Xử lý hành vi nhập cảnh, tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép theo pháp luật Việt Nam

Việc nhập cảnh trái phép từ lâu đã trở thành một vấn nạn được quan tâm hàng đầu, bởi lẽ, nó xâm phạm đến an ninh và trật tự xã hội của mỗi quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, tại thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát và gây ra hàng loạt những thiệt hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này dường như chưa đủ sức răng đe.

1.Đặt vấn đề

Việc nhập cảnh trái phép từ lâu đã trở thành một vấn nạn được quan tâm hàng đầu, bởi lẽ, nó xâm phạm đến an ninh và trật tự xã hội của mỗi quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, tại thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát và gây ra hàng loạt những thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng và kinh tế, các quốc gia đã có những chính sách hạn chế việc xuất nhập cảnh giữa các quốc gia để giảm thiểu thiệt hại.

Tại Việt Nam, xuất hiện rất nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép với nhiều mục đích khác nhau như sang Việt Nam đi làm thuê, đi đánh bạc, người Việt Nam đi làm thuê ở các nước lân cận tìm mọi cách trở về trốn dịch. Bởi Việt Nam là một quốc gia có đường biên giới dài, tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia có dân số đông nên rất khó kiểm soát hết việc nhập cảnh trái phép qua các đường tiểu ngạch, đường sông, đường rừng ở các tỉnh biên giới để vào nước ta. Trên tuyến biên giới Tây Nam, do biên giới giữa Việt Nam và Campuchia là biên giới sông nên việc quản lý xuất nhập cảnh trái phép là cực kỳ khó khăn, đặc biệt là vào ban đêm. Các đối tượng đưa người xuất nhập cảnh trái phép lại chính là người Việt Nam sinh sống ở ven biên giới, thông thuộc địa bàn. Còn tuyến biên giới phía Bắc, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép cũng diễn ra phức tạp[1]. Theo thống kê của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, trong gần 2 tháng (tính đến ngày 26/7/2020), hơn 4.000 người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới đã bị bắt giữ. Số người nhập cảnh trái phép này có nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 rất cao nếu không kịp thời ngăn chặn[2]. Có thể thấy, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, tiếp tục siết chặt các đường mòn, lối mở, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới từ lực lượng bộ đội biên phòng, công an nhân dân, người dân địa phương trên cả nước, việc xử lý nghiêm các đối tượng nhập cảnh và tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép là hết sức cấp thiết.

2.Pháp luật Việt Nam về xử lý hành vi nhập cảnh trái phép

 Hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ được xử lý theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội ngày 12/11/2013 do Chính phủ ban hành (Nghị định 167/2013/NĐ-CP) và Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi nhập cảnh trái phép và số lần vi phạm để áp dụng chế tài phù hợp, có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với phương thức xử phạt hành chính, Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: người có hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng[3]; người nước ngoài nhập cảnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng[4].

Người có hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục nhập cảnh được hiểu là những người vào Việt Nam mà không đi qua các cửa khẩu, không làm các thủ tục cần thiết để được vào Việt Nam, có thể họ đi vào bằng đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới. Còn những người nước ngoài nhập cảnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là những người nhập cảnh vào Việt Nam mặc dù không đủ điều kiện để nhập cảnh, chưa được cấp phép để vào Việt Nam, ví dụ như không có thị thực, hoặc có nhưng đó là các giấy giờ giả mạo[5]. Ngoài ra, nếu người nước ngoài có hành vi nhập cảnh trái phép thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất ra khỏi Việt Nam[6].

Đối với trách nhiệm hình sự, Điều 347 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:“Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Theo đó có thể hiểu, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ xảy ra khi một người nhập cảnh trái phép đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm. Như vậy, nếu một người nhập cảnh trái phép bị xử lý lần đầu thì dù có dẫn đến hệ quả gây nguy hiểm cho xã hội cũng chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự với tội này mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Đặt vấn đề dưới góc độ so sánh với luật một số nước, chúng tôi nhận thấy chế tài của hành vi này theo pháp luật Việt Nam dường như chưa đủ sức răn đe. Điển hình như so sánh với pháp luật của Anh và Pháp – hai nước phát triển trên thế giới và thường xuyên phải giải quyết tình trạng người nhập cảnh và cư trú trái phép.

Theo quy định tại Điều 24 Đạo luật Nhập cư của Anh (The Immigration Act), người nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh sẽ bị phạt tiền không quá thang tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hoặc bị phạt đến 6 tháng tù giam, hoặc cả hai[7]. Theo đó, pháp luật Anh không quy định dựa trên số lần xử phạt vi phạm như pháp luật Việt Nam, mà dựa vào mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để áp dụng chế tài. Có thể hiểu rằng nếu một người dù nhập cảnh trái phép lần đầu nhưng có mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi đủ để xử phạt hình phạt tù thì người đó sẽ bị phạt không quá 6 tháng tù giam.

Còn theo quy định tại Điều L621-2 của Bộ luật Nhập cảnh và Lưu trú của Người nước ngoài và Quyền tị nạn (The Code of Entry and Stay of Aliens and Right of Asylum – CESEDA), người nào không phải công dân của một quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu mà nhập cảnh trái phép vào Pháp mà không tuân theo quy định của Bộ luật Biên giới Schengen 2016 (The Schengen Borders Code)[8] sẽ bị phạt 3750 Euro (xấp xỉ 101 triệu đồng theo tỷ giá ngày 08/8/2020) và 1 năm tù giam[9]. Có thể thấy, pháp luật Pháp còn quy định khắt khe hơn khi hình phạt bao gồm cả phạt tiền và phạt tù, không dựa trên số lần vi phạm như quy định của pháp luật Việt Nam, hay mức độ nguy hiểm như quy định của pháp luật Anh. Bên cạnh đó, thực tiễn áp dụng pháp luật cũng là vấn đề đáng bàn.

Tại Việt Nam, số lượng vụ án nhập cảnh trái phép được đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự là vô cùng hiếm, chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính. Cùng với quy định về xử phạt vi phạm hành chính tương đối nhẹ khi số tiền phạt chỉ dao động từ 3 triệu đến 25 triệu đồng, đã khiến hành vi nhập cảnh trái phép diễn ra thường xuyên. Đặc biệt khi đường biên giới của Việt Nam rất dài, tiếp giáp với ba quốc gia khác nhau nên những người nhập cảnh trái phép có thể tìm được nhiều đường mòn, lối mở để đi vào Việt Nam mà không bị phát hiện. Chỉ đến khi Việt Nam bắt đầu bùng phát dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 2 tại Đà Nẵng thì công tác ngăn chặn, triệt phá hành vi nhập cảnh trái phép mới được đẩy mạnh.

Qua đó, có thể thấy, từ quy định của pháp luật Việt Nam về xử lý người nhập cảnh trái phép đến thực tiễn thi hành còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng quy định pháp luật, bởi lẽ việc xác định một người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hay chưa không hề dễ dàng khi những đối tượng này sẽ đi những đường mòn, lỗi mở khác nhau, qua những tỉnh khác nhau mỗi lần nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự rất khó thực hiện nếu không có một hệ thống dữ liệu mang tính liên thông giữa các tỉnh thành để thống kê, theo dõi những người đã bị xử lý vi phạm hành chính.

3.Pháp luật Việt Nam về xử lý hành vi tổ chức nhập cảnh trái phép

Việc nhập cảnh trái phép vào một quốc gia không thể diễn ra trót lọt nếu không có sự tiếp tay của những người tổ chức, môi giới vốn hiểu rõ tình hình trong nước với những tính toán cẩn thận trong từng đường đi, nước bước. Hành vi này gây nguy hiểm tiềm ẩn đối với tình hình an ninh, trật tự xã hội nếu lặp đi lặp lại nhiều lần với số lượng lớn người nhập cảnh trái phép mà không bị phát hiện kịp thời.

Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đều có quy định rất nghiêm khắc về trách nhiệm pháp lý của người tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh vào nước họ. Điển hình như tại Anh, Điều 25.(1) Đạo luật Nhập cư quy định[10], người nào cố ý thực hiện, sắp xếp để đảm bảo hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho bất kỳ cá nhân không phải là công dân Liên minh Châu Âu vi phạm luật nhập cư mà anh ta biết hoặc có lý do hợp lý cho rằng họ là một người nhập cảnh bất hợp pháp thì sẽ (1) bị kết tội tổng hợp kèm theo khoản tiền phạt không quá thang tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hoặc bị phạt tù không quá 6 tháng hoặc cả hai, hoặc (2) bị kết tội theo cáo trạng kèm theo một khoản tiền phạt hoặc bị phạt tù không quá 14 năm, hoặc cả hai[11]. Còn tại Pháp, vấn đề này được quy định tại Điều L622-1 trong Bộ luật Nhập cảnh và Lưu trú của Người nước ngoài và Quyền tị nạn, theo đó trừ trường hợp được miễn trừ, bất kỳ người nào trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ hoặc cố gắng hỗ trợ việc nhập cảnh, di chuyển hoặc cư trú của một người không có quốc tịch bất thường ở Pháp bị trừng phạt và mức hình phạt là 30000 Euro (xấp xỉ 817 triệu đồng theo tỷ giá ngày 08/8/2020) và 5 năm tù giam[12].

Tại Việt Nam, hiện nay, trách nhiệm pháp lý mà pháp luật Việt Nam quy định đối với hành vi tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép cũng nghiêm khắc và nặng hơn so với hành vi nhập cảnh trái phép. Trong đó, người có hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam có thể bị xử phạt hành  chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về trách nhiệm hành chính, theo quy định tại Điều 17.6.đ Nghị định 167/2013/NĐ–CP thì người có hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam trái phép bị phạt tiền từ 30.000.000 – 40.000.000 đồng.

Về trách nhiệm hình sự, BLHS 2015 dành riêng Điều 348 để quy định về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Đây là một tội danh mới so với BLHS 1999, theo đó, những người vì vụ lợi mà tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thì sẽ bị phạt tù với mức hình phạt tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi.

Trong đó, tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép được hiểu là hành vi dụ dỗ, lôi kéo, tạo điều kiện, sắp xếp để người khác nhập cảnh mà không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Còn môi giới cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép được hiểu là hành vi làm trung gian giữa các bên để thu xếp cho người khác nhập cảnh mà không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam[13].

Yếu tố bắt buộc trong mặt chủ quan cần phải chứng minh là người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý và mục đích vụ lợi. Theo từ điển Tiếng Việt, vụ lợi được hiểu là việc mưu cầu lợi ích riêng cho mình[14]. Lợi ích ở đây được hiểu là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất nào đó cho chính những người tổ chức, môi giới.

Về mức hình phạt, người có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm tùy theo tính chất và vi mức độ nguy hiểm của hành. Bên cạnh đó, người có hành vi này còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Tuy nhiên, BLHS hiện hành lại không quy định về việc tịch thu các khoản lợi bất chính có được từ hành vi phạm tội. Chúng tôi cho rằng đây là một bất cập cần phải hoàn thiện.

Dưới góc độ thực tiễn áp dụng, có thể thấy việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này chỉ mới được triển khai kể từ khi BLHS 2015 có hiệu lực, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid 19 bùng phát trở lại.

Điển hình là vào ngày 10/3/2020, TAND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành bản án số 12/2020/HS -ST xét xử về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép theo quy định tại khoản 1 Điều 348 BLHS 2015 [15]. Theo nội dung bản án, ngày 16/10/2019, các bị cáo đưa 4 người khách Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường mòn để đón và đưa xuống khu vực Casino, có hưởng lợi với số tiền là 358.400 đồng (đối với Âu Văn S) và 250.000 đồng (đối với Hoàng Văn T. Tại nhân định số [6], Tòa án cho rằng các bị cáo có đầy đủ điều kiện để được hưởng án treo như là có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội. Do đó, mức án đã được tuyên đối với bị cáo Âu Văn S là 2 năm tù treo và 1 năm 6 tháng tù treo đối với bị cáo Hoàng Văn T. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, mức án treo mà Hội đồng xét xử đã tuyên đối với 2 bị cáo là chưa đủ tính răn đe và giáo dục cho người dân vùng biên giới (bởi các bị cáo không chỉ thực hiện môi giới lần đầu mà trước đó, từ tháng 8/2019, mỗi khi có khách người Trung Quốc nhập cảnh trái phép thì Âu Văn S đều gọi cho Hoàng Văn T để đón đưa xuống thành phố T, tỉnh Lạng Sơn). Điều này sẽ tạo tiền lệ không tốt trong việc xử lý đối với hành vi tổ chức nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhất là trong thời điểm tháng 3/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh và việc quản lý, kiểm soát đường biên giới cần thắt chặt hơn bao giờ hết.

Một vụ án khác vừa mới đưa ra xét xử vào ngày 4/8/2020, tại trụ sở UBND xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm đối với 6 bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”. Trong hai ngày 9 và 10/6, nhóm của Voòng A Sủi đã 2 lần tổ chức cho 6 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và đã bị Đồn Biên phòng Bắc Sơn, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh bắt giữ. Trong đó, Voòng A Sủi là kẻ đóng vai trò chính, chỉ đạo, 5 người còn lại giúp sức cho Sủi. Sau mỗi vụ trót lọt, nhóm của Sủi thu 4.000 NDT/người, tương đương hơn 13 triệu đồng/người. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Voòng A Sủi và Voòng A Hây cùng 6 năm tù, Lỷ A Tằng 5 năm tù, Phùn Quay Phóng 4 năm tù; các bị cáo Nình Văn Xuân, Phùn Văn Dũng 2 năm tù. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tòa án nhân dân tối cao qua việc ban hành Công văn số 109/TANDTC-PC về việc tổ chức xét xử các vụ án liên quan phòng chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là tội vi phạm quy định về xuất nhập cảnh trái phép, bản án đã được tuyên với hình phạt nghiêm khắc, có tính răn đe.

Từ hai bản án trên, có thể thấy rằng việc xử lý tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh vào Việt Nam cần phải xét xử thật nghiêm khắc, đúng người đúng tội, đồng thời cần tăng cường rà soát, kiểm tra tránh bỏ lọt tội phạm và bỏ lọt người phạm tội không chỉ trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mà kể cả trước, trong và sau dịch, từ đó, đảm bảo ngăn ngừa và giải quyết triệt để tội phạm, đảm bảo an toàn cho đời sống xã hội.

4.Kết luận và một số kiến nghị

Từ thực tiễn xử lý những trường hợp nhập cảnh, tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép trên thực tế, cùng với sự tham khảo trong quy định xử phạt của hai nước là Anh và Pháp, có thể thấy rằng, một số vấn đề trong quy định pháp luật Việt Nam và trong công tác xử lý hành vi liên quan đến nhập cảnh trái phép cần được sửa đổi, hoàn thiện nhằm ngăn chặn kịp thời những hành vi nhập cảnh, tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép.

Thứ nhất, cần tăng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi liên quan đến nhập cảnh trái phép. Bởi lẽ với mức xử phạt hành chính thấp như hiện nay là chưa đủ sự răn đe. Thực tế đã chứng minh điều này khi những hành vi nhập cảnh, tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép diễn ra rất thường xuyên và phổ biến dù đã có những trường hợp bị phạt  trước đó. Trong bối cảnh cả nước đang gồng mình kiểm soát dịch Covid-19 thì vẫn có rất nhiều người bất chấp pháp luật, tiếp tục vi phạm những quy định về xuất nhập cảnh.

Thứ hai, sửa đổi quy định về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép tại Điều 347 BLHS 2015 theo hướng dựa trên mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi đối với xã hội chứ không dựa vào số lần xử phạt vi phạm hành chính. BLHS cần dự liệu và bổ sung những tình huống có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội phát sinh từ hành vi nhập cảnh trái phép như là một yếu tố cần thiết về mặt khách quan của tội phạm. Đồng thời, chúng tôi cho rằng cần phải quy định hình phạt bổ sung tịch thu các khoản lợi bất chính từ hành vi tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép.

Tòa án  tỉnh Quảng Ninh vừa tuyên phạt mức án 25 năm tù cho 6 bị cáo tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Ảnh: Anh Nhiên/ Dantri

 

[1] Thế Hà, Quốc Thái, Đắc Hiến, Tại sao nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam?, (vtv.vn/, 04/8/2020), <vtv.vn/phap-luat/tai-sao-nhieu-nguoi-trung-quoc-nhap-canh-trai-phep-vao-viet-nam-20200804133424682.htm> truy cập  ngày 10/8/2020;

[2] Ngọc Hân, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng họp khẩn về công tác phòng, chống dịch Covid-19, (www.qdnd.vn/, 26/7/2020), <www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/bo-tu-lenh-bo-doi-bien-phong-hop-khan-ve-cong-tac-phong-chong-dich-covid-19-629062> truy cập ngày 10/8/2020;

[3] Điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP;

[4] Điểm b khoản 5 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP;

[5] Nguyễn Ngọc Điệp (2017), Bình luận khoa học phần các tội phạm Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, NXB Thế giới, tr.505;

[6] Khoản 9 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP;

[7] Section 24,  Part III Criminal Proceedings, Immigration Act 1971, <www.legislation.gov.uk/ukpga/1971/77/section/24>;

[8] The Schengen Borders Code 2016, <eur-lex.europa.eu/legal-content/FR/TXT/HTML/?uri=CELEX:32016R0399&from=BG>;

[9] Article L621-2 The Code of Entry and Stay of Aliens and Right of Asylum, <www.legifrance.gouv.fr/affichCode.do;jsessionid> ;

[10] Section 25.(1) Part III Criminal Proceedings, The Immigration Act 1971, <https://www.legislation.gov.uk/ukpga/1971/77/section/25#commentary-c9589821>;

[11]Xem thêm thủ tục kết tội tổng hợp và kết tội theo cáo trạng tại: <https://www.legislation.gov.uk/ukpga/Geo6/11-12/58/section/28/enacted> ngày 10/8/2020;

[12] Article L622-1 The Code of Entry and Stay of Aliens and Right of Asylum, <https://www.legifrance.gouv.fr/affichCode.do;jsessionid>;

[13] Nguyễn Ngọc Điệp (2017), Bình luận khoa học phần các tội phạm Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, NXB Thế giới, tr. 506;

[14] Viện Ngôn ngữ học (2020), Từ điển Tiếng Việt, NXB Hồng Đức, tr.1433;

[15] Xem toàn bộ bản án tại: <http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta475556t1cvn/chi-tiet-ban-an>.

 

ThS. LƯU MINH SANG, HUỲNH PHƯƠNG NGOAN,ĐẶNG THỊ THẢO HUYỀN (Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM)