Quy định về lãi, lãi suất và thỏa thuận lãi suất theo hợp đồng tín dụng
Bài viết phân tích các quy định của pháp luật về lãi, lãi suất và thỏa thuận điều chỉnh lãi suất giữa các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) với khách hàng trong hợp đồng tín dụng (HĐTD), thực trạng pháp luật, thực tiễn áp dụng và đề xuất, kiến nghị.
1. Áp dụng pháp luật để xác định mức lãi suất cho vay đối với HĐTD giữa các TCTD với khách hàng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Qua quy định này cho thấy đã loại trừ việc áp dụng mức lãi suất trần cho vay là 20% trong trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định: “Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các TCTD với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác”. Và tại khoản 2 và khoản 3 Điều 91 Luật các TCTD năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “2. TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật; 3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của TCTD”.
Qua quy định của các luật chuyên ngành cho thấy chỉ trong trường hợp có diễn biến bất thường thì mới có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước bằng việc quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa TCTD và khách hàng, còn trong điều kiện bình thường thì lãi suất cho vay giữa các TCTD với khách hàng theo cơ chế tự thỏa thuận mà không có lãi suất trần.
Như vậy, quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 đã loại trừ việc áp dụng mức lãi suất trần 20%/năm đối với hoạt động cho vay của TCTD, mà lãi suất cho vay đối với HĐTD giữa các TCTD với khách hàng sẽ được điều chỉnh bởi Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các TCTD. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật các TCTD cho thấy việc xác định lãi suất trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD được áp dụng theo cơ chế tự thỏa thuận, nhưng lại kèm theo cụm từ “theo quy định của pháp luật”. Do đó, có quan điểm cho rằng, “việc này sẽ làm cho các TCTD, khách hàng có quan hệ tín dụng với các TCTD và các cơ quan chức năng thực thi pháp luật lúng túng không biết áp dụng theo pháp luật về tín dụng ngân hàng (không áp dụng trần lãi suất cho vay) hay theo pháp luật dân sự (áp dụng trần lãi suất cho vay), nên cần phải có quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc áp dụng lãi suất này”.[1] Hoặc quan điểm khác lại cho rằng, qua quy định nêu trên cho thấy “thực tế khi áp dụng hoạt động cho vay các TCTD cần phải dẫn chiếu ngược lại quy định của BLDS năm 2015 thỏa thuận không được vượt quá mức 20%/năm. Việc dẫn chiếu qua lại lẫn nhau của các văn bản này đang gây lúng túng trong việc áp dụng pháp luật cho các ngân hàng, TCTD và Tòa án chưa có sự thống nhất cụ thể nếu có tranh chấp về lãi suất cho vay các Tòa án lập luận áp dụng mức khác nhau (dân sự hay kinh doanh thương mại)”.[2]
Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm” (gọi tắt là Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP) quy định về áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong HĐTD: “1. Lãi, lãi suất trong HĐTD do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật các TCTD và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật các TCTD tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất; 2. Khi giải quyết tranh chấp HĐTD, Tòa án áp dụng quy định của Luật các TCTD, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật các TCTD để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 để xác định lãi, lãi suất”.
Có lẽ quy định nêu trên đã tiếp nối cho quan điểm “mặc dù mức lãi suất mà TCTD cho vay cao đến đâu, miễn không chạm mức lãi suất do pháp luật hình sự cấm thì đều được công nhận”[3]. Quan điểm khác cho rằng, “bản chất lãi suất cho vay giữa các TCTD và khách hàng (cá nhân, pháp nhân) là sự thỏa thuận giữa hai bên nhưng không có nghĩa là các TCTD và khách hàng muốn thỏa thuận về lãi suất bao nhiêu cũng được, mà theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng” (gọi tắt là Thông tư số 39/2016/TT-NHNN), thì trong một số trường hợp (05 lĩnh vực)[4] cho vay thì mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số như cầu vốn”.[5] Tuy nhiên, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN chỉ cho phép Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong 05 lĩnh vực được ưu tiên mà không phải trong tất cả các lĩnh vực cho vay của các ngân hàng và TCTD.
2. Xác định lãi suất, điều chỉnh lãi suất trong HĐTD kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm
Trước đây, pháp luật để trống khoảng thời gian tính lãi kể từ thời điểm Toà án cấp sơ thẩm tuyên án cho đến khi Toà án phúc thẩm tuyên án (trong trường hợp có kháng cáo hoặc kháng nghị). Đây là một khoảng thời gian tương đối khá dài, bởi vì sau khi án sơ thẩm tuyên phải trải qua khoảng thời gian 30 ngày để chờ xem án có bị kháng cáo, kháng nghị hay không, nếu án sơ thẩm có kháng cáo hoặc kháng nghị thì phải chờ thêm khoảng thời gian chuyển hồ sơ vụ án lên cấp phúc thẩm (khoảng 05 ngày làm việc), thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm (tối đa 02 tháng), thời gian hoãn phiên tòa hoặc ngừng phiên toà (tối đa 30 ngày) và chưa kể đến trường hợp phải chờ thời gian tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm (không có thời hạn ấn định mà phụ thuộc vào kết quả cung cấp, trả lời của các cơ quan có liên quan)[6]. Do đó, đối với các HĐTD giữa ngân hàng, TCTD có thỏa thuận lãi, nhưng không được tính lãi trong khoảng thời gian này sẽ gây thiệt hại đáng kể cho các ngân hàng và TCTD do không được tính lãi.
Tuy nhiên, đến ngày 17/10/2016, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua Án lệ số 08/2016/AL và được Chánh án TANDTC công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016. Theo đó, Án lệ số 08/2016/AL đã đưa ra tình huống án lệ như sau: “Trong HĐTD, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm: Lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, TCTD cho vay mà đến thời điểm xét xử sơ thẩm khách hàng vay chưa thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi theo HĐTD”.
Giải pháp pháp lý để giải quyết tình huống án lệ như sau: “Trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho ngân hàng, TCTD khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, TCTD cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng, TCTD cho vay”.
Có thể nhận thấy, án lệ đã khắc phục sự bất hợp lý trước đây khi có sự điều chỉnh thống nhất về mức lãi suất liên tục từ thời điểm giao kết hợp đồng cho đến khi thực hiện xong nghĩa vụ trong hợp đồng mà không có sự thay đổi phụ thuộc vào thời điểm xét xử sơ thẩm của Tòa án. Về tính ứng dụng của án lệ cho thấy “nội dung án lệ là về cách tính thời hạn, mức lãi suất sau khi có phán quyết sẽ được áp dụng cho việc giải quyết các hợp đồng vay tài sản của các TCTD mà trong hợp đồng hai bên có thỏa thuận về tính lãi liên tục đối với phần nghĩa vụ chưa thực hiện. Khi giải quyết các tranh chấp về HĐTD cơ quan tài phán có quyền áp dụng tương tự án lệ này”[7].
Tuy nhiên, tác giả cho rằng, án lệ cũng bộc lộ sự hạn chế trong việc giới hạn quan hệ áp dụng là quan hệ HĐTD giữa một bên chủ thể là TCTD và một bên chủ thể là khách hàng, đó là đối với quan hệ vay tài sản có thỏa thuận lãi giữa các cá nhân với nhau nhưng lại không thuộc trường hợp áp dụng án lệ.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, thì: “Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, TCTD và khách hàng phải thoả thuận nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì TCTD áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất”. Có thể nhận thấy, quy định này nêu lên nguyên tắc áp dụng lãi suất thấp nhất, có lợi cho bên vay nếu lãi suất điều chỉnh sẽ dẫn đến nhiều mức lãi suất cho vay khác nhau.
Đến ngày 11/01/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP quy định về điều chỉnh lãi, lãi suất tại Điều 10 như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi, lãi suất cho vay thì lãi, lãi suất cho vay được xác định theo thỏa thuận của các bên và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi, lãi suất có hiệu lực tại thời điểm điều chỉnh lãi, lãi suất”. Như vậy, có thể nhận thấy quy định này mang tính nguyên tắc. Khi nghị quyết này được thông qua đã có quan điểm cho rằng, “kể từ ngày 15/3/2019 (ngày Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành) đồng nghĩa với việc Án lệ số 08/2016/AL cũng bị đương nhiên bãi bỏ do nội dung án lệ đã có quy phạm pháp luật điều chỉnh”[8].
3. Quan điểm và đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, với những khó khăn, vướng mắc như đã phân tích trên dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng pháp luật về mức lãi suất cho vay của các ngân hàng, TCTD. Có phải chăng BLDS năm 2015 quy định về mức lãi suất trần, các ngân hàng, TCTD sẽ không thể cho vay đối với các khoản vay có giá trị cao điều này dễ gặp rủi ro. Sự quy định này mang tính cứng nhắc, trái với nguyên tắc của thị trường, không phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế của Việt Nam về cải cách hệ thống ngân hàng khi gia nhập WTO[9]. Do đó, tác giả cho rằng, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cần phải văn bản hướng dẫn rõ sự thỏa thuận về mức lãi suất giữa các ngân hàng, TCTD với khách hàng theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và phải đặt ra các tiêu chí cụ thể để điều chỉnh lãi, lãi suất và bổ sung quy định điều chỉnh lãi suất biến động trong quan hệ HĐTD.
Thứ hai, tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng[10], dưới góc độ khoa học có thể mở rộng biên độ, phạm vi áp dụng cho việc giải quyết các hợp đồng vay tài sản của các chủ thể khác không phải là TCTD, nhưng nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và trong hợp đồng không thỏa thuận có điểm dừng trong việc tính lãi thì cũng có thể được áp dụng tương tự án lệ này về tính liên tục của việc tính lãi quá hạn.
Thứ ba, với những thực trạng quy định về lãi suất nêu trên đã dẫn đến có nhiều quan điểm cho rằng, mức lãi suất TCTD cho vay trong hạn có thể lên đến 45%/năm hoặc cao hơn nữa, miễn là dưới 100%/năm là không vi phạm pháp luật, vì đây là sự thỏa thuận của TCTD và người vay phù hợp với Luật các TCTD và Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.[11] Do đó, tác giả cho rằng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch, hạn chế phát sinh tranh chấp xảy ra, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cần có văn bản hướng mức lãi suất cho vay tối đa đối với các loại hình cho vay.
[1] Phòng 9, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình, “Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng”, đăng trên Trang thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình, https://vksninhbinh.gov.vn/mot-so-de-xuat-hoan-thien-phap-luat-ve-hop-dong-trong-linh-vuc-tin-dung-ngan-hang-186.html, ngày 26/5/2020
[2] Nguyễn Thị Thu Thủy, “Hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực thi hợp đồng tín dụng tại ngân hàng thương mại”, https://vpluatsutranluat.vn/phap-ly/hoan-thien-phap-luat-nham-nang-cao-hieu-qua-thuc-thi-hop-dong-tin-dung-tai-ngan-hang-thuong-mai,
[3] Lê Thành Biên, “Bàn về lãi suất hợp đồng tín dụng trong loại hình vay tín chấp”, đăng trên Trang thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp, https://vksnd.dongthap.gov.vn/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/3976741 ngày 26/11/2020
[4] Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN: “2. TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn: a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại; c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao”.
[5] Lương Hữu Hải, “Quy định về lãi suất và hậu quả xác định mức lãi suất trong giao dịch dân sự đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, đăng trên Trang thông tin điện tử Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, https://tkshcm.edu.vn/quy-dinh-ve-lai-suat-va-hau-qua-xac-dinh-muc-lai-suat-trong-giao-dich-dan-su-doi-voi-toi-cho-vay-lai-nang-trong-giao-dich-dan-su/?fbclid=IwAR2rmgtfzSxMyy19VXxXEsopfOpOcReDccoZhyBUVJS_B3zd0X3ErfrMRXo_aem_AV4cgK_4Q5Iv8g5lF4Qj4Cqpa9HMbIZyjlqB8pPjV3ZTysDTBa6kq_TF2-OYJAF4v18 ngày 27/11/2021
[6] Được quy định tại các điều 273, 280, 283, 286, 288 và 296 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[7] Tưởng Duy Lượng, “Việc xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm”, đăng trên Tạp chỉ Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/ve-xac-dinh-lai-suat-viec-dieu-chinh-lai-suat-trong-hop-dong-tin-dung-ke-tu-ngay-tiep-theo-cua-ngay-xet-xu-so-tham, ngày 12/02/2020
[8] Nguyễn Xuân Bình, “Án lệ 08/2016/AL đương nhiên bị bãi bỏ”, đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://www.tapchitoaan.vn/an-le-08-2016-al-duong-nhien-bi-bai-bo ngày 14/12/2019
[9] Nguyễn Thị Thu Thủy, “Hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực thi hợp đồng tín dụng tại ngân hàng thương mại”, https://vpluatsutranluat.vn/phap-ly/hoan-thien-phap-luat-nham-nang-cao-hieu-qua-thuc-thi-hop-dong-tin-dung-tai-ngan-hang-thuong-mai.
[10] Tưởng Duy Lượng, “Việc xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm”, đăng trên Tạp chỉ Tòa án nhân dân điện tử: https://tapchitoaan.vn/ve-xac-dinh-lai-suat-viec-dieu-chinh-lai-suat-trong-hop-dong-tin-dung-ke-tu-ngay-tiep-theo-cua-ngay-xet-xu-so-tham, ngày 12/02/2020
[11] Lê Thành Biên, “Bàn về lãi suất hợp đồng tín dụng trong loại hình vay tín chấp”, đăng trên Trang thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp, https://vksnd.dongthap.gov.vn/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/3976741 ngày 26/11/2020
Bài liên quan
-
Vay vốn tại OCB với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,1%/năm
-
Mastercard vinh danh thẻ tín dụng quốc tế SHB với giải thưởng “Sản phẩm với phong cách sống nổi bật”
-
KienlongBank triển khai những “giải pháp tín dụng” kịp thời, chung tay cùng người dân khắc phục hậu quả cơn bão số Yagi
-
Tính lãi quá hạn trong hợp đồng vay không ghi lãi suất
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận