A, T và H đều là bị hại trong vụ án

-Sau khi nghiên cứu bài viết của các tác giả Nguyễn Xuân Kỳ, Vũ Văn Hoàng bàn về vấn đề ai là bị hại trọng vụ án Cưỡng đoạt tài sản, tôi cho rằng cả A, H và T đều là bị hại.

Theo khoản 1 Điều 170 BLHS quy định: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Hành vi khách quan của tội Cưỡng đoạt tài sản đó là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác. Hành vi đe dọa dùng vũ lực là hành vi dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe nếu không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Giữa hành vi đe dọa dùng vũ lực và việc dùng vũ lực có khoảng cách về mặt thời gian, không xảy ra ngay tức khắc như tội Cướp tài sản.Việc đe dọa dùng vũ lực chưa đến mức làm tê liệt ý chí chống cự của người bị đe dọa mà chỉ có khả năng khống chế ý chí của họ. Người bị đe dọa vẫn có thời gian để suy nghĩ có thực hiện theo yêu cầu của người phạm tội hay không. Ngoài hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực, người phạm tội có thể có hành vi khác uy hiếp tinh thần như đe dọa sẽ làm lộ thông tin bí mật cá nhân, đe dọa sẽ làm hư hỏng tài sản,… Điều luật không giới hạn những thủ đoạn dùng để uy hiếp tinh thần trong tội Cưỡng đoạt tài sản mà bất kỳ thủ đoạn nào uy hiếp đến ý chí của người khác đều là hành vi uy hiếp tinh thần.

Dấu hiệu mục đích là dấu hiệu bắt buộc trong tội Cưỡng đoạt tài sản. Mục đích của việc sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác là chiếm đọa tài sản. Nếu chỉ đe dọa mà không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì không cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Do đó có thể thấy, tội Cưỡng đoạt tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức. Thời điểm hoàn thành của tội phạm này được tính từ lúc người phạm tội thực hiện xong hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc hành vi khác uy hiếp tinh thần kèm theo yêu cầu giao tài sản với mục đích chiếm đoạt. Việc đã chiếm đoạt được tài sản không phải dấu hiệu bắt buộc. Trong vụ án tác giả đưa ra, trong nhà sinh hoạt cộng đồng có L, H, A, T và Ksor V, Ksor Y và một số đối tượng. L nói: Trong vòng 10 phút tụi mày phải nộp số tiền 20.000.000đ, nếu không tao sẽ chặt tay thằng nhỏ này (nói và chỉ tay vào người H), xong sẽ xử lý tụi mày”. Ở đây H đã có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực, cụ thể đe dọa sẽ chặt tay H nếu không được đáp ứng yêu cầu đưa 20 triệu đồng. Rõ ràng trong tình huống tác giả đưa ra, L đã đe dọa sẽ chặt tay H, có cả H, A và T trong phòng, L cũng nói “…Xong sẽ xử lý tụi mày” nên xác định L đang đe dọa sẽ sẽ dùng vũ lực đối với H, A và T. Việc đe dọa sẽ chặt tay của H đã khống chế ý chí của A, H và T, khiến họ sợ hãi và phải đưa số tiền 20 triệu cho L.

Như đã phân tích ở trên, Tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành tội phạm hình thức, chỉ cần thực hiện xong hành vi khách quan là tội phạm đã hoàn thành, không yêu cầu có thiệt hại xảy ra. Như vậy, tội Cưỡng đoạt tài sản đã hoàn thành kể từ khi L có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực, uy hiếp về mặt tinh thần với H, A và T nhằm chiếm đoạt được số tiền 20 triệu. Việc đe dọa đó không chỉ đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần A và T mà còn đe dọa trực tiếp đến H. Nếu L không lấy được tiền thì sẽ xử lý cả ba người H, A và T. Do đó, tôi cho rằng, cả H, A và T đều là bị hại trong vụ án.

Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý độc giả và đồng nghiệp./.

 

Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Hà Thị Thủy

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7)