Xây dựng quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức để phòng ngừa tham nhũng: Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới
Ngày 10/9/2018, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đây là phiên họp thứ ba liên tiếp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Một trong những nội dung sửa đổi lớn lần này là về các giải pháp để phòng ngừa tham nhũng. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng chủ yếu bao gồm: (i) công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; (ii) làm tốt công tác cán bộ; (iii) xây dựng quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; (iv) phòng ngừa sự xung đột giữa lợi ích chung và lợi ích riêng; và (v) kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.
Trong một nền công vụ, quy tắc ứng xử chỉ là một trong các nội dung, nhưng nó lại có vai trò giúp hình thành nên nền tảng đạo đức công vụ. Mục đích đầu tiên của một bộ quy tắc đạo đức là cung cấp cho tổ chức một cột mốc làm chuẩn để thiết lập nên những giá trị và hành vi đạo đức như mong đợi, từ đó hình thành một cơ chế theo dõi, báo cáo về những hành vi lệch chuẩn. Bên cạnh đó, việc xây dựng một bộ quy tắc như vậy sẽ góp phần thể hiện được quan điểm của tổ chức về những giá trị cốt lõi, thể hiện được cam kết đối với những người làm việc trong tổ chức, những tiêu chuẩn trong hoạt động của tổ chức và mối quan hệ của tổ chức đó với xã hội. Một bộ quy tắc ứng xử được coi như là một “bản hợp đồng” giữa những cá nhân trong một tổ chức, là tuyên bố của tổ chức với bên thứ ba về những tiêu chuẩn mà họ có thể mong đợi ở một tổ chức, ở những người làm việc bên trong tổ chức đó và những người có liên quan đến tổ chức.
Ở các quốc gia, các bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức được xây dựng dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật với những điều khoản chi tiết, cụ thể; hoặc dưới dạng các bản thỏa thuận, cam kết. Thông thường, mỗi lĩnh vực cụ thể sẽ có một bộ quy tắc ứng xử riêng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong khu vực đó.
Trung Quốc
Trung Quốc đã ban hành và thực hiện các bộ quy tắc ứng xử và quy tắc đạo đức dành cho cán bộ, công chức. “Hướng dẫn của Đảng cộng sản Trung Quốc dành cho những người lãnh đạo trong Đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ công một cách liêm khiết” cấm những người giữ chức vụ lãnh đạo trong Đảng lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để thu lợi không chính đáng. “Quy định về việc báo cáo những vấn đề cá nhân” cũng yêu cầu những người giữ chức vụ lãnh đạo trong Đảng báo cáo trung thực về những khoản thu nhập, tình trạng công việc của vợ/chồng và con cái, cũng như các vấn đề khác có liên quan. Việc thực hiện những bộ quy tắc ứng xử và đạo đức này đã thúc đẩy một cách hiệu quả tính liêm chính và chuẩn hóa việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
Hàn Quốc
Bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức được ban hành năm 2003 nhằm mục đích thiết lập những giá trị và tiêu chuẩn ứng xử phù hợp để giúp cho công chức không bị tha hóa, lôi kéo vào những hành vi tham nhũng khi bị đặt vào những tình huống có xung đột, bao gồm cả xung đột về lợi ích, trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình. Bộ quy tắc ứng xử này có thể được áp dụng cho công chức ở các cấp từ trung ương đến địa phương. Theo khuyến nghị của Ủy ban Chống tham nhũng và quyền công dân Hàn Quốc (ACRC), 404 tập đoàn và doanh nghiệp trên cả nước đã xây dựng và thực thi bộ quy tắc ứng xử riêng của mình kể từ tháng 9/2004. Tháng 7/2005, với việc sửa Điều 8 của Luật Chống tham nhũng, bộ quy tắc ứng xử được mở rộng phạm vi áp dụng sang công chức của các tổ chức có liên quan đến dịch vụ công.
Theo Điều 9 của Luật Chống tham nhũng, ACRC cũng là cơ quan có thẩm quyền điều tra và giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử của công chức. Hiện nay, ACRC đang xây dựng kế hoạch ban hành một luật mới, gọi là “Luật phòng ngừa vận động bất hợp pháp và xung đột lợi ích” để điều chỉnh riêng vấn đề xung đột lợi ích (mà hiện nay đang được quy định chung trong Bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức); đồng thời quy định rõ về hình thức xử phạt đối với vi phạm nhằm phòng ngừa và giải quyết một cách hiệu quả hơn những tình huống xung đột lợi ích mà công chức phải đối mặt. Để thực hiện kế hoạch này, ACRC đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, thu thập ý kiến chuyên gia, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi,… Bên cạnh đó, cơ quan này cũng xây dựng và phát hành “Hướng dẫn về vấn đề xung đột lợi ích” cho cán bộ, công chức, để giúp họ thực thi công vụ và giải quyết những tình huống xung đột lợi ích một cách hiệu quả hơn. “Hướng dẫn về vấn đề xung đột lợi ích” gợi ý biện pháp 4 bước (danh mục tự chuẩn đoán – tư vấn về tình huống xung đột lợi ích – quản lý xung đột lợi ích – giám sát xung đột lợi ích và thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm) để công chức có thể tự mình đánh giá về những khả năng có thể xảy ra tham nhũng và giải quyết xung đột lợi ích thông qua hệ thống tư vấn đạo đức.
Nhà nước Ix-ra-en
Ix-ra-en có bộ quy tắc ứng xử riêng đối với thẩm phán và đối với công chức.
Đối với thẩm phán, năm 2007, “Quy định về đạo đức dành cho các thẩm phán” được ban hành, trong đó đưa ra những quy tắc về đạo đức và liêm chính dành cho các cơ quan tư pháp. Quy định đưa ra một số điều khoản nhằm phòng ngừa tham nhũng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ tư pháp, cụ thể như sau:
– Chương 5 quy định rằng một thẩm phán không được phép kiếm lợi từ chức vụ của mình, kể cả lợi ích vật chất hoặc phi vật chất, trực tiếp hay gián tiếp. Điều 20 của Chương này cấm sử dụng chức vụ thẩm phán để thúc đẩy lợi ích cá nhân hoặc sử dụng chức danh thẩm phán để có được ưu thế cho mình.
– Điều 21 cấm các thẩm phán nhận các khoản chiết khấu khi mua hàng hóa hoặc dịch vụ, trừ khi khoản chiết khấu đó được áp dụng cho tất cả mọi người. Luật công vụ năm 1979 cũng cấm các thẩm phán nhận quà.
– Một thẩm phán cũng không được phép vào cửa miễn phí ở các sự kiện mà ở đó đòi hỏi phải có vé vào cửa trừ khi được người trong gia đình hoặc bạn thân mời hoặc thẩm phán đó đi theo ai đó với tư cách là người hộ tống mà không dùng đến chức vụ của mình.
– Điều 24 quy định một thẩm phán có thể tham gia vào bộ máy hành chính của một tổ chức giáo dục, chẳng hạn như với vai trò là người ủy thác của tổ chức giáo dục đó; hoặc tham gia vào một đơn vị có chức năng công theo quy định của Luật Tư pháp. Tuy nhiên, thẩm phán không được tham gia quản lý tài chính hoặc kinh doanh của bất kỳ tổ chức công nào và không được phép hưởng bất kỳ lợi nhuận nào từ đó.
– Một thẩm phán không được phép tham gia vào một tổ chức công khi tổ chức đó đang tiến hành các thủ tục tố tụng theo pháp luật và không được phép thay mặt tổ chức đó để tiếp xúc với các cơ quan công quyền hoặc tư nhân.
Đối với công chức, để phòng ngừa tham nhũng, Ix-ra-en có rất nhiều quy định điều chỉnh hành vi ứng xử của nhóm đối tượng này. Những quy định chính có thể kể đến là: “Những quy định về công vụ” (gọi chung là Takshir); “Luật công vụ (các quy định về kỷ luật đối với công chức)” năm 1963 với những quy định về biện pháp xử phạt khi công chức vi phạm những quy định trong Takshir; “Luật khuyến khích đạo đức công vụ” năm 1992 đưa ra khuôn khổ pháp lý cho việc khuyến khích công chức cung cấp thông tin cho cơ quan thẩm quyền về hành vi tham nhũng; “Luật công vụ (bổ sung các quy định về quà tặng đối với công chức)” năm 1979 về việc nhận quà tặng của công chức, yêu cầu báo cáo về quà tặng khi vượt quá giá trị quy định.
Trong Takshir, Điều 42.7 quy định rằng một công chức nhà nước chỉ được phép nhận lương và các khoản khác từ Kho bạc nhà nước mà không được phép nhận bất kỳ khoản nào từ người khác cho việc thực hiện công vụ của mình hoặc liên quan đến công việc của mình.
Luật công vụ (sau khi bổ sung các quy định về quà tặng) năm 1979 quy định rằng đối với quà tặng có giá trị vượt quá giá trị kinh tế tối thiểu được đưa cho công chức khi công chức đó thực hiện công vụ của mình thì được coi là tài sản nhà nước và vì thế, công chức đó phải nộp quà tặng đó về Kho bạc nhà nước. Một ngoại lệ là công chức có thể xin phép được giữ lại quà tặng mà người đó nhận được; tuy nhiên, đề nghị đó sẽ không được chấp nhận nếu quà tặng đó có giá trị đối với Nhà nước, ngoài giá trị kinh tế, hoặc nếu việc cho phép công chức giữ lại món quà đó có thể gây tổn hại đến đạo đức công vụ. Công chức bắt buộc phải báo cáo về quà tặng đã nhận được và phải xử lý nó theo đúng quy định của pháp luật. Bất kỳ vi phạm nào đối với những quy định của Luật này cũng được coi là tội phạm hình sự.
Cu Ba
Ban chấp hành của Hội đồng bộ trưởng Cu Ba đã thông qua Nghị quyết số 3050 ngày 17/7/1996 về Quy tắc đạo đức của công chức và quan chức nhà nước, trong đó đưa ra những nguyên tắc và yêu cầu mà công chức nhà nước phải tuân thủ. Từng người trong số hàng ngàn công chức của Cuba đã ký tên vào bản cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử này trong một buổi lễ được tổ chức long trọng. Bên cạnh đó, Nghị định số 141 ngày 8/9/1999 có quy định rất cụ thể về việc cấm công chức giữ một số chức vụ hoặc vị trí nhất định mà vị trí hoặc chức vụ đó không tương hợp với vị trí của công chức, quan chức nhà nước, công tố viên hoặc thẩm phán. Hơn nữa, các công tố viên và thẩm phán các cấp phải toàn tâm toàn ý với chức năng nhiệm vụ của mình, và chỉ được phép làm công việc khác khi đó là việc giảng dạy. Quy định tương tự cũng được áp dụng với những người phục vụ trong quân đội và những công chức làm việc cho Bộ Nội vụ. Những quy định này được đăng tải công khai ở mức rộng rãi nhất có thể để người dân đều được biết.
Cộng hòa Áo
“Quy tắc ứng xử nhằm phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công” được ban hành năm 2008 với những giải thích cụ thể về những khả năng có thể xảy ra xung đột lợi ích và những tình huống có thể dẫn đến tham nhũng. Tuy nhiên, bộ Quy tắc này không tạo ra thêm những quy định mới đối với công chức, mà thay vào đó, nó cung cấp cho công chức những hướng dẫn về việc làm thế nào để giải quyết xung đột lợi ích cũng như nâng cao nhận thức cho những nhà hoạch định chính sách, những cán bộ cấp cao về trách nhiệm đặc biệt của họ trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Mục tiêu chính của Cộng hòa Áo khi ban hành Bộ quy tắc ứng xử là để giúp cho công chức của mình nhận thức được các vấn đề liên quan đến tham nhũng; đồng thời cho người dân biết về những tiêu chuẩn ứng xử mà họ có thể trông đợi từ một công chức. Bên cạnh việc ban hành Quy tắc ứng xử, Cộng hòa Áo cũng tổ chức những khóa tập huấn đặc biệt về thực hiện Quy tắc ứng xử dành cho công chức làm việc trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Cộng hòa Bun-ga-ri
Điều 2 của “Bộ quy tắc ứng xử cho công chức trong hệ thống hành chính nhà nước” quy định rằng, hoạt động công vụ của công chức phải được thực hiện trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc: hợp pháp, trung thành, trung thực, không thiên vị, trung lập về chính trị, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình. Ngoài ra, quy tắc ứng xử còn yêu cầu công chức phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp, khách quan, tận tình và phù hợp với các quy định của pháp luật. Công chức phải luôn nỗ lực để cải thiện công việc của mình vì lợi ích của công dân.
Luật Công chức cũng quy định rất cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm của công chức trong quá trình thực thi công vụ như: Công chức có trách nhiệm phải thực hiện và đáp ứng không chậm trễ, đúng pháp luật những yêu cầu của công dân và giúp người dân hiểu rõ được về quyền và lợi ích hợp pháp của họ; đồng thời không được phép cư xử thô lỗ, thiếu tôn trọng hoặc không đúng mực với công dân (Điều 20); Mỗi công chức phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chính xác, tận tình và không thiên vị, trên cơ sở pháp luật quốc gia và quy định của tổ chức (Điều 21); Mỗi công chức phải đảm bảo số giờ làm việc theo quy định và sử dụng số giờ làm việc đó để thực hiện chức trách, nhiệm vụ mà mình được giao (Điều 23); Công chức phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên nếu mệnh lệnh đó là hợp pháp và có quyền yêu cầu cấp trên giao việc bằng văn bản nếu thấy việc giao việc trực tiếp bằng lời có thể chứa đựng yêu cầu vi phạm pháp luật (Điều 24);…
Ru-ma-ni
Khuôn khổ pháp lý liên quan đến quy tắc ứng xử dành cho công chức ở Ru-ma-ni hiện nay có 2 luật được thông qua vào năm 2004: Luật về quy tắc ứng xử dành cho công chức và Luật về quy tắc ứng xử dành cho cán bộ hợp đồng. Các Bộ quy tắc ứng xử riêng dành cho Cảnh sát, Hải quan và Cơ quan phòng chống rửa tiền quốc gia cũng đã được ban hành. Theo các luật nói trên, sự liêm chính, trung thực, trách hiệm và minh bạch là những nguyên tắc cơ bản và định hướng cho các bộ quy tắc ứng xử. Sự liêm khiết được xác định là một nguyên tắc mà theo đó, công chức không được phép gạ gẫm hoặc nhận, trực tiếp hoặc gián tiếp, cho bản thân mình hoặc cho người khác, bất kỳ lợi thế hoặc lợi nhuận nào trong khi giữ chức vụ, hoặc lạm dụng chức vụ đó dưới bất kỳ hình thức nào. Công chức không được phép đòi hỏi hoặc nhận quà tặng, các dịch vụ, ơn huệ, lời mời hoặc bất kỳ lợi thế nào khác cho mình, gia đình mình, bố mẹ, bạn bè hoặc những người mà mình có quan hệ kinh doanh hoặc quan hệ chính trị – những điều có khả năng ảnh hưởng đến sự công bằng của công chức trong qúa trình thực thi công vụ. Ngoài ra, công chức phải tuân thủ hàng loạt những điều cấm liên quan đến việc sử dụng nguồn lực công (chỉ được phép sử dụng khi thực hiện công vụ) và việc tham gia vào quá trình mua sắm, nhượng lại hoặc thuê tài sản công.
Bên cạnh các bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức và cán bộ hợp đồng, các nhóm công chức khác trong khu vực công cũng có những bộ quy tắc ứng xử riêng phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng loại nghề nghiệp. Một số ví dụ như: Quy tắc đạo đức dành cho cán bộ thanh tra tài chính; Quy tắc ứng xử đạo đức dành cho kiểm toán nội bộ; Quy tắc ứng xử của quân đội và cán bộ dân sự làm việc trong Bộ Quốc phòng;…
Vương quốc Anh
Nền công vụ là một bộ phận cấu thành quan trọng của Chính phủ Vương quốc Anh, có chức năng giúp chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách và cung cấp dịch vụ công đến cho người dân. Công chức phải chịu trách nhiệm trước các bộ trưởng và các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Một công chức được tuyển dụng trên cơ sở năng lực và sự cạnh tranh công bằng, công khai và phải cam kết phục vụ một cách tận tụy cho nền công vụ với những giá trị cốt lõi bao gồm: sự liêm chính, trung thực, khách quan và công bằng. Những giá trị cốt lõi này tạo nền tảng để xây dựng một chính phủ tốt và đảm bảo việc đạt được những tiêu chuẩn cao nhất mà một nền công vụ có thể làm được. Cụ thể như sau:
– Về tính liêm chính: Công chức được yêu cầu phải hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình một cách có trách nhiệm; luôn hành động một cách chuyên nghiệp, đúng đắn và giữ được lòng tin của những người mà mình phục vụ; thực hiện những nghĩa vụ được giao liên quan đến tài chính một cách có trách nhiệm (tức là đảm bảo rằng công quỹ và các nguồn lực công khác được sử dụng một cách đúng đắn và hiệu quả); giải quyết công việc một cách công bằng, hiệu quả, nhanh chóng và hợp tình hợp lý trong khả năng cao nhất có thể; lưu giữ hồ sơ công vụ một cách chính xác và xử lý thông tin một cách công khai nhất có thể trong khuôn khổ pháp luật; tuân thủ pháp luật và giữ gìn tính công bằng của nền hành chính. Công chức không được phép sử dụng chức vụ của mình vào những mục đích không chính đáng, ví dụ sử dụng thông tin có được trong quá trình thực thi công vụ để kiếm lợi cho cá nhân hoặc cho người khác; nhận quà hoặc lợi ích từ người khác mà có căn cứ cho thấy điều đó có thể ảnh hưởng đến phán xét hoặc sự liêm khiết của mình; tiết lộ thông tin công vụ khi không có thẩm quyền (quy định này được áp dụng kể cả khi công chức đã thôi giữ chức vụ).
– Về tính trung thực: Công chức phải trung thực khi trình bày về sự việc hoặc các vấn đề khác, và nếu phạm lỗi thì phải sửa sai càng sớm càng tốt; sử dụng các nguồn lực vào các mục đích công vụ trong phạm vi thẩm quyền của mình. Công chức không được lừa dối hoặc cố tình làm những người khác hiểu sai về một vấn đề nào đó; không được chịu tác động từ những áp lực không chính đáng từ phía người khác hoặc vì lợi nhuận cá nhân mình.
– Về tính khách quan: Công chức phải cung cấp thông tin và lời khuyên, kể cả ý kiến tham mưu của mình đối với cấp trên, trên cơ sở có bằng chứng rõ ràng, đồng thời phải trình bày sự việc và ý kiến của mình một cách chính xác; ra quyết định về vụ việc một cách đúng đắn; sử dụng hợp lý các ý kiến tư vấn về nghiệp vụ của chuyên gia. Công chức không được bỏ qua những vấn đề mà mình không thích hoặc những vấn đề cần xem xét khi tham mưu hoặc ra quyết định; một khi quyết định đã được đưa ra, không được làm hỏng việc thực thi các chính sách bằng cách từ chối hoặc tránh làm những việc theo yêu cầu của quyết định đó.
– Về tính công bằng: Công chức phải thực hiện trách nhiệm của mình một cách công bằng, không thiên vị. Công chức không được phép hành động một cách thiên vị hoặc phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc lợi ích cụ thể.
Cộng hòa liên bang Ni-giê-ri-a
“Bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức” được Hiến pháp bảo vệ và được thực hiện bởi một cơ quan chuyên trách – Cục Quy tắc ứng xử, cơ quan có quyền điều tra và truy tố những vụ việc liên quan đến xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức. Phần 5 của Bộ quy tắc ứng xử này quy định như sau: “Một công chức không được phép đặt mình vào tình thế mà ở đó lợi ích cá nhân của mình xung đột với trách nhiệm và nhiệm vụ công của mình”. Bộ quy tắc này cũng đề cập đến những vấn đề khác như cấm nhận quà cáp từ các cơ quan, tổ chức trong khu vực tư mà đang có quan hệ giao dịch với chính quyền; vấn đề duy trì các tài khoản tại nước ngoài; nhận các khoản lợi do đã làm hoặc bỏ không làm một việc nào đó; vấn đề gia nhập hoặc là thành viên của các tổ chức xã hội bí mật; đặt ra giới hạn đối với các khoản vay; vấn đề lạm quyền; vấn đề thành lập và điều hành các doanh nghiệp tư nhân trong khi đang giữ chức vụ.
Cộng hòa Nam Phi
Chính phủ Nam Phi ban hành “Bộ quy tắc ứng xử trong dịch vụ công” vào năm 1997. Mục đích của bộ quy tắc này là làm cho những điều khoản có liên quan trong Hiến pháp được đưa vào thực tiễn. Bộ quy tắc là một hướng dẫn dành cho công chức về những ứng xử đạo đức mà họ được trông đợi sẽ thể hiện trong đời sống cá nhân cũng như trong công việc của mình. Đó là bộ quy tắc được xây dựng dựa trên cơ sở các quy tắc và do đó, nó bắt buộc công chức phải thực hiện, nếu không tuân thủ và hành vi đó là nghiêm trọng, thì có thể sẽ bị buộc thôi việc.
Bộ quy tắc ứng xử không liệt kê tất cả các giá trị cốt lõi theo từng phần cụ thể, thay vào đó, các giá trị được đề cập đến xuyên suốt bộ quy tắc ở những quy định và tiêu chuẩn khác nhau, thí dụ như: công chức phải trung thành với đất nước và tôn trọng Hiến pháp; phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết và thực hiện các chính sách, pháp luật của nhà nước một cách trung thành. Bộ quy tắc cũng quy định về cách thức đối xử mà công chức được mong đợi sẽ thể hiện trong quá trình tiếp xúc với người dân và đồng nghiệp của mình, cũng như trong quá trình thực thi công vụ. Công chức phải luôn hành động vì lợi ích cao nhất của người dân và phải khách quan, công bằng, lịch sự và ân cần. Công chức phải tránh mọi biểu hiện của sự phân biệt đối xử đối với bất kỳ đảng chính trị hay nhóm lợi ích nào. Công chức phải tôn trọng nhân phẩm con người, các quyền công dân do Hiến pháp quy định và quyền tiếp cận thông tin[2]. Quy tắc cũng chỉ ra cách thức mà công chức phải ứng xử trong quá trình thực thi công vụ, cách để tránh xung đột lợi ích và cách ứng xử trong cả môi trường công và tư. Tuy nhiên, bộ quy tắc này cũng nêu rõ rằng mặc dù mục đích là xây dựng một bộ quy tắc toàn diện, nhưng sẽ vẫn có những quy tắc còn chưa được đề cập đến. Trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức là phải đảm bảo sao cho những nguyên tắc, quy tắc và giá trị căn bản đối với dịch vụ công phải được các công chức tuân thủ nghiêm túc. Do đó, cần phải đảm bảo rằng mọi công chức đều hiểu và thuộc lòng những tiêu chuẩn đưa ra trong bộ quy tắc, tự nguyện chấp nhận và chịu sự ràng buộc của chúng.
Có thể nói, đây là những kinh nghiệm quý báu để Việt Nam nghiên cứu trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)./.
[1] Bài viết được tổng hợp từ Tài liệu “Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số nước trên thế giới” của Thanh tra Chính phủ (2017) và một số tài liệu tham khảo khác.
[2] Cộng hòa Nam Phi, Luật Công vụ, 2001: 47 – 48
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí gặp mặt các đồng chí lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận