Bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật thì B chưa có quyền chuyển nhượng

Trong bài “Điều kiện bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu do bản án, quyết định bị hủy, sửa”, đăng ngày 13/10/2022, TS. Đặng Thanh Hoa có nêu ra một ví dụ về trường hợp bản án, quyết định bị hủy, sửa là tiền đề cho sự xuất hiện của người thứ ba ngay tình, xin được trao đổi lại.

Tôi xin trích dẫn lại ví dụ ấy như sau: “A và B xác lập một hợp đồng cho mượn đất, trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và khởi kiện ra Tòa án. Tòa án tuyên bố B có quyền sở hữu đất. Trên cơ sở bản án của Tòa án, B bán mảnh đất cho C. Sau đó, A kháng cáo bản án sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm xét thấy tại phiên tòa sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, nên đã hủy bản án sơ thẩm, và tuyên A có quyền sở hữu đối với mảnh đất.

Trong ví dụ trên, C là người thứ ba đối với hợp đồng giữa A và B, và tư cách người thứ ba của C xuất hiện là do bản án của Tòa án cấp sơ thẩm bị hủy. Giả sử, bản án của Tòa án không bị hủy, thì giao dịch giữa B và C có hiệu lực như các giao dịch thông thường khác, khi đó C không còn là người thứ ba đối với hợp đồng giữa A và B mà ở đây và cũng không cần phải xem xét đến việc có hay không nên bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Do đó, có thể nhận định “bản án, quyết định bị hủy, sửa” là tiền đề xuất hiện người thứ ba ngay tình.”

Sau khi đối chiếu với nội dung của khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015, tôi thấy nảy sinh một số vấn đề nên xin mạnh dạn trao đổi ý kiến cùng tác giả của bài viết:

1. Trong ví dụ nêu trên, bản án sơ thẩm tuyên công nhận B có quyền sử dụng đất nhưng chưa có hiệu lực pháp luật.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 273 của BLTTDS năm 2015 thì các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn luật định. Kháng cáo là quyền của đương sự. Trên thực tiễn, sau khi tuyên án sơ thẩm, có thể có cũng có thể không có người kháng cáo, nhưng về nguyên tắc, khi chưa hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị thì bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, chưa có giá trị để thi hành, trừ một số ngoại lệ theo khoản 2 Điều 482 của BLTTDS.

Xét lại ví dụ đã nêu, vì bản án chưa có hiệu lực pháp luật mà B đã dựa vào đó để xác lập giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) với C là chưa đảm bảo tính “ngay tình” của giao dịch.

Trong trường hợp này, pháp luật buộc cả B và C đều phải biết rằng, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật thì B chưa có quyền chuyển nhượng QSDĐ cho C. Tuy xét về mặt câu chữ của khoản 2 Điều 133 BLDS thì không nói rõ là bản án đã có hiệu lực pháp luật hay chưa, mà chỉ nói chung chung là bản án, quyết định nhưng chúng ta vẫn nên hiểu theo hướng là bản án đã có hiệu lực (tôi xin trình bày rõ hơn ở mục 2 của bài viết). Do vậy, theo ví dụ đã nêu, khi C xác lập giao dịch chuyển nhượng QSDĐ với B thì C không thể được công nhận là “người thứ 3 ngay tình”.

Theo tôi, ví dụ trên sẽ hợp lý hơn nếu sau khi bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật (không bị kháng cáo, kháng nghị) mà B chuyển nhượng QSDĐ cho C, nhưng sau đó có Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và đã hủy bản án sơ thẩm thì trong trường hợp này C mới được coi là người thứ ba ngay tình.

2. Phải chăng có sự chưa chuẩn xác về mặt câu chữ trong khoản 2 Điều 133 của BLDS?

Đúng là về mặt câu chữ thì trong khoản 2 Điều 133 BLDS không nói là bản án có hiệu lực hay không, nhưng theo quan điểm cá nhân của tôi thì nên hiểu theo hướng là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Bởi vì, mục đích chính của điều luật này là hướng đến bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba ngay tình. Sự cần thiết phải có quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS là bởi, xét về mặt logic của sự việc thì giao dịch sau sẽ phải vô hiệu nếu giao dịch trước nó đã bị vô hiệu hoặc căn cứ xác lập quyền trước nó đã bị vô hiệu.

Do vậy, vẫn xét theo ví dụ trên, B bắt buộc phải là người sử dụng đất hợp pháp trước khi giao dịch với C. Chúng ta cũng biết rằng căn cứ xác lập quyền sở hữu theo quyết định của Tòa án là một trong những căn cứ xác lập quyền sở hữu theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của BLDS. Thực tế, tại Điều 8 của BLDS cũng không quy định rõ là quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hay chưa. Mặc dù trong BLDS không quy định minh thị “bản án có hiệu lực pháp luật” nhưng theo tôi vấn đề này đã được điều chỉnh cụ thể bởi BLTTDS và Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (Khoản 1 Điều 2) nên việc bỏ cụm từ “có hiệu lực” hoặc “có hiệu lực pháp luật” là vẫn hợp lý về mặt kỹ thuật lập pháp.

Như vậy, mặc dù nội dung của khoản 2 Điều 133 của BLDS không sử dụng cụm từ “có hiệu lực” hoặc “có hiệu lực pháp luật” vào sau cụm từ “bản án” nhưng chúng ta vẫn nên hiểu theo hướng là “bản án đã có hiệu lực pháp luật”. 

Thay lời kết luận: Xét về mặt logic, giao dịch trước là tiền đề cho giao dịch sau nên khi giao dịch trước bị vô hiệu thì nó làm ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch sau. Tuy nhiên quy định tại khoản 2 Điều 133 của BLDS nó mang tính như một giải pháp pháp lý cho một vấn đề có thể phát sinh trên thực tiễn. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đây là quy định hợp lý và cần thiết. Không chỉ vậy, dường như quy định bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong pháp luật dân sự ngày nay (khoản 2 Điều 133 BLDS) phần nào đó, phảng phất mang dấu ấn của một nguyên tắc có từ xa xưa “người không biết là người không có tội”.

 

TAND quận 10, TP HCM xét xử sơ thẩm vụ án dân sự - Ảnh: PV

 

Luật gia PHẠM VĂN TÍN