Xuân mới, cơ hội mới, khí thế mới!
Bước sang năm mới 2025 và đón xuân Ất Tỵ, hệ thống Tòa án nhân dân cả nước có một khí thế mới, cơ hội mới để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thiết thực chào mừng và kỷ niệm tròn 80 năm truyền thống Tòa án nhân dân.
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với TANDTC - Ảnh: Triệu Hồ
Ngày 13/9/1945, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh thiết lập các Toà án quân sự, đặt viên gạch đầu tiên của hệ thống Tòa án nhân dân ngày nay.
Năm 2025, chúng ta tự hào kỷ niệm 80 năm truyền thống xây dựng và phát triển vẻ vang của hệ thống Tòa án nhân dân, với cơ hội mới và khí thế mới bằng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 có nhiều điểm mới tích cực được thi hành và tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đang được tổng kết và triển khai quyết liệt.
Bổ sung quy định về nội hàm Tòa án thực hiện quyền tư pháp
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
Đây là những quy định tiếp tục được ghi nhận tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 34/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Luật có nhiều quy định mới tạo cơ hội để Tòa án nâng cao vị thế, có thêm chức năng, nhiệm vụ và được bảo đảm các điều kiện tốt hơn trong thực thi nhiệm vụ xét xử.
Về vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân, Luật đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã bổ sung quy định về nội hàm Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Theo đó, “Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.
Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn mới đối với Tòa án là xét xử vi phạm hành chính và giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc. Luật cũng điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ. Bổ sung quy định nhằm xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án theo thẩm quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; Bổ sung các quy định làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án.
Tổ chức bộ máy của Tòa án cũng được đổi mới, trong đó tổ chức lại bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao và thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về Hành chính, Sở hữu trí tuệ, Phá sản với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.
Bảo vệ Thẩm phán
Để nâng cao vị trí, vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã bổ sung nhiều nhiệm vụ, quyền hạn cho Hội đồng theo hướng tăng cường vai trò của Hội đồng trong đề nghị các chế độ, chính sách, bảo vệ, giám sát tăng cường kỷ cương, đạo đức của Thẩm phán; bổ sung thành phần Hội đồng thêm đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.
Hội đồng được bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như Ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán; bảo vệ Thẩm phán theo quy định của Luật; đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ bảo vệ Thẩm phán; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện chính sách đối với Thẩm phán khi bị tổn hại về sức khỏe, tính mạng vì lý do công vụ; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về chế độ, chính sách cho Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác của Tòa án; giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các Tòa án nhân dân.
Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về ngạch, bậc Thẩm phán theo hướng chỉ quy định Thẩm phán gồm hai ngạch là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán Tòa án nhân dân.
Kể từ ngày 01/01/2025, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp được chuyển thành Thẩm phán Tòa án nhân dân theo quy định của Luật này. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định xếp bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân căn cứ vào quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bậc Thẩm phán.
Nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm, Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Thẩm phán Tòa án nhân dân được điều động để làm nhiệm vụ khác trong hệ thống Tòa án, khi được phân công lại làm Thẩm phán Tòa án nhân dân thì không phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân và được xếp vào bậc tương ứng, trường hợp này nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Bổ sung quy định về chế độ bảo vệ, miễn trừ trách nhiệm đối với Thẩm phán
Kể từ ngày 01/01/2025, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã được bổ nhiệm theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì nhiệm kỳ được thực hiện theo quy định của Luật này; Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp được bổ nhiệm lần đầu theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến hết nhiệm kỳ đã được bổ nhiệm; việc bổ nhiệm lại và nhiệm kỳ khi được bổ nhiệm lại thực hiện theo quy định của Luật này; Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp đã được bổ nhiệm lại theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì nhiệm kỳ được tính đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Về chế độ, chính sách đối với Thẩm phán cũng có thay đổi. Luật bổ sung quy định về chế độ bảo vệ, miễn trừ trách nhiệm đối với Thẩm phán; bổ sung quy định Thẩm phán được hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật khi bị tổn hại tính mạng, sức khỏe vì lý do công vụ… Bổ sung nhiều quy định đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và giám sát Thẩm phán.
Bảo đảm tính tôn nghiêm trong hoạt động xét xử, tính thống nhất trong quy định về tổ chức xét xử tại Tòa án, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã có những quy định chung về nội quy phiên tòa, phiên họp, việc bảo vệ Tòa án; việc tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh, trật tự, văn minh, sự tôn nghiêm của Tòa án.
Tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là một chủ trương lớn, đúng đắn và kịp thời. Năm 2015 cũng là năm Nghị quyết được thực hiện rốt ráo, quyết liệt.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí mới đây phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tòa án các cấp tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhấn mạnh việc tổng kết Nghị quyết số 18 là cơ hội để Tòa án cải cách, đổi mới tổ chức, bộ máy, vì vậy cần khẩn trương thực hiện với một tinh thần quyết liệt và quyết tâm cao.
Để kịp tiến độ theo yêu cầu, Chánh án Lê Minh Trí đề nghị Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương triển khai các công việc cần thiết, quyết liệt trong công tác chỉ đạo; đồng thời cần cập nhật các đề xuất của Tòa án cấp dưới về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy để bổ sung, điều chỉnh kịp thời.
Các Tòa án cần kịp thời, thường xuyên cập nhật các chỉ đạo, chủ trương của Tòa án nhân dân tối cao, của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy để từ đó xây dựng kế hoạch công tác phù hợp và hiệu quả; đồng thời cũng cần có những phản hồi, đề xuất nhằm đóng góp vào công tác chung của toàn hệ thống về việc tổng kết Nghị quyết số 18.
Các Tòa án tăng cường, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới nội dung, hình thức thanh tra để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng gắn thanh tra công vụ với kiểm tra nghiệp vụ.
Phát huy truyền thống vẻ vang của hệ thống Tòa án trong 80 năm xây dựng và phát triển cùng với lịch sử phát triển vĩ đại của đất nước, năm 2025 Tòa án có những tiền đề, điều kiện và quyết tâm mới, chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng, của Tòa án nhân dân tối cao đứng đầu là Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí và sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống, Tòa án nhân dân sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Ngày Xuân, Cột cờ Lũng Cú cảnh đẹp mê hoặc lòng người
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Xuân mới, cơ hội mới, khí thế mới!
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"
Bình luận