70 năm ấy biết bao nhiêu tình…
Ngày 19/1/2024, trước thềm xuân mới Giáp Thìn, Tạp chí TAND tổ chức Gặp mặt Kỷ niệm 70 năm Tạp chí TAND xây dựng và phát triển, trong không khí ấm áp ân tình.
Tới dự buổi Gặp mặt kỷ niệm chung vui với Tập thể Tạp chí TAND có các thành viên Hội đồng biên tập: TS Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án thường trực TANDTC; PGS.TS. Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTW; TS Nguyễn Thúy Hiền, nguyên Phó Chánh án TANDTC; GS.TSKH Lê Cảm, PGS.TS Trịnh Tiến Việt, Trường Đại học Luật ĐHQGHN; GS.TS Nguyễn Minh Đoan, Trường Đại học Luật Hà Nội; GS.TS Võ Khánh Vinh, Viện Hàn lâm KHXHVN; GS.TS Đỗ Văn Đại, TBT Tạp chí Khoa học pháp lý; PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, Ban Nội chính TƯ; PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Học viện Tư pháp.
Buổi gặp mặt có các cộng tác viên tiêu biểu tại Hà Nội như: Thiếu tướng, TS Nguyễn Mai Bộ, nguyên Phó Chánh án TAQSTW; TS Đinh Thế Hưng, Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật; TS Nguyễn Hải An, giảng viên Học viện Tòa án; NCS Chu Thơm, Vụ 2 TANDTC…
Tạp chí còn nhận được lẵng hoa chúc mừng của TS Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, nguyên Tổng biên tập Tạp chí và rất nhiều lẵng hoa chúc mừng và sự hiện diện của đại diện các đối tác truyền thông trong cả nước.
Các vị lãnh đạo Tạp chí TAND qua các thời kỳ có mặt khá đông đủ. Đó là ông Nguyễn Gia Cương, ông Ngô Cường, ông Lê Phúc Hỷ cùng với các thế hệ biên tập viên, phóng viên, nhân viên của Tạp chí. Đó là các ông bà: Đoàn Xuân Trường, Phạm Thanh Bình, Ngô Thị Huê, Trịnh Thanh Huyền, Nguyễn Thị Nhanh, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Hoa Mai, Nguyễn Cảnh Dinh...
Đây cũng là dịp Tạp chí hội tụ đầy đủ Ban lãnh đạo Tạp chí, Tổng biên tập Trần Quốc Việt, các Phó Tổng biên tập Vũ Thúy Hòa, Nguyễn Thị Hải Châu, Tạ Đình Tuyên và các biên tập viên, các phóng viên ba miền.
Tổng biên tập Trần Quốc Việt phát biểu
Mở đầu buổi gặp mặt, Tổng biên tập Trần Quốc Việt phát biểu bày tỏ niềm vui mừng được đón tiếp các vị nguyên lãnh đạo TANDTC, các thành viên Hội đồng biên tập, các cộng tác viên, các đối tác truyền thông và các thế hệ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, nhân viên của Tạp chí qua các thời kỳ, cùng các cán bộ, các phóng viên khắp cả nước về dự buổi gặp mặt đặc biệt này. Tạp chí TAND đã trải qua tròn 70 năm xây dựng và phát triển, với sự đóng góp của rất nhiều thế hệ lãnh đạo, biên tập viên, nhân viên, cộng tác viên… Từ những nền tảng vững chắc mà các thế hệ đi trước đã xây dựng, hôm nay Tạp chí có bước phát triển lớn mạnh. Những ân tình đó vô cùng sâu nặng, các thế hệ hôm nay luôn biết ơn và cố gắng để xứng đáng với các thế hệ đi trước.
Tổng biên tập cũng bày tỏ tấm lòng biết ơn và ngưỡng mộ đối với đạo đức, tác phong và những cống hiến to lớn đối với hệ thống TAND nói chung và với Tạp chí TAND nói riêng của cố Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương, Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí.
Không có điều kiện mời đông đủ các vị lãnh đạo, các cựu biên tập viên, phóng viên và cộng tác viên, đối tác cả nước, nhưng đây cũng là dịp để tập thể Tạp chí TAND bày tỏ lòng tri ân đối với những tình cảm, sự quan tâm, đóng góp quý báu mà quý vị dành cho Tạp chí những năm qua.
Thành viên Hội đồng biên tập chụp ảnh lưu niệm với tập thể lãnh đạo Tạp chí
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã xem Video Clip về 70 năm xây dựng và phát triển của Tạp chí, điểm lại lịch sử của Tạp chí từ số đầu tiên mang tên Nội san Tư pháp, tiền thân của Tạp chí TAND ra đời trong kháng chiến chống Pháp, cho đến ngày nay. Trải qua rất nhiều đổi thay từ tên của ấn phẩm đến các cơ quan quản lý, nhưng Tạp chí luôn luôn bám sát thực tiễn pháp luật cũng như hoạt động xét xử của TAND.
TS Đặng Quang Phương đã có những nhận xét, đánh giá cao vai trò và đóng góp của Tạp chí đối với sự phát triển của hệ thống TAND cả về phương diện lý luận, nghiên cứu và thực tiễn. TS Nguyễn Thúy Hiền bày tỏ niềm vui khi Tạp chí có Tạp chí điện tử, bắt kịp yêu cầu chuyển đổi số, để Tạp chí được lan tỏa rộng rãi, thuận tiện cho việc truy cập một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Cựu lãnh đạo, biên tập viên, nhân viên của Tạp chí
Sau khi xem clip, ban tổ chức trân trọng mời các đại biểu, các vị tiền bối của Tạp chí phát biểu ý kiến. PGS.TS Trần Văn Độ cho biết, ông đã có 37 năm cộng tác viết bài liên tục cho Tạp chí TAND. Bài đầu tiên sau khi từ Liên Xô về nước của ông được đăng trên Tạp chí này. Cho đến nay, ông vẫn viết bài gửi đăng Tạp chí TAND dù điểm khoa học không cao nhưng lượng bạn đọc rất cao. Ông chia sẻ: “Tôi đi công tác, có nhiều người đến chào và nói rằng họ đã đọc rất nhiều bài tôi đăng trên Tạp chí TAND. Hóa ra nhiều người biết tôi qua Tạp chí TAND chứ không hẳn vì vị trí công tác của mình”.
Ông cho rằng thế mạnh của Tạp chí TAND là bám sát thực tiễn áp dụng pháp luật, thực tiễn xét xử, tháo gỡ vướng mắc bên cạnh việc tuyên truyền kiến thức pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý.
Ông Ngô Cường, nguyên Tổng biên tập Tạp chí, nguyên Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế TANDTC chia sẻ về lịch sử ra đời của Tạp chí. Ngày 15/1/1954 Nội san Tư pháp ra đời, do Bộ Tư pháp xuất bản và chỉ lưu hành nội bộ. Khi đó cơ quan xét xử và cơ quan công tố đều thuộc về Tòa án, ở trong Bộ Tư pháp. Đến năm 1958, thành lập TANDTC và Viện công tố Trung ương, sau đổi là VKSNDTC thì Bộ Tư pháp giải thể, bộ phận nghiên cứu pháp luật chuyển sang TANDTC thành Vụ nghiên cứu pháp luật. Do đó, nội san Tư pháp do TANDTC xuất bản. Nhắc lại như thể để thấy rõ đây là một quá trình 70 năm Tạp chí phát triển liên tục.
“Năm 1984, kỷ niệm 30 năm xuất bản số đầu tiên, Ban cán sự Đảng, HĐTP TANDTC đã đề nghị và Hội đồng Nhà nước đã tặng Tập san Tòa án Huân chương Lao động hạng Ba. Khi đó TANDTC tổ chức lễ đón nhận Huân chương rất trang trọng, Chánh án Phạm Hưng thay mặt Hội đồng Nhà nước trao cho Tập san Huân chương cao quý này. Trong clip chúng ta vừa xem có tấm ảnh đó. Đó là một sự ghi nhận và một dấu mốc không thể nào quên” – ông Ngô Cường bày tỏ.
Về hoạt động của Tạp chí, ông Ngô Cường chia sẻ: Thế mạnh của Tạp chí TAND là bám sát hoạt động xét xử, được xác định từ lâu là hướng dẫn về đường lối, chính sách pháp luật và phổ biến kinh nghiệm công tác xét xử nhằm góp phần bồi dưỡng về chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ Tòa án, ông mong rằng Tạp chí phát huy truyền thống đó.
Các vị đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Tập thể Tạp chí
Nhà báo Nguyễn Gia Cương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí TAND là một người công tác nhiều năm ở Tạp chí, chia sẻ những kỷ niệm về Tạp chí, bày tỏ lòng trân trọng đối với các cộng tác viên. Ông nói: Những năm 1990, các tác giả Lê Cảm, Trần Văn Độ, Đặng Quang Phương, Võ Khánh Vinh, Phạm Hồng Hải… cộng tác rất tích cực, những bài viết của các tác giả được đào tạo từ nước ngoài, được bạn đọc đánh giá cao và chúng tôi là các biên tập viên cũng qua đó học hỏi nâng cao trình độ của mình, các vị cộng tác viên cũng là những người thầy mà chúng tôi học tập qua các bài viết đó. Vì thế, xây dựng, thu hút được đội ngũ cộng tác viên giỏi, nhiệt tình là hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Tạp chí.
Nhà báo Lê Phúc Hỷ, nguyên Phó Tổng biên tập phụ trách tạp chí cũng chia sẻ nhiều kỷ niệm và nhấn mạnh ưu thế của Tạp chí là vừa nghiên cứu vừa bám sát thực tiễn. Bạn đọc thông qua Tạp chí tìm được lời giải cho vướng mắc họ gặp trong thực tiễn xét xử là đóng góp rất quý báu của Tạp chí. Ông mong rằng Tạp chí luôn được bạn đọc trong và ngoài hệ thống TAND đón đọc.
Tập thể Tạp chí tại buổi gặp mặt
Buổi gặp mặt là cơ hội quý giá để các thế hệ biên tập viên, phóng viên, nhân viên của Tạp chí được hội tụ, gặp lại nhau qua nhiều năm tháng chuyển công tác hoặc nghỉ hưu và giao lưu giữa các thế hệ. Những câu chuyện thăm hỏi, những cái nắm tay nồng ấm, những lời chúc tụng và cùng nhau nâng cốc với một bữa tiệc đông đủ trong không gian ngập tràn hoa tươi và không khí của mùa xuân Giáp Thìn 2024 đang đến bên thềm, mang lại cho mọi người những cảm xúc tươi mới, hân hoan…
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận