Yêu cầu ly hôn với người mất tích nên giải quyết trong cùng một vụ án

Qua nghiên cứu bài viết “Yêu cầu ly hôn với người mất tích có được thụ lý giải quyết trong một vụ việc không?” của tác giả Nguyễn Hải Phong đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 23/8/2021, tôi xin có một vài ý kiến trao đổi liên quan đến hai vấn đề về yêu cầu ly hôn với người mất tích và việc ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án hôn nhân và gia đình mà tác giả đã đặt ra.

1.Về yêu cầu ly hôn với người mất tích

Tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Người vợ hoặc người chồng đồng thời yêu cầu Toà án tuyên bố người chồng hoặc người vợ của mình mất tích và yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn, nếu Toà án thấy chưa đủ điều kiện tuyên bố người đó mất tích thì bác các yêu cầu của người vợ hoặc người chồng”. Theo quan điểm của tác giả, yêu cầu ly hôn đối với người mất tích thông thường phải thực hiện qua 2 lần thủ tục, ban hành hai quyết định, bản án độc lập. Vậy theo quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết trên thì chữ “đồng thời” trong trường hợp này được hiểu theo nghĩa nào? Có được hiểu theo nghĩa: “đối với yêu cầu ly hôn với người mất tích thì được thụ lý giải quyết trong một vụ việc không”? Trường hợp được giải quyết trong một vụ việc thì thủ tục tố tụng được thực hiện theo vụ án hay việc? Nếu là việc thì là việc dân sự hay việc hôn nhân?

Liên quan đến vấn đề yêu cầu ly hôn với người mất tích, hiện nay thông thường phải thực hiện qua hai lần thủ tục như đã trình bày. Tuy nhiên, có thể thấy rằng điều này sẽ gây khó khăn cho đương sự trong việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự. Do vậy, theo tôi chữ “đồng thời” trong quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết nên được hiểu theo hướng yêu cầu tuyên bố người vợ hoặc người chồng mất tích được thụ lý giải quyết trong cùng một vụ án ly hôn nếu đủ điều kiện tuyên bố người này mất tích. Trong trường hợp chưa đủ điều kiện tuyên bố người vợ hoặc người chồng mất tích thì Tòa án bác các yêu cầu (cả yêu cầu tuyên bố mất tích và yêu cầu ly hôn). Điều này sẽ góp phần đơn giản hóa về mặt thủ tục tố tụng từ đó đảm bảo quyền tiếp cận công lý của người dân. Trong trường hợp giải quyết trong cùng một vụ việc thì thủ tục tố tụng có thể được thực hiện theo thủ tục của vụ án dân sự. Bởi lẽ trong vụ việc này, ly hôn mới là yêu cầu chính mà đương sự mong muốn được Tòa án xem xét giải quyết và yêu cầu tuyên bố mất tích chỉ là điều kiện để Tòa án xem xét thụ lý giải quyết vụ án ly hôn. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc theo dõi và quản lý thì có thể quy định thêm rằng Thẩm phán cần ghi chú vấn đề này vào hồ sơ giải quyết vụ án.

2.Về việc ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án hôn nhân và gia đình

Trong bài viết tác giả đề cập đến việc ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án hôn nhân về việc “thay đổi người trực tiếp nuôi con” còn nhiều quan điểm khác nhau. Có trường hợp đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, có lập hợp đồng ủy quyền, được phòng công chứng công chứng. Theo đó, tác giả nêu lên hai quan điểm: thứ nhất là không chấp nhận sự ủy quyền đó, vì quyền nuôi con là quyền nhân thân không thể ủy quyền, hơn nữa quy định tại Điều 138 BLDS  quy định “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” đã nêu rõ mục đích ủy quyền là để xác lập và thực hiện giao dịch dân sự. Trong khi đó, quyền trực tiếp nuôi con phải bảo đảo quyền lợi hợp pháp của con nên không thể coi là giao dịch dân sự để ủy quyền. Thứ hai là tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS chỉ quy định “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng” mà không quy định đương sự trong vụ án “thay đổi người nuôi con” không được ủy quyền. Nên việc ủy quyền này giống ủy quyền trong việc tranh chấp tài sản chung vợ chồng, pháp luật không cấm nên được phép thực hiện.

Liên quan đến vấn đề ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án hôn nhân mà đặc biệt là về việc “thay đổi người trực tiếp nuôi con”, quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 39 BLDS 2015 như sau: “1. Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình. 2. Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật này, Luật hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan”.

Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015 cũng chỉ quy định đương sự không được ủy quyền đối với việc ly hôn. Như vậy, có thể thấy rằng pháp luật không quy định quyền nuôi con là quyền nhân thân trong trong hôn nhân và gia đình cũng như không quy định cấm việc ủy quyền đối với việc yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Do vậy, thiết nghĩ trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì việc yêu cầu thay đổi quyền nuôi con là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo được quyền và lợi ích tốt nhất của đứa trẻ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào các chủ thể có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con cũng có đủ điều kiện để trực tiếp thực hiện. Ví dụ như trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, nhưng do dịch bệnh nên người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con đang ở nước ngoài chưa thể về Việt Nam để yêu cầu thay đổi quyền nuôi con ngay được. Trong trường hợp này có thể thấy rằng chấp nhận việc ủy quyền đối với yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là hợp lý, nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả, rất mong nhận được trao đổi từ những độc giả có quan tâm./.

Ảnh: Internet

THS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật VNU –HCM)