Xác định tư cách tố tụng trong tội "chống người thi hành công vụ” như thế nào?
Anh N trong khi làm nhiệm vụ bị H xô xát nhưng anh N đã từ chối giám định, không yêu cầu H phải bồi thường. Xác định tư cách tham gia tố tụng của anh N trong vụ án, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau.
Trưa ngày 01/4/2022, Lê Xuân H ăn cơm, uống rượu tại nhà người quen ở xã K, huyện M, Thành phố H. Khoảng hơn 15 giờ cùng ngày, H điều khiển xe ô tô BKS 30H-149.11 về nhà tại xã S, huyện X, Thành phố H. Anh Tạ Văn D cùng vợ là chị Ngô Thị Th đi phía sau, cùng chiều thấy xe ô tô do H điều khiển lạng lách trên đường, có biểu hiện say rượu và dễ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đến khu công nghiệp gần Nội Bài thì H dừng xe bên lề đường, anh D có xuống xe trao đổi với H là đã uống rượu thì không nên lái xe, nhưng H không nghe.
Khoảng 17 giờ, khi đến ngã tư thuộc tổ 4, thị trấn S, H dừng xe chờ đèn đỏ thì anh D lại xuống xe nhắc nhở H, hai bên xảy ra to tiếng, xô xát, giằng co. Thấy vậy, chị Th đã đến Công an huyện S trình báo.
Lúc này, anh Lê Hồng L, Nguyễn Quang X và anh Nguyễn Huy N là cán bộ trực ban Công an huyện S đã đến hiện trường giải quyết vụ việc. Thấy H giằng co với anh D và liên tục to tiếng, chửi tục nên tổ công tác đã đưa H về trụ sở làm việc. Tại phòng trực ban Công an huyện S, H không phối hợp làm việc, liên tục chửi tục, thách thức và đã có hành động xô đẩy, đấm vào ngực và tóm cổ áo anh N. Sau đó, H bị khống chế, bàn giao cho đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện S giải quyết.
Sau khi sự việc xảy ra, anh N ngay được đưa đi khám tại Bệnh viện đa khoa huyện S. Cơ quan điều tra đã ra quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể đối với anh N, tuy nhiên, do chỉ bị thương, xây xát nhẹ nên anh N đã từ chối giám định, cam đoan tự chịu trách nhiệm về sức khỏe của bản thân, không khiếu kiện, khiếu nại gì và không yêu cầu Lê Xuân H phải bồi thường gì.
Lê Xuân H đã bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 330 BLHS năm 2015.
Về xác định tư cách tham gia tố tụng của anh Nguyễn Huy N trong vụ án, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng anh Nguyễn Huy N là bị hại trong trong vụ án này, bởi ngay trong tên điều luật quy định tại Điều 330 đã thể hiện đối tượng tác động của hành vi phạm tội là người thi hành công vụ. Bị hại trong tội này phải là cán bộ, công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ, công vụ hoặc những người khác được giao thực hiện các nhiệm vụ, công vụ. Do anh N được phân công nhiệm vụ trực tiếp tham gia giải quyết vụ việc, đồng thời bị thương, xây xát từ hành vi của H gây ra nên cần xác định anh N là bị hại trong vụ án mới chính xác.
Quan điểm thứ hai: Anh Nguyễn Huy N là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Đây cũng là quan điểm của tác giả, bởi khách thể của tội chống người thi hành công vụ là xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính của cơ quan nhà nước. Hoạt động này được thực hiện thông qua các cán bộ, công chức hoặc những người được giao nhiệm vụ, công vụ, vì vậy đối tượng tác động của tội này không phải là người trực tiếp thi hành công vụ mà là hoạt động của nhà nước. Trường hợp hành vi dùng vũ lực đấm, đá anh H để chống lại người thi hành công vụ gây thương tích có tỉ lệ thương tật cho anh H có thể bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích; tuy nhiên, trong tình huống này mặc dù anh N bị xây xát nhẹ do hành vi của H gây ra nhưng anh N đã từ chối giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể và không yêu cầu H phải bồi thường gì nên không có cơ sở các định thương tích để xử lý H về hành vi cố ý gây thương tích. Do đó, tư cách tố tụng của anh Nguyễn Huy N trong vụ án này là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý bạn đọc.
Tòa án nhân dân tp Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình xét xử vụ án “Chống người thi hành công vụ”- Ảnh: Mai Cao Hải
Bài liên quan
-
S và Đ là bị hại trong vụ án
-
Cảnh sát điều tra tìm bị hại trong vụ án Tập đoàn Egroup
-
Bàn về việc tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo tại phiên tòa xét xử các vụ án xâm hại tình dục
theo quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC -
S và Đ là bị hại hay người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến vụ án
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
1 Bình luận
Đồng Phước Mạnh
21:35 10/01.2025Trả lời