Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các kiến nghị

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học cơ quan tham mưu giúp lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TANDTC chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền soạn thảo, góp ý kiến xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Qua thực tiễn, có nhiều nội dung cần được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, khắc phục để hoạt động của hệ thống TAND hiệu quả hơn, đúng vai trò là quan quan thực hiện quyền tư pháp hơn nữa.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND, ngay sau khi các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được ban hành, được sự chỉ đạo của Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã rà soát, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

I.Những kết quả cụ thể

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã tham mưu giúp lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TANDTC chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền soạn thảo, góp ý kiến xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến PCTN. Cụ thể như sau:

Trực tiếp chủ trì, soạn thảo các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo

Tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân và các đạo luật tố tụng tư pháp, TANDTC đã xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản về phòng chống tham nhũng nhằm tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ cho công tác phòng chống tham nhũng. Cụ thể, TANDTC đã ban hành 5 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán và nhiều văn bản quan trọng liên quan về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Bên cạnh đó, hằng năm Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ công tác trọng tâm của các TAND. Qua đó, xác định các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ Tòa án như đối với cán bộ công chức và Thẩm phán Tòa án các cấp phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều Đảng viên không được làm ...

Trong công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật thời gian qua bên cạnh việc ban hành Nghị quyết, Thông tư, TANDTC còn tập hợp những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn xét xử nhưng chưa thể ban hành ngay được để Hội đồng Thẩm phán ban hành các Tập giải đáp vướng mắc nghiệp vụ để các Tòa án tham khảo, cách làm này đã kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc về áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết các loại vụ án. Cùng với 4 tập Giải đáp vướng mắc nghiệp vụ đã được ban hành, Hội đồng Thẩm phán TANDTC còn ban hành nhiều Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến với gần 100 vấn đề khó khăn, vướng mắc…[1]

Những văn bản do Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đề xuất Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành trong công tác phòng, chống tham nhũng đã để lại dấu ấn quan trọng, thể hiện thái độ quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao trong thời gian qua như sau:

Ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán

Căn cứ vào khoản 3 Điều 76 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định các Thẩm phán phải chấp hành quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp Thẩm phán, giữ gìn uy tín của Tòa án; khoản 3 Điều 71 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân,  Điều 19 và Điều 20 Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia[2] Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia ngày 04/7/2018 đã ban hành Quyết định số 87/QĐ-HĐTC kèm theo Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán gồm có 3 chương với 17 điều.

Bộ Quy tắc này quy định những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của Thẩm phán; áp dụng đối với Thẩm phán công tác tại Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp; là cơ sở để Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thực hiện việc giám sát, đánh giá về phẩm chất đạo đức của Thẩm phán, người được tái nhiệm, được tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán và là một trong những căn cứ để xem xét việc khen thưởng, kỷ luật đối với Thẩm phán.

Ban hành các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn xét xử về các tội phạm liên quan đến phòng, chống tham nhũng 

Trên cơ cở chức năng nhiệm vụ của mình, qua công tác tổng kết thực tiễn và kết quả giám đốc việc xét xử, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã tham mưu cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành các Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của BLHS, BLTTHS có liên quan đến loại hình tội phạm này. Cụ thể:

Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện: Bộ luật Hình sự năm 2015 với những quy định hết sức chặt chẽ nhằm tạo cơ hội cho phạm nhân tích cực cải tạo tốt trong quá trình chấp hành án ở các cơ sở giam giữ được sớm trở về với gia đình và tiếp tục sự cải tạo của mình trong môi trường xã hội bình thường có sự giám sát của chính quyền địa phương và xã hội. Để đưa quy định mới của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện nhanh chóng đi vào cuộc sống và có căn cứ áp dụng thống nhất đường lối về tha tù trước thời hạn có điều kiện, ngày 24/4/2018, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán  TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 66 của BLHS về án treo: BLHS 2015 được ban hành có nhiều quy định liên quan đến quyền con người, trong đó có chế định án treo. Để phù hợp với chính sách hình sự và thực tiễn thi hành pháp luật, bảo đảm việc áp dụng các quy định của BLHS về án treo được thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn, ngày 15/5/2018, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo.

Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thẩm phán  TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS về tội rửa tiền: Để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, minh bạch tài sản, thu nhập; Đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh cam kết của Việt Nam trong công tác chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, ngày 24/5/2019 Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS về tội rửa tiền.

Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán  TANDTC về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Toà án: Công khai, minh bạch hoạt động của Tòa án nói chung, bản án, quyết định của Tòa án nói riêng là một chủ trương lớn của Đảng được xác định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo đó Tòa án có trách nhiệm  “…thực hiện việc công khai các bản án…”. Việc công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án là phương thức để tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án; Nâng cao chất lượng bản án, quyết định; Tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác Tòa án; Tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất án lệ. Do đó, ngày 16/3/2017, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử.

Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ. Ngày 16/3/2017, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ đã phần nào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xét xử các loại tội phạm này (đã hướng dẫn cụ thể thế nào là lợi ích vật chất khác, lợi ích phi vật chất….); nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng; giải quyết các giao dịch dân sự có liên quan, bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình; việc kiến nghị và thực hiện kiến nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm khắc phục những lỗ hổng trong quản lý nhà nước chưa thực sự được chú trọng nên cũng chưa thực sự hiệu quả.

Phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn thi hành

Trong công tác phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn TANDTC đã chủ động, nỗ lực phối hợp với VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… ban hành nhiều Thông tư liên tịch có liên quan đến giải quyết các vụ việc về tham nhũng, tiêu cực[3]. Việc ban hành các Thông tư liên tịch góp phần giải quyết nhanh chóng, kịp thời và thống nhất các vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

II. Những đề xuất, kiến nghị

2.1. Kiến nghị với Quốc hội

Trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ cấu tổ chức TAND, kiến nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực như sau:

(1) Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nội hàm của “quyền tư pháp”, cơ quan tư pháp xác định như trong Hiến pháp năm 1946, cơ quan có hoạt động tư pháp để tránh đánh đồng thành các cơ quan tư pháp và xây dựng cơ chế để TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp nhằm đảm bảo cho Tòa án thực sự là chỗ dựa của người dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người; cần có định hướng để nâng cao vị trí, vai trò của TAND nói chung và của Thẩm phán nói riêng. Cần coi Thẩm phán là một ngạch công chức đặc biệt, quy định nhiệm kỳ dài hơn, ổn định hơn, tiến đến chế độ bổ nhiệm một lần cho đến khi về hưu; cần tiếp tục chủ trương nghiên cứu việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của các Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay.

 (2) Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ đặt ra đối với các TAND là hết sức nặng nề. Để đảm bảo nguồn nhân lực làm công tác xét xử tại các Tòa án, Ban Cán sự đảng TANDTC đề nghị Quốc hội bổ sung biên chế Thẩm phán, cán bộ, công chức khác cho các TAND, trong đó cần quan tâm đến biên chế cán bộ, công chức làm công tác phục vụ hoạt động xét xử của Tòa án như công chức làm công tác hành chính tư pháp, thi hành án hình sự, đặc biệt cần phân bổ biên chế Thẩm phán trên cơ sở yếu tố đặc thù của một số Tòa án có lượng án về tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp như TAND các Tp Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Tp Đà Nẵng v.v... để đáp ứng yêu cầu giải quyết các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Tòa án.

(3) Để tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, bảo đảm cho các TAND thực sự là chỗ dựa của người dân trong việc thực thi công lý, bảo vệ quyền con người, Ban Cán sự đảng TANDTC đề nghị Quốc hội tiếp tục thể chế hoá định hướng của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và các quan điểm về cải cách tư pháp trong các văn bản pháp luật nói chung và các luật tố tụng nói riêng trong thời gian tới đây, đặc biệt là các vấn đề về quyền tư pháp; về TAND thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; về nguyên tắc suy đoán vô tội; về Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử; về Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; về việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp....; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đảm bảo tính đồng bộ trong cả hệ thống pháp luật, trong đó các luật điều chỉnh các quan hệ dân sự cơ bản trong đời sống xã hội như pháp luật đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản, pháp luật nhà ở.... phải phù hợp và đồng bộ với luật gốc là BLDS; bảo đảm các quy định trong các luật phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ vận dụng xử lý các vướng mắc, tồn tại trong BLHS lâu nay chưa được giải thích, hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả trong thực tiễn áp dụng; tiếp tục nghiên cứu bổ sung các quy định mới để tạo hành lang pháp lý cho các Tòa án nhân dân hoạt động có hiệu quả, trong đó cần quan tâm đến việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để bảo vệ Thẩm phán, bảo vệ Tòa án.....

(4) Cần sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Báo chí cho phù hợp với các đạo luật tư pháp, phù hợp với xu hướng của các quốc gia trên thế giới về hoạt động đưa tin tại các phiên tòa, để bảo đảm Tòa án thực hiện quyền tư pháp một cách tối thượng không bị ảnh hưởng, tác động không tốt từ dư luận dẫn tới phán quyết không phù hợp với thực tiễn khách quan mà chạy theo dự luận xã hội, nhất là đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để tránh tình trạng Thẩm phán bị áp lực dư luận xã hội, ảnh hưởng đến phán quyết đúng đắn của bản án.

(5) Tiếp tục rà soát, tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự để sửa đổi, bổ sung một số nội dung còn khó khăn, vướng mắc cho phù hợp thực tiễn.

2.2. Kiến nghị với Chính phủ

Để bảo đảm hoạt động của các TAND đáp ứng đòi hỏi của xã hội và yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới đây, đề nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng và ban hành chính sách, bổ sung kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác xét xử của Tòa án, cụ thể như sau:

  - Tạo cơ chế để các Tòa án nhân dân chủ động hơn trong việc quản lý và sử dụng ngân sách;

 - Xây dựng chế độ chính sách phù hợp để bảo vệ Thẩm phán, bảo vệ Tòa án; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật ngoài TAND) tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật của Tòa án nhân dân; huy động được những người ngoài Tòa án nhân dân tham gia các hoạt động của Tòa án;

 - Sửa đổi chế độ tiền lương và ban hành các chính sách ưu đãi khác cho phù hợp với đặc thù về tính chất và trách nhiệm nghề nghiệp của Thẩm phán và cán bộ, công chức Tòa án nhằm thu hút, tuyển chọn những người có trình độ vào công tác tại các Tòa án nhân dân; đồng thời, động viên, khuyến khích Thẩm phán, cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, yên tâm công tác, giữ gìn đạo đức, lối sống và sự liêm chính của người cán bộ Tòa án.

 - Đưa nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở TAND các cấp thuộc diện nguồn vốn ưu tiên; có hướng dẫn để các cơ quan hữu quan, nhất là cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm xây dựng quy hoạch và cấp đất xây dựng, cải tạo, mở rộng trụ sở Tòa án theo kế hoạch và nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản của các TAND.

- Cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng về lĩnh vực kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Cần có cơ chế quản lý chặt chẽ, rõ ràng và có cơ chế giám sát đầy đủ đối với những cơ quan, những cấp và những người đang nắm giữ tài sản Nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước. Cần chấn chỉnh để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực thật sự của hệ thống kiểm tra, kiểm soát trong Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng có vốn Nhà nước./.

 

Phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán TANDTC - Ảnh: PV

 

 

 

[1] Đã ban hành 04 tập Giải đáp, gồm: số 01/GĐ-TANDTC ngày 25-7-2016; số 02/GĐ-TANDTC ngày 19-9-2016; số 01/GĐ-TANDTC ngày 07-4-2018; số 01/GĐ-TANDTC ngày 05-01-2018 để kịp thời hướng dẫn một số vấn đề nghiệp vụ trong xét xử.

            [2] Ban hành kèm theo Nghị quyết số 929/2015/UBTVQH13 ngày 14-5-2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

[3] 1. Thông tư liên tịch số 22/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 21-11-2014 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng. 2. Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BCT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 17-8-2015 của Bộ Công Thương, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện để truy cứu trách nhiệm hình sự. 3. Thông tư liên tịch 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15-9-2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước. 4. Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13-12-2017 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng kinh tế. 5. Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22-12-2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung. 6. Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BTP-BTC-BNN&PTNT ngày 05-4-2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. 7. Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23-01-2018 Quy định về mối quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và Viện kiểm sát có thẩm quyền quản lý thi hành tạm giữ, tạm giam. 8. Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-BCA- VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01-02-2018 Quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa. 9. Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01-02-2018 Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. 10. Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09-02-2018 Quy định phối hợp thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tha tù trước hạn có điều kiện. 11. Thông tư liên tịch số 05/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC quy định về việc phối hợp thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội.

 

ĐINH CÔNG HOÁN (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học)