Xem thường pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước

Quốc hội dành hai ngày thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề chấp hành và thực thi pháp luật.

Tạo được niềm tin, dấu ấn trong lòng nhân dân

Hầu hết các đại biểu mở đầu bài phát biểu đều bày tỏ đồng ý cao với Báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng năm 2019, Chính phủ xác định là năm bứt phá, phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, thu ngân sách đạt mức dự toán, chỉ số giá tiêu dùng giảm đáng kể.

Đặc biệt một số lĩnh vực đã tạo được niềm tin dấu ấn trong lòng nhân dân, đó là việc phòng, chống tham nhũng, phòng, chống ma túy, xử lý băng nhóm xã hội đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, vấn đề tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước. Hệ thống ngân hàng điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, kiểm soát lạm phát, đã tập trung ổn định dự trữ ngoại hối, điều hành tín dụng tăng trưởng, lãi xuất giảm, chất lượng chính sách hiệu quả, chương trình tín dụng được nâng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo. Lĩnh vực tài chính đã ban hành nhiều văn bản làm việc tích cực, nhằm thắt chặt chi tiêu, giảm thiểu nợ công, tăng cường giải pháp phòng, chống trốn thuế, gian lận thương mại, tăng thu ngân sách nhà nước. Kiểm toán nhà nước đã phát hiện và yêu cầu xử lý 92.000 tỷ, thu hồi 40.000 tỷ, truy tố 2 đối tượng.

Tuy vậy, năm 2018 là một năm rất quan trọng, năm bản lề cho vấn đề thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội 2016 – 2020 và năm tiền đề cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030, nên các đại biểu đều nêu lên những vấn đề cử tri cả nước quan tâm, cần được quan tâm hơn nữa để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề chấp hành và thực thi pháp luật.

Nhức nhối thất thu ngân sách

Quan tâm đến công tác quản lý các nguồn thu, chống thất thu, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nhận định: Tình trạng trốn thuế, nợ thuế, quyết toán sai vẫn chưa được khắc phục, đây là vấn đề không hề mới nhưng vẫn đang trở lên nhức nhối làm thất thu ngân sách nhà nước và tồn tại qua nhiều năm, năm sau cao hơn năm trước và qua kiểm toán kiến nghị nộp ngân sách nhà nước năm 2015 là 8.200 tỷ đồng, năm 2016 là 11.200 tỷ đồng và năm 2017 là 19.109 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo Báo cáo kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2017, còn có nhiều dự án đầu tư chưa làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư nên dự án phải điều chỉnh nhiều lần. Cá biệt có những dự án điều chỉnh gấp 39 lần, công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án chậm chiếm 23,4%.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên và những vi phạm về quản lý tài chính ngân sách đã được Quốc hội chỉ ra trong nhiều năm và đã có Nghị quyết số 58 ngày 12/6/2018 giao Chính phủ kiểm điểm kịp thời xử lý những tổ chức, cá nhân sai phạm trong quản lý ngân sách nhà nước. Nhưng tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2017 thấp hơn năm 2015, 2016. Năm 2017 đạt 73,2%, năm 2015 đạt 75,6% và 2016 đạt 78,2%. “Tôi đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ nguyên nhân, giải pháp chống thất thu trong thời gian tới và bổ sung báo cáo trước Quốc hội về xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm quản lý, sử dụng ngân sách theo đúng Nghị quyết số 58 của Quốc hội” đại biểu Phùng Văn Hùng nói.

Về hoạt động của các doanh nghiệp, năm 2018 có khoảng 715 nghìn doanh nghiệp hoạt động, năm 2019 có 131.275 doanh nghiệp thành lập mới. Tuy nhiên, trong năm 2018 có tới 90.651 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 49,7% so với năm trước, trong đó có tới 63.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động, không đăng ký chờ giải thể. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nghị quyết tiếp tục thực hiện giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy nhanh số lượng doanh nghiệp mới và giảm tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động giải thể. Qua báo cáo có thể thấy, sản xuất, kinh doanh có nhiều khó khăn, thách thức và nếu không có giải pháp sẽ khó có thể đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020- ông Hùng nhấn mạnh.

Trách nhiệm người đứng đầu

Liên quan đến việc thực thi chính sách pháp luật gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng: Thời gian qua nhiều vụ việc vi phạm pháp luật đã diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đã trở thành mối quan tâm nhức nhối, bức xúc của dư luận xã hội và cả nước. Có thể nói, việc triển khai thực thi chính sách pháp luật có lúc, có nơi chưa được chấp hành một cách nghiêm chỉnh. Sự buông lỏng trong quản lý điều hành ở từng ngành, từng cấp, đây đó vẫn còn diễn ra.

Ông Tạo quan tâm đến trách nhiệm của người đứng đầu đối với các sai phạm ở ngành mình, cấp mình quản lý. “Có những vụ việc người đứng đầu của Chính phủ phải lên tiếng chỉ đạo nhưng cử tri không thấy tiếng nói của người đứng đầu ở đâu. Như vậy, tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả của chính sách pháp luật của Nhà nước sẽ đi về đâu? “Tôi e rằng sự nhờn luật, xem thường pháp luật đã và đang đánh cắp niềm tin của cử tri và nhân dân, làm lung lay kỷ cương, phép nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước”- đại biểu Nguyễn Tạo chốt lại.

Chống tư tưởng hy sinh đời bố…

Quan tâm đến vấn đề thu hồi triệt để tài sản liên quan vụ án kinh tế tham nhũng đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nhận định đây là giải pháp hiệu quả, cần thiết ở các khía cạnh sau: trong điều kiện kinh tế – xã hội nước ta còn khó khăn, nhiều công trình, hạng mục cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng của nhân dân không đủ vốn để đầu tư thì các vụ án kinh tế tham nhũng được phanh phui làm thất thoát của nhà nước hàng ngàn, thậm chí chục ngàn tỷ đồng. Các cá nhân gây ra vấn đề này là tội đồ đáng lên án và bị pháp luật xử lý nghiêm minh.

Đại biểu cho rằng, với hành vi cố ý gây thoát thoát và tham nhũng hàng chục tỷ đồng cho dù bản án cao nhất là tử hình vẫn chưa đảm bảo tính răn đe, chưa bảo đảm công bằng xã hội, bởi với số tiền ấy nếu không bị thất thoát, tham nhũng thì chúng ta có thêm vốn đầu tư cho các kè sạt lở bờ sông suối, xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở, lũ quét, lũ ống, góp phần làm giảm đáng kể số người thiệt mạng do các hiện tượng thiên tai gây ra trong thời gian qua. Vì vậy, ngoài chế tài nặng vấn đề thu hồi tài sản bị thất thoát là một nội dung hết sức cần thiết và có tính răn đe cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, chống được tư tưởng hy sinh đời bố ở tù chỉ vài chục năm nhưng gia đình, vợ con được sống an nhàn, sung túc cả đời. Đại biểu tha thiết nói: “Nếu chúng ta thu hồi đầy đủ tài sản do tham nhũng gây ra, cùng với sự tù tội của bản thân, sự ô nhục của dòng họ, cộng thêm gia đình phải gánh chịu, khắc phục hậu quả kinh tế do mình gây ra thì tôi tin chắc nhiều người sẽ cân nhắc, không dám phạm tội”.

Nhân dân cảm thấy lo lắng, bất an

“Cử tri và nhân dân cảm thấy lo lắng, bất an khi ít tháng đầu năm 2019 đã xảy ra hàng loạt vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm liên quan đến ma túy, ngáo đá mà khi nhắc lại ai cũng lạnh người. Ví dụ như vụ cô gái giao gà chiều 30 Tết ở Điện Biên, vụ Phó phòng ngân hàng truy sát cả nhà ở Nghệ An, vụ sát hại bà ngoại bạn gái, bà nội, bố đẻ ở Long An và gần đây là vụ cãi nhau với mẹ, con trai ra tay sát hại mẹ đẻ và bà ngoại tại Hồ Chí Minh” là ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu).
Đại biểu cũng bày tỏ lao ngại về tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp. nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ chất ma túy với số lượng lớn, quy mô xuyên quốc gia, thủ đoạn và hoạt động hết sức tinh vi. Trong quý I/2019, số vụ ma túy phá được lên tới hơn 6.500 vụ, lớn hơn cả năm 2018. Có những vụ án lớn như triệt phá tập đoàn ma túy, bắt giữ hơn 1,1 tấn ma túy đá tại Hồ Chí Minh; vụ hàng tấn ma túy đá bị vứt bên lề đường nhằm phi tang; riêng tháng 4/2019 chúng ta đã phát hiện hơn 6 tấn ma túy.
Mới đây, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã công bố phát hiện nhiều chất ma túy cực mạnh mới có ở Việt Nam. Theo đó, nhiều chất ma túy chưa có trong danh mục các chất ma túy theo Nghị định 73 của Chính phủ. Có những chất như metinphenildat, FUV144 có tác dụng gây ảo giác cực mạnh lần đầu tiên phát hiện ở nước ta. Đáng sợ hơn nữa, bằng thủ đoạn tinh vi, thủ phạm còn sử dụng dẫn xuất của một chất ma túy phối trộn tạo ra viên nén để sau khi uống vào cơ thể viên nén giải phóng ra chất ma túy.

THÁI VŨ