Xét xử sơ thẩm vụ án đánh bạc thu lời bất chính hơn 9.853 tỷ đồng

Hôm nay, đúng 8 giờ ngày 12/11/2018, TAND tỉnh Phú Thọ bắt đầu xét xử vụ đánh bạc “nghìn tỷ” với số bị cáo bị đưa ra xét xử là 92 người, trẻ nhất sinh năm 1997, lớn tuổi nhất sinh năm 1955, trong đó có các bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam. Ngoài ra, còn hơn 100 người khác phải có mặt tại phiên tòa này.

Chánh tòa kinh tế làm chủ tọa phiên tòa

TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên toà  với HĐXX gồm chủ toạ phiên toà là Thẩm phán Nguyễn Thị Thuỳ Hương, Chánh tòa Kinh tế, Thẩm phán Đỗ Ngọc Tuấn và Thẩm phán dự khuyết Tạ Văn Thành.

Các Hội thẩm nhân dân là bà Nguyễn Thị Phẩm, bà Bùi Thị Hảo, ông Nguyễn Bá Điền. Có hai Hội thẩm nhân dân dự khuyết là ông Nguyễn Bá Thắng và bà Nguyễn Thị Tần. Thư ký phiên tòa là bà Phan Thị Huyền, ông Nguyễn Thành Long. Hai thư ký dự khuyết là bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga và bà Đào Thị Hằng.

Kiểm sát viên gồm các ông: Lê Xuân Lộc, Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Quang Hồng và bà Phạm Thị Bích Liên.

Để tiến hành xét xử vụ này rất đông bị cáo này, TAND tỉnh Phú Thọ đã xây dựng hội trường xét xử trên sân của cơ quan, với diện tích 1200 m2, có sức chứa khoảng 2.000 người, với đầy đủ khu vực dành cho hội đồng xét xử, bục khai báo, khu dành riêng cho các bị can, người tham gia tố tụng. Có khoảng 120 băng ghế dài. Giữa khu vực dành cho bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được ngăn cách bằng hàng rào gỗ cao chừng 50cm.

TAND tỉnh Phú Thọ đã lắp đặt hai màn hình LED rộng khoảng 15m2 hai bên phòng xử án để phục vụ cho Hội đồng xét xử trình chiếu các tài liệu, chứng cứ liên quan. Hệ thống loa phóng thanh và đèn cao áp cũng đã được lắp đặt để đảm bảo âm thanh và ánh sáng đầy đủ cho phiên tòa diễn ra.

Hiện có hơn 30 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hoá, mỗi người có 3 luật sư đăng ký tham gia bào chữa. Bị cáo Phan Sào Nam có 3 luật sư bào chữa. Người có nhiều luật sư đăng ký tham gia bào chữa nhất (5 người) là bị cáo Nguyễn Văn Dương. 

Các bị cáo tại phiên tòa – Ảnh VN Ex

 

Các bị cáo bị truy tố về các tội danh như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền, mua bán trái phép hóa đơn, sử dụng mạng Internet để chiếm đoạt tài sản. Trong vụ này, hai bị cáo Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) và Nguyễn Thanh Hóa ( nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – C50) đều bị truy tố về tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 2, Điều 356 BLHS 2015. Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch Cty đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao – CNC) và Phan Sào Nam (cựu Giám đốc Công ty VTC Online) bị truy tố về tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền. 

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoá – Ảnh VN Ex

 

Các bị cáo  còn lại bị truy tố về các tội: Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Mua bán trái phép hoá đơn, Rửa tiền, Đưa hối lộ.

Phiên tòa còn có mặt của 73 người là cá nhân và đại diện cho các có liên quan đến vụ án. Trong đó, có đại diện các công ty viễn thông, các công ty thanh toán trực tuyến vì cung cấp dịch vụ thẻ cào, dịch vụ công thanh toán trực tuyến để các đối tượng đánh bạc sử dụng để thanh toán.

Hai bị cáo chủ mưu Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam –  Ảnh VN Ex

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải phảp công nghệ có tích hợp game bài, bị can Nguyễn Văn Dương và bị can Phan Sào Nam cùng đồng phạm đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ, xây dựng một hệ thống gồm 25 đại lý cấp 1, 5,877 đại lý cấp 2 để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại.

Hệ thống này đã lôi kéo gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc trực tuyến, thu lời bất chính hơn 9.853 tỷ đồng. Số tiền này, Nguyễn Văn Dương hưởng lợi bất chính 1.655 tỷ đồng. Phan Sào Nam hưởng lợi bất chính 1.475 tỷ đồng.

Trách nhiệm của tướng Vĩnh, tướng Hóa

Về trách nhiệm của ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa, hồ sơ vụ án xác định, giữa năm 2011, ông Phan Văn Vĩnh chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa nghiên cứu lập tờ trình xin chủ trương thành lập công ty bình phong. Tháng 9/2011, ông Hóa ký công văn gửi một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát để xin phê duyệt thành lập công ty bình phong trong đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nội dung công văn thể hiện Cục C50 đề xuất thành lập theo mô hình công ty TNHH. Trong đó C50 góp 20% cổ phần nhưng chỉ là “hình thức” và cử cán bộ đại diện cho phần vốn góp, tham gia vào công ty phụ trách công nghệ thông tin.

Cùng ngày, ông Hóa ký tờ trình gửi ông Vĩnh có nội dung tương tự văn bản trên nhưng phần vốn góp không có từ “hình thức”. Sau đó C50 lập tờ trình để ông Vĩnh gửi xin ý kiến cấp trên, một thứ trưởng Bộ Công an có bút phê “đồng ý về chủ trương, thực hiện phải đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ đã quy định”.

An ninh được thắt chặt – Ảnh VN Ex

 

Trong thời gian xin chủ trương thành lập công ty bình phong, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương gặp ông Hóa để thành lập công ty bình phong cho Cục C50. Dù chưa được thông qua đề án xây dựng công ty bình phong, ngày 30/9/2011, Dương thành lập Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (viết tắt là công ty CNC) do Dương làm Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Ngày 10/10/2011, ông Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh với Dương. Trong bản ghi nhớ có nội dung trách nhiệm của Cục C50 là tạo điều kiện khi công ty CNC có đề xuất những lĩnh vực kinh doanh mang tính chất thí điểm. Còn trách nhiệm của công ty CNC là phải đảm bảo thực hiện yêu cầu nghiệp vụ của Cục C50, báo cáo về các hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty theo định kỳ. CNC còn phải phân phối lợi nhuận kinh doanh thu được sau khi trừ các chi phí hoạt động theo tỷ lệ: Công ty CNC được 80%, C50 nhận 20%.

Cùng ngày, ông Hóa ký tiếp hợp đồng ủy quyền cho Dương là người đại diện, thay mặt và nhân danh C50 liên hệ với công ty CNC và cá nhân tổ chức có liên quan để đại diện cho phần vốn góp 20% vốn điều lệ của công ty CNC. Trên thực tế C50 không góp 20%.  Ông Hóa còn ủy quyền cho Dương được lập và ký tên các giấy tờ, tài liệu, thư trao đổi… đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Cục C50.

Sau khi được trao quyền, ngày tháng 5/2012 Dương có văn bản gửi ông Vĩnh và Hóa báo cáo về hiện trạng hoạt động cờ bạc trực tuyến tại Việt Nam. Trong đó, Dương đề nghị lãnh đạo tạo điều kiện hỗ trợ để CNC làm việc với đối tác Tamtay trong việc xây dựng và tổ chức phát hành các trò chơi cờ bạc trên Internet.  Dương còn xin được sử dụng trụ sở của Tổng cục Cảnh sát ở số 10 Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội làm nơi hoạt động của công ty CNC. Việc này được ông Vĩnh đồng ý.

Về những việc làm trên, cơ quan tố tụng cho rằng ông Vĩnh đã đồng tình với đề nghị của ông Hóa và ký ban hành Quyết định công nhận công ty CNC là công ty bình phong khi chưa có ý kiến thống nhất của cơ quan chuyên môn. Điều này trái quy trình với quyết định 450 của Bộ Công an.

Phiên tòa thu hút rất động phóng viên báo chí – Ảnh LĐ

 

Ông Vĩnh giữ chức vụ Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, phải là người nắm rõ nhất cấu thành tội phạm của tội Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc nhưng khi nhận báo cáo số 68 ngày 18/5/2016 của Dương với đề xuất “cho phép triển khai kế hoạch xây dựng mô hình cổng các trò chơi trực tuyến và thí điểm cho phép người dùng chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang thẻ ảo hoặc ví điện tử của CNC”, ông đã đồng ý, còn có bút phê “kính chuyển đồng chí Cục trưởng Cục C50 nghiên cứu và đề xuất”.

Ngày 22/5/2016, ông Vĩnh có bút phê “đồng ý đề xuất, giao ông Hóa trực tiếp chỉ đạo, kiểm soát, tổ chức thực hiện… Theo cơ quan điều tra, việc cho phép nêu trên của ông Phan Văn Vĩnh là hoàn toàn trái với nguyên tắc đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao quy định tại khoản 2 điều 4 Nghị định 25/2014. Dấu hiệu đặc biệt đáng lưu ý là Tổng cục cảnh sát cho công ty CNC thuê chính trụ sở của mình tại số 10 Hồ Giám để vận hành hệ thống đánh bạc. Trong trụ sở của công ty CNC còn có phòng làm việc treo biển hiệu ghi: “Bộ Công an – Cục C50; Phòng làm việc của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng”. Điều này thể hiện, chính người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao đã dung túng cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện tội phạm.

Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện công ty CNC vận hành hai game bài Rikvip.com và 23zdo.com là đánh bạc trá hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu có báo cáo nhưng ông Vĩnh không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Đến khi có văn bản lần thứ hai sau 50 ngày, ông mới chỉ đạo Cục C50 tham mưu lập báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, nhưng báo cáo không đúng sự thật và cũng không chỉ đạo ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc. Ông Vĩnh còn chỉ đạo một tổng cục phó ký tiếp văn bản đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông cấp giấy phép cho vận hành game bài đánh bạc của công ty CNC, tuy nhiên đã bị từ chối.

Theo cơ quan điều tra, Dương khai đã biếu ông Vĩnh đồng hồ Rolex, 27 tỉ đồng và 1,75 triệu USD… biếu ông Hóa 22 tỉ đồng. Những hành vi này, cơ quan chức năng tách riêng để điều tra, sẽ xử lý khi có đủ căn cứ.

Những nội dung cáo trạng truy tố sẽ được làm rõ tại phiên tòa, dự kiến kéo dài 20 ngày.

( Tổng hợp)

 

KIM DUNG