham gia phiên tòa theo quy định của pháp luật, còn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án không thể thực hiện được quyền này, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án.

Tóm lại, hiện nay BLTTHS năm 2015 cũng như các văn bản hướng dẫn chưa có quy định về xác định tư cách tham gia tố tụng của người mua dâm, bán dâm trong vụ án hình sự nên việc áp dụng còn nhiều quan điểm khác nhau. Do đó, thông qua bài viết này mong nhận được sự đóng góp, trao đổi cùng quý bạn đọc.

  Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà xét xử phúc thẩm vụ chứa mại dâm – Ảnh Khánh Hòa online

 

[1] Điểm a khoản 4 Điều 66 BLTTHS năm 2015 quy định người làm chứng có nghĩa vụ: “Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;”

 

Ths. VÕ VĂN TUẤN KHANH ( Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang)