Ai có thẩm quyền ra lệnh tạm giam khi bản án chưa có hiệu lực?

Hiện nay, một số trường hợp bị cáo bỏ trốn bị truy nã nhưng vẫn không có kết quả, Tòa án xét xử vụ án vắng mặt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 290 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án chưa có hiệu lực pháp luật, bị cáo bị bắt theo quyết định truy nã, vậy trường hợp này, ai có thẩm quyền ra lệnh tạm giam. Vấn đề này, hiện nay còn quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất, cho rằng cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền ra lệnh tạm giam.

Quan điểm thứ hai, cho rằng Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định tạm giam.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định rõ thẩm quyền này. Tuy nhiên, cần căn cứ vào hiệu lực của bản án sơ thẩm để xác định tư cách tố tụng của “người bị kết án”. Do bản án chưa có hiệu lực pháp luật (đang trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị), nên người bị kết án vẫn giữ tư cách tố tụng là bị cáo. Việc xác định như vậy, cũng phù hợp với quy định tại Điều 329 của Bộ luật Tố tụng hình sự về bắt tạm giam “bị cáo” sau khi tuyên án.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 114, điểm c khoản 2 Điều 119 của Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan đã ra quyết định truy nã ra lệnh tạm giam đối với trường hợp nêu trên. Mặc dù, vụ án không còn trong giai đoạn điều tra, nhưng việc áp dụng Điều 114 về thẩm quyền tạm giam là phù hợp, bởi Điều này thuộc Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, để việc tạm giam người bị truy nã bảo đảm thi hành án phù hợp với các quy định khác có liên quan của Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự thì thời hạn này có thể áp dụng tương tự như khoản 3 Điều 329 của Bộ luật Tố tụng hình sự là 45 ngày, tính từ ngày bị bắt.

Ảnh minh họa (nguồn: vksndtc)

SONG MAI (Vụ Pháp chế và QLKH, TANDTC)