Xử lý, khởi tố, điều tra tội phạm xâm hại trẻ em còn những tồn tại, hạn chế

Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo một số nội dung kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác này còn nhiều hạn chế.

Những kết quả chung

Trong giai đoạn trong giai đoạn 2015 đến 30/6/2019 có 1.236 vụ xâm hại trẻ em bị xử lý vi phạm hành chính. Các hành vi xâm hại trẻ em bị xử lý hành chính chủ yếu là bạo lực, gây thương tích cho trẻ em và một số hành vi khác. Về cơ bản, công tác xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Quá trình xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 1.158 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, nên đã chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định tại Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, qua giám sát, Đoàn giám sát nhận thấy, công tác xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại trẻ em và việc theo dõi, thống kê tình hình xử lý vi phạm hành chính hành vi này còn nhiều hạn chế. Cụ thể: Quá trình xử lý vi phạm hành chính, cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính còn có một số vi phạm như: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính; Áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính; Kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính…

Bên cạnh đó, công tác theo dõi, thống kê tình hình xử lý vi phạm hành chính, cho đến nay chưa xây dựng được tiêu chí thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em, dẫn đến việc tổng hợp, đánh giá tình hình thiếu chính xác.

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp có 1.236 vụ xâm hại trẻ em bị xử lý vi phạm hành chính trong giai đoạn 2015 đến 30/6/2019, nhưng đây mới chỉ là số liệu của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng (1.234 vụ do các cơ quan công an xử lý; 02 vụ do cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng xử lý), còn nhiều chủ thể khác có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hành vi xâm hại trẻ em nhưng chưa được thống kê, báo cáo.

Đối với công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, khởi tố, điều tra tội phạm xâm hại trẻ em, Đoàn giám sát nhận thấy, công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra tội phạm xâm hại trẻ em đạt được những kết quả tích cực. Theo Báo cáo của Bộ Công an, cơ quan điều tra đã khởi tố 7.119 vụ và 7.211 bị can. Hầu hết các trường hợp bắt, tạm giữ đều được chuyển xử lý hình sự. Tỷ lệ kết thúc điều tra, đề nghị truy tố đạt cao. Việc tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra đúng quy định của pháp luật, không có trường hợp nào bị Viện kiểm sát hủy bỏ. Công tác điều tra tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng được tăng cường; kết hợp các biện pháp kỹ thuật và biện pháp nghiệp vụ để phát hiện các dấu hiệu của đối tượng trên môi trường mạng, từ đó phối hợp với các cơ quan tố tụng chuyển hóa tài liệu, chứng cứ để xử lý. Từ năm 2010 – 2018, đã phát hiện, xử lý 319 vụ xâm hại tình dục trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Đáng lưu ý, để tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong giải quyết loại án này, Bộ Công an đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng sổ tay, cẩm nang hướng dẫn cán bộ tố tụng; đặc biệt Bộ Công an đã ban hành quy trình nghiệp vụ đặc thù (Quyết định số 8316/QĐ-BCA-C02 ngày 26/12/2018) hướng dẫn công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, trong đó quy định những biện pháp cấp bách phải thực hiện ngay khi tiếp nhận nguồn tin nhằm ngăn chặn tội phạm, thu thập chứng cứ, bảo vệ trẻ em, hỗ trợ gia đình nạn nhân, đưa trẻ em đến cơ sở giám định hoặc cơ sở y tế… phù hợp với tính chất của loại tội phạm này.

Những thiếu sót cần khắc phục

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát cho thấy, công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, khởi tố, điều tra tội phạm xâm hại trẻ em trong một số vụ việc còn chưa kịp thời, chưa chính xác, bỏ lọt tội phạm, một số vụ vi phạm thủ tục tố tụng, chưa bảo đảm điều tra thân thiện với trẻ em. Cụ thể là: Trong xử lý tố giác, tin báo về tội phạm ở giai đoạn đầu, một số vụ việc, cán bộ công an tuyến cơ sở còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm làm việc với trẻ em nên thu thập tài liệu, chứng cứ không đầy đủ, không bảo đảm điều tra thân thiện với trẻ em; một số trường hợp để lộ thông tin của trẻ em là nạn nhân bị xâm hại, làm trẻ em bị tổn thương trong quá trình xác minh, điều tra. Có trường hợp Công an cấp xã tổ chức hòa giải giữa người tố giác và đối tượng bị tố giác về những vụ việc xâm hại trẻ em mà theo quy định thì loại việc đó không được hòa giải dẫn đến chậm trễ, khó khăn trong việc xử lý sau này.

Hơn nữa, các vụ việc xâm hại trẻ em thường không có người làm chứng, nhưng do áp lực sợ oan sai nên nhiều vụ việc Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đòi hỏi phải có người chứng kiến trực tiếp là không phù hợp với thực tế, dẫn đến vụ việc kéo dài hoặc không khởi tố được; có những vụ việc chậm khởi tố do ngại trách nhiệm đến khi dư luận phản ứng mới tích cực xử lý; một số vụ việc khởi tố về tội nhẹ hơn tội đối tượng đã thực hiện gây bức xúc trong dư luận. Một số vụ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Qua nghiên cứu một số vụ án, Đoàn giám sát kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân xem xét lại một số vụ án nhằm bảo đảm xử lý đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm.

Ngoài ra, qua giám sát cho thấy, tại một số địa phương có tình trạng nhiều vụ án phải tạm đình chỉ điều tra với lý do chưa xác định được bị can hoặc chưa biết bị can đang ở đâu, trong đó có những vụ sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể sẽ phải đình chỉ điều tra và không xử lý được đối tượng phạm tội.

Đoàn giám sát cho rằng công tác xử lý vi phạm hành chính và khởi tố, điều tra tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn những tồn tại, hạn chế; tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng; cần có các biện pháp kịp thời để khắc phục vấn đề nhức nhối này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu ý kiến – Ảnh: QH.VN

MINH KHÔI