A phạm tội Mua bán người với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 150 BLHS

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Nguyễn Vũ Hoàng đăng ngày 20/7/2022 tôi cho rằng, sau khi thực hiện xong hành vi mua chị C, trong quá trình sinh sống, A đã đánh đập chị C với tỷ lệ thương tích là 40%, A phạm tội “Mua bán người” với tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 150 BLHS.

Theo vụ án được đưa ra, do bố mẹ giục hối thúc có con dâu để phụng dưỡng tuổi già, Nguyễn Văn A nảy sinh ý định mua một người về làm vợ. Qua lời giới thiệu, A đã mua chị C (20 tuổi) với giá 200 triệu đồng. Trong quá trình sinh sống, chỉ vì C làm vỡ bình hoa mà A đã đánh đập C làm C bị thương tích với tỉ lệ 40%. Theo quy định tại khoản 1 Điều 150 BLHS, có 3 nhóm hành vi được coi là hành vi phạm tội của tội mua bán người. Nhóm hành vi thứ nhất đó là nhóm hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để chuyển giao có kèm theo việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hay nói cách khác, người phạm tội đã thực hiện việc trao đổi mua bán nạn nhân như hàng hóa. Nhóm hành vi thứ hai là nhóm hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác. Nhóm hành vi thứ ba là nhóm hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi thuộc nhóm thứ nhất hoặc thứ hai. Cả ba nhóm hành vi trên người phạm tội rõ ràng thực hiện với lỗi cố ý. Trong vụ án trên, A đã đồng ý mua chị C với giá 200 triệu đồng về làm vợ, do đó hành vi của A thuộc nhóm hành vi phạm tội thứ nhất đó là tiếp nhận người kèm theo hành vi trả tiền. Do đó A đã phạm tội Mua bán người theo quy định tại Điều 150 BLHS.

Tuy nhiên, sau khi đã mua được chị C với giá 200 triệu đồng về làm vợ, trong quá trình chung sống, A đã đánh chị C gây thương tích cho chị 40%. Vậy vấn đề được đưa ra trao đổi là ngoài phạm tội mua bán người, A có phải chịu trách nhiệm thêm về tội Cố ý gây thương tích hay không? Hay chỉ phải chịu tội Mua bán người với tình tiết định khung tăng nặng?

Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hướng dẫn trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có nhiều hành vi phạm tội: “Trường hợp trong quá trình thực hiện hành vi mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, người phạm tội còn thực hiện các hành vi phạm tội khác thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khác tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự.” Xem xét các tình tiết định khung tăng nặng: Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 150 BLHS; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. Đây là các trường hợp nạn nhân của tội phạm bị tổn hại về sức khỏe thực thể hoặc sức khỏe tâm thần ở mức độ rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng trong quá trình mua bán hoặc do bị mua bán. Các tình tiết này đã được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 150 BLHS nên khi áp dụng, tôi cho rằng sẽ áp dụng các tình tiết định khung với điều luật tương ứng mà không coi là một tội phạm độc lập.

Đối với hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP, đó là trường hợp, người phạm tội đã gây thương tích cho nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS. Đây là trường hợp không được quy định là tình tiết định khung tăng nặng của tội Mua bán người nên để đảm bảo xử lý triệt để tội phạm, cần thiết phải truy tố người phạm tội về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS.

Ngoài ra, tham khảo Công văn số 233/TANDTC-PC về việc trao đổi nghiệp vụ có hướng dẫn xử lý trường hợp người thực hiện một hoặc nhiều hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của nhiều tội: “ Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn. Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.” Theo hướng dẫn trên, nếu người phạm tội thực hiện một chuỗi hành vi một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp mặc dù được thực hiện liên tiếp, hành vi này là điều kiện, là tiền đề để thực hiện hành vi sau nhưng vẫn chỉ bị truy tố về một tội phạm. Ví dụ đối với hành vi dùng vũ lực gây thương tích cho nạn nhân để cướp tài sản, người phạm tội vừa gây thương tích cho nạn nhân, vừa cướp tài sản nhưng chỉ phải chịu trách nhiệm về tội Cướp tài sản.

 Theo đó, ta thấy rằng, trong vụ án trên, ngoài thực hiện hành vi mua bán người, A còn thực hiện hành vi Cố ý thương tích cho chị C. A đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của chị C và xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe của chị, mặc dù hành vi mua bán người là tiền đề, là điều kiện để thực hiện hành vi cố ý gây thương tích bởi chỉ có mua được chị C thì mới có thể có hành vi đánh đập chị C trong quá trình chung sống, nhưng bởi lẽ hành vi gây thương tích đã được quy định là tình tiết định khung tăng nặng trong tội mua bán người nên A chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Mua bán người với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 150 BLHS.

Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý bạn đọc và đồng nghiệp./.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng xét xử vụ án Mua bán người dưới 16 tuổi - Ảnh: Thanh Duyên

 

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)-