Xét xử kín “Vũ nhôm” và hai đồng phạm

Sáng 30/7, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo: Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, SN 1975, trú quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng), Phan Hữu Tuấn (SN 1955, trú quận Tây Hồ, TP.Hà Nội, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an, đã nghỉ hưu) và Nguyễn Hữu Bách (SN 1963, trú quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội, nguyên cán bộ Bộ Công an) bị truy tố về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” theo quy định tại Điều 337 BLHS năm 2015.

Sai phạm liên quan đến nhiều quan chức

Tháng 12/2017, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can đối với  Phan Văn Anh Vũ,  Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79, về tội Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước theo Điều 263 BLHS. Tối 21/12/2017, khi Cơ quan điều tra khám nhà riêng của bị can  ở Đà Nẵng thì  Vũ đã bỏ trốn. Ngày 4/1/2018, Bộ Công an đã tiếp nhận, bắt bị can Vũ để điều tra, khi đối tượng này trốn sang Singapore 14 ngày và bị phía Singapore trục xuất về nước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng khởi tố đối với Vũ “nhôm” về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để làm rõ vi phạm pháp luật của đối tượng này và các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn TP Đà Nẵng và một số tỉnh, TP khác.

Ngoài ra, ngày 18/4, Vũ “nhôm” tiếp tục bị khởi tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản để điều tra về khoản tiền 200 tỉ đồng Ngân hàng Đông Á bị thất thoát.

Phan Văn Anh Vũ

 

Cùng bị truy tố với Phan Văn Anh Vũ là bị cáo Phan Hữu Tuấn (cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo – Bộ Công an) về tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.  Trong giai đoạn điều tra, cùng bị bắt tạm giam với ông Tuấn còn có một cán bộ  ngành công an là Nguyễn Hữu Bách (55 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). Trước khi cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp tố tụng, Chủ tịch nước đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ông Phan Hữu Tuấn. Còn ông Nguyễn Hữu Bách cũng bị Bộ trưởng Bộ Công an tước danh hiệu Công an nhân dân.

Công an khám xét nhà ông Phan Hữu Tuấn (áo hồng) tối 17/4/2018. Ảnh: Quang Anh

 

Báo Thanh Niên dẫn nguồn tin cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra  xác định Phan Hữu Tuấn, Nguyễn Hữu Bách đã vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng và bảo vệ bí mật Nhà nước, qua đó giúp sức cho Vũ “nhôm” thâu tóm nhiều dự án đất đai tại Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Thời điểm sai phạm của Vũ “nhôm” gây xôn xao dư luận, trên mạng xã hội xuất hiện một số văn bản có đóng dấu mật do ông Tuấn ký với nội dung gửi cơ quan ban ngành các địa phương tạo điều kiện giúp cho Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 – là doanh nghiệp bình phong của Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) được mua các tài sản do nhà nước quản lý với giá ưu đãi.

Liên quan đến vụ án này, theo kết luận của Bộ Chính trị, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an khi đó, đã tự ý ký quyết định cho Phan Văn Anh Vũ tham gia đoàn đi nước ngoài và đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao cho Phan Văn Anh Vũ không đúng đối tượng, không đúng tiêu chuẩn (ngoài việc  ký văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật; ký một số văn bản không thuộc trách nhiệm được phân công).

Cũng liên quan đến những sai phạm của Phan Văn Anh Vũ,  ngày 17/4, Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng là ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại và Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.

Rút ra bài học

Mới đây, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhận định: “Ảnh hưởng của Vũ “nhôm” đối với Đà Nẵng trong thời gian qua là rất lớn và mong rằng qua đây chúng ta rút ra những bài học. Vụ án Vũ “nhôm” không chỉ với Đà Nẵng, rất nhiều cơ quan Trung ương, rất nhiều địa phương khác bị thiệt hại”.

Trong phiên tiếp xúc cử tri của HĐND TP, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng đã trả lời với cử tri về vụ án này. Ông Thơ cho hay, tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ của Vũ “nhôm” tức là liên quan đến hàm thượng tá, nghề công an. “Vũ “nhôm” đã lợi dụng những cái đó để đi mua bán đất đai và trục lợi cho bản thân mình”.

Chủ tịch Thơ cũng cho biết do liên quan đến bí mật của Nhà nước nên phiên xử Vũ “nhôm” về tội này sẽ được xử kín và công khai kết quả xét xử. Đối với hai tội danh còn lại, liên quan đến nhiều cán bộ, công chức, lãnh đạo… của TP Đà Nẵng trong đó có một số lãnh đạo đã bị bắt để điều tra thêm.

“Vụ việc của Vũ “nhôm” không chỉ ở Đà Nẵng mà còn lan ra cả nước trong đó có TP HCM … Qua điều tra và xét xử sẽ rõ, làm cách nào có hàm thượng tá, có bằng đại học không, ai giao Vũ “nhôm” chức vụ thì sẽ được công khai” – Chủ tịch Thơ khẳng định.

**

Đây là phiên tòa xét xử kín nên công tác an ninh được tăng cường xung quanh khu vực trụ sở TAND TP.Hà Nội. Theo quy định của pháp luật, vụ án xét xử kín nhưng công khai phần tuyên án. Đại diện TAND TP Hà Nội cho biết các phóng viên và những người quan tâm sẽ được thông báo để vào theo dõi sau khi tòa nghị án.

Điều 25 BLTTHS năm 2015 quy định:

Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai

Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng.

Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Minh Khôi ( tổng hợp)