Xử lý hành vi cho vay lãi nặng, không đồng ý với cả ba quan điểm
Sau khi đọc và nghiên cứu nội dung bài viết “Vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật để xử lý hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” của tác giả Đỗ Minh Tuấn trên Tạp chí TAND điện tử ngày 01/8/2019, tôi có xin ý kiến trao đổi cùng tác giả và độc giả.
Bài viết “Vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật để xử lý hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đã đề cập đến dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 201 BLHS. Đối với điều kiện thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên, cách hiểu chưa được thống nhất và tác giả có đưa ra 3 quan điểm.
Qua nghiên cứu nội dung bài viết trên và các văn bản pháp luật có liên quan tôi không đồng tình với cả 3 quan điểm của tác giả đưa ra.
Tôi đồng ý với tác giả là khi chưa có hướng dẫn của các Cơ quan pháp luật Trung ương về áp dụng pháp luật thì có thể vận dụng, áp dụng biện pháp tượng tự. Cụ thể trong tội:“Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015, hiện nay chưa có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hoặc hướng dẫn của UNTVQH về áp dụng xử lý với loại tội này, nên theo cá nhân tôi thì có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT ngày 25/12/2001 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999 của Tòa án nhân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp để xử lý, giải quyết.
Tại tiết a điểm 5 mục II của Thông tư liên tịch nói trên quy định về việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị chiếm giữ trái phép, bị sử dụng trái phép, bị hủy hoại hoặc bị làm hư hỏng:… “5. Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả ngiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích…), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:
a) Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian”.
Quan điểm của cá nhân tôi về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015, về số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên là:
Thứ nhất, số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên là số tiền lãi suất vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Thứ hai, khoản tiền cho vay và khoản tiền lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay nếu bị truy tố, xét xử về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 201 BLHS, thì bị tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước vì khoản tiền này là phương tiện dùng vào việc phạm tội.
Thứ ba, trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi (hợp đồng) cho vay lãi nặng, nhưng mỗi hợp đồng cho vay số tiền lãi suất vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay chưa đến 30.000.000 đồng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng các hợp đồng cho vay có số tiền lãi suất vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay bằng hoặc trên 30.000.000 đồng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi (hợp đồng) cho vay lãi nặng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 201 BLHS, nếu: Các hợp đồng cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian”.
Với thực tiễn của xã hội trước hành vi cho vay nặng lãi đang lan rộng ở thành thị cũng như ở nông thôn làm cho người dân mắc phải vay tiền “tín dụng đen” với mức lãi suất cao, hệ lụy làm nảy sinh nhiều tội phạm khác xẩy ra, ảnh hưởng xấu, gây mất trật tự trị an ở địa phương. Việc xử lý bằng pháp luật hình sự thời điểm hiện nay đối với tội phạm:“Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là hết sức cần thiết và có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung; tránh trường hợp “lách luật” người cho vay với từng hợp đồng cho vay số tiền lãi suất vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay chưa đến 30.000.000 đồng để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.
Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi. Xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
1 Bình luận
Hương
04:01 23/12.2024Trả lời