Xét xử 3 cựu Ủy viên Trung ương cùng 35 bị cáo trong đại án Việt Á
Sáng ngày 3/1/2024, TAND Tp Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị, tổ chức có liên quan. Trong đó có ba bị cáo, cựu Ủy viên Trung ương là Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và Phạm Xuân Thăng.
38 bị cáo bị truy tố về các tội: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Danh sách 38 bị cáo bị đưa ra xét xử
Tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ
Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á
Vũ Đình Hiệp - Phó tổng giám đốc Việt Á
Tội Nhận hối lộ
Nguyễn Thanh Long- Cựu Bộ trưởng Y tế
Phạm Duy Tuyến - Cựu giám đốc CDC Hải Dương
Trịnh Thanh Hùng - Cựu vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ
Nguyễn Minh Tuấn - Cựu vụ trưởng thuộc Bộ Y tế
Nguyễn Huỳnh - Cựu phó phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế
Nguyễn Nam Liên - Cựu vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế
Tội Đưa hối lộ
Phan Tôn Noel Thảo - Trợ lý Tài chính của Việt Á
Hồ Thị Thanh Thảo - Thủ quỹ của Việt Á
Tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
Ngụy Thị Hậu - Phó phòng Tài chính kế toán, CDC tỉnh Bắc Giang
Nguyễn Văn Định - Cựu giám đốc CDC tỉnh Nghệ An
Nguyễn Thị Hồng Thắm - Cựu kế toán trưởng, CDC tỉnh Nghệ An
Lâm Văn Tuấn - Cựu giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang
Nguyễn Mạnh Cường - Cựu kế toán trưởng CDC tỉnh Hải Dương
Nguyễn Thị Trang - Cựu giám đốc Trung tâm tư vấn và dịch vụ tài chính, Sở Tài chính tỉnh Hải Dương
Tiêu Quốc Cường - Cựu kế toán trưởng, cựu Phó phòng Kế hoạch Tài chính, CDC tỉnh Bình Dương
Nguyễn Thành Danh - Cựu giám đốc CDC tỉnh Bình Dương
Trần Thanh Phong - Cựu phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương
Lê Thị Hồng Xuyên - Cựu nhân viên CDC tỉnh Bình Dương
Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Công ty VNDAT
Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc dự án, Công ty VNDAT
Hồ Công Hiếu - Nhân viên Công ty Thẩm định giá miền nam, chi nhánh Nghệ An
Vũ Văn Doanh - Giám đốc Công ty Thẩm định giá Thăng Long
Tạ Ngọc Chức - Tổng giám đốc Công ty Thẩm định và Đầu tư Toàn Cầu
Ninh Văn Sinh - Cựu phó giám đốc Công ty Thẩm định giá Trung Tín
Trần Thị Hồng - Nhân viên Công ty Việt Á
Trần Tiến Lự - Nhân viên Công ty Việt Á
Lê Trung Nguyên - Nhân viên Công ty Việt Á
Phan Huy Văn - Giám đốc Công ty Dược Phan Anh
Phan Thị Khánh Vân - Kinh doanh tự do
Tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
Phạm Xuân Thăng - Cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương
Phạm Mạnh Cường - Cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương
Nguyễn Văn Trịnh - Cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ
Tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi
Nguyễn Bạch Thùy Linh - Giám đốc Công ty SNB Holdings
Nguyễn Thị Thanh Thủy - Cựu chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục
Tội Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí
Chu Ngọc Anh - Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ
Phạm Công Tạc - Cựu thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Trong số 38 bị cáo, có 30 bị cáo bị tạm giam, 8 bị cáo tại ngoại.
Ba bị cáo trong vụ án này đã được đưa ra xét xử sơ thẩm trong Vụ án Công ty Việt Á và Học viện Quân y do Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội từ ngày 27 - 29/12/2023 gồm: Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) bị phạt 25 năm tù, Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) 6 năm tù và Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) 15 năm tù về các tội: "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Tại phiên tòa, có 72 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho 38 bị cáo. Trong đó, Phan Quốc Việt có 4 luật sư bào chữa, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có 3 luật sư, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh có 1 luật sư…
24 nguyên đơn dân sự, 139 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… được triệu tập tới Tòa. Trong số 24 nguyên đơn dân sự, có 17 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của 17 tỉnh, thành phố và đại diện 2 Sở Y tế tỉnh, 5 Bệnh viện đa khoa.
Đại diện Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ được triệu tập tới phiên tòa với tư cách tham gia tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Hội đồng xét xử có 5 người, gồm 2 Thẩm phán, 3 Hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Trần Nam Hà làm Chủ tọa. Ba Kiểm sát viên của VKSNDTC (biệt phái về Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) và hai Kiểm sát viên VKSND Tp Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.
Trong vụ án này, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Phan Quốc Việt bị truy tố về 2 tội: “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc bị truy tố cùng tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Theo cáo trạng của VKSNDTC, khi COVID-19 bùng phát, lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc giao các đơn vị chủ động nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch, Phan Quốc Việt đã thông đồng, cấu kết với với các bị cáo là những người có chức vụ, quyền hạn tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ để Công ty Việt Á được phối hợp tham gia thực hiện Đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia về test xét nghiệm do Bộ Khoa học và Công nghệ đại diện chủ sở hữu. Bằng nhiều thủ đoạn, các bị cáo đã thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu của Đề tài thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, sản xuất, bán thương mại trên cả nước với giá đã được nâng khống, thu lời bất chính đặc biệt lớn.
Phan Quốc Việt đã thông đồng, cấu kết với Trịnh Thanh Hùng để Hùng tác động tới Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc quyết định cho Công ty Việt Á được phối hợp thực hiện Đề tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm trái pháp luật. Với mục đích được sản xuất, bán test xét nghiệm thu lời bất chính, Việt đã tiếp tục cấu kết với Trịnh Thanh Hùng, Nguyễn Thanh Long và nhiều bị cáo khác thực hiện nhiều hành vi sai phạm giúp Công ty Việt Á được kiểm định test xét nghiệm; được nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài để lập hồ sơ gửi Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức, biến test xét nghiệm từ sản phẩm thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á.
Để thuận lợi cho việc bán sản phẩm test xét nghiệm trên cả nước, Việt cấu kết với các bị cáo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để được đề nghị tặng Bằng khen đánh bóng hình ảnh, thương hiệu cho test xét nghiệm; cấu kết với các bị cáo thuộc Bộ Y tế để được hiệp thương theo giá đã được nâng khống, chậm kiểm tra giá hiệp thương để tạo mặt bằng giá test xét nghiệm; giới thiệu với các lãnh đạo tỉnh, thành phố để bán thương mại test xét nghiệm thu lời bất chính.
Để được các đồng phạm can thiệp, giúp đỡ như nêu trên, Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, tiền cảm ơn nhiều lần, với tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng. Trong đó, Phan Quốc Việt đã 2 lần đưa hối lộ Trịnh Thanh Hùng với tổng số tiền 350.000 USD (tương đương 8 tỷ đồng); trực tiếp và chỉ đạo Vũ Đình Hiệp đưa hối lộ cho các bị cáo tại Bộ Y tế tổng cộng 2,65 triệu USD (tương đương 60 tỷ đồng) và 4 tỷ đồng.
Để tiêu thụ test xét nghiệm tại các địa phương với số lượng lớn và được thanh toán theo giá đã nâng khống, Phan Quốc Việt, Vũ Đình Hiệp và các nhân viên Công ty Việt Á đã thông đồng, cấu kết với lãnh đạo, nhân viên các cơ sở y tế công lập thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật về đấu thầu, ứng hàng sử dụng trước, hợp thức thủ tục, hồ sơ thanh toán sau theo đơn giá do Công ty Việt Á đưa ra. Quá trình tiêu thụ test xét nghiệm, Phan Quốc Việt chỉ đạo các nhân viên tính toán và chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng; trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên đưa hối lộ tổng cộng 34 tỷ đồng cho các lãnh đạo, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập trên phạm vi cả nước.
Bị cáo Phan Quốc Việt bị dẫn giải đến tòa sáng 3/1
Cáo trạng kết luận, tổng số tiền Việt đưa hối lộ là hơn 106 tỷ đồng. Hành vi của Việt đã gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng; trong đó, thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước 402 tỷ đồng.
Kết quả thực nghiệm điều tra cho thấy Việt Á "đủ khả năng sản xuất kit xét nghiệm", chỉ trong hai tiếng 5 phút đã cho ra được 2.432 sản phẩm. Nhà chức trách đánh giá kit xét nghiệm Việt Á đảm bảo đủ 4 tiêu chí là "giới hạn phát hiện, độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác", phù hợp với hồ sơ cấp số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế.
Trong năm 2020 và 2021, Việt Á sản xuất 8,7 triệu kit test và tiêu thụ được 8,3 triệu kit. Lợi nhuận định mức Việt Á được hưởng khi kinh doanh kit test là 5%, theo quy định. Giá thành một sản phẩm 143.400 đồng nhưng Việt Á bán gấp 3 lần, mức 470.000 đồng.
Tính đến trước khi vụ án bị phát giác, Việt Á được nhà nước thanh toán gần 6 triệu kit test, tổng hơn 2.250 tỷ đồng. Bởi thế hơn 1.235 tỷ đồng chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất bị cơ quan điều tra xác định là "hưởng lợi bất chính".
Tại vụ án xét xử hôm nay, cả 38 người đều bị cáo buộc về sai phạm trong quy trình nghiên cứu đề tài, cấp phép đăng ký, bán kit test hoặc đưa, nhận hối lộ; không ai bị xử lý liên quan chất lượng kit test của Việt Á.
Trong số này, ngoài ba cựu Ủy viên trung ương Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng còn có 19 cựu cán bộ của Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học Công nghệ, Sở Y tế và CDC các tỉnh Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương.... bị xét xử về một trong các cáo buộc: Nhận hối lộ, Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Tại phiên tòa này, Phan Quốc Việt hầu tòa về hai tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ. Còn 5 ngày trước, Việt bị Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội tuyên 25 năm tù trong vụ án phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, cũng liên quan đề tài nghiên cứu kit test Covid-19.
Phiên tòa mở hôm nay dự kiến diễn ra trong 20 ngày, kể cả ngày nghỉ.
Bị cáo Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội được dẫn giải đến tòa
Bài liên quan
-
Giao Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng đề án sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá để sớm báo cáo Quốc hội
-
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh đã nộp đủ tiền thi hành án
-
Tiêm chủng vắc-xin không bảo đảm: Bộ Y tế cần chỉ đạo kiểm tra toàn diện
-
Mức án cụ thể của 86 bị cáo trong vụ đại án Vạn Thịnh Phát
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận