Tập đoàn GELEX: Từ thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp nhà nước đến tổng nợ tăng "chóng mặt"

Tính đến hết ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Tập đoàn GELEX (viết tắt GELEX) là hơn 47.000 tỷ đồng, nhưng tổng nợ của tập đoàn này lại lên tới hơn 33.639 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng từ hơn 13.379 tỷ đồng trong quý 1 lên hơn hơn 23.000 tỷ đồng trong quý 2. Còn nợ dài hạn cũng tăng từ hơn 7.987 tỷ đồng lên thành hơn 10.558 tỷ đồng.

Hàng loạt thương hiệu tên tuổi “mang họ” nhà nước rơi vào tay GELEX

Tập đoàn GELEX (mã chứng khoán: GEL) có địa chỉ tại 52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng (Hà Nội). GELEX tiền thân là Tổng Công ty Thiết bị kỹ thuật điện Việt Nam, được thành lập ngày 10/07/1990. Ngày 01/12/2010, Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức Công ty cổ phần. Ngành nghề kinh doanh gồm: Sản xuất công nghiệp thiết bị điện và vật liệu xây dựng; Hạ tầng điện, nước, đầu tư phát triển bất động sản, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp…

GELEX không chỉ được biết đến là một tập đoàn đa ngành nghề khi "thâu tóm" được hàng loạt những thương hiệu tên tuổi từng là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã khẳng định được vị thế trên thị trường như: Gạch men, thiết bị vệ sinh Viglacera, dây cáp điện Cadivi, Công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco)...

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn GELEX (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Đầu tiên, là vào cuối năm 2015, khi Bộ Công Thương chào bán hơn 122 triệu cổ phiếu GEX của GELEX (tương đương hơn 78,7% vốn điều lệ, thu về hơn 2.100 tỷ đồng) thông qua khớp lệnh trên sàn UPCoM chỉ trong vòng 30 phút sau mở cửa phiên giao dịch. Vào thời điểm đó, đây là một kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam và cũng là một sự kiện thoái vốn hi hữu của Nhà nước. Giới đầu tư cũng không biết ai là ông chủ thực sự của GELEX sau thương vụ thoái vốn của Bộ Công Thương.

Sau đó, thông tin công bố cho biết, công ty TNHH MTV Đầu tư GEX do doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1984, quê gốc tỉnh Hà Nam điều hành là cổ đông lớn nhất với gần 62 triệu cổ phiếu (hơn 23,1%); tiếp đó là công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư MB (5,04%); công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (4,36%); công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (3,09%). Hiện nay, ông Tuấn đang nắm chức Tổng giám đốc của Tập đoàn GELEX.

Mới đây, ngày 6/4/2021, Tập đoàn GELEX của doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn còn công bố đã hoàn thành việc nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 50% tại Tổng công ty Viglacera (doanh nghiệp trước đây trực thuộc Bộ Xây dựng). Được biết, GELEX đã đăng ký mua vào 22,5 triệu cổ phiếu VCG của Tổng công ty Viglacera trong thời gian từ ngày 8/3 đến ngày 6/4 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Kết quả, hết đợt chào mua, GELEX đã mua thêm hơn 18,5 triệu cổ phiếu VGC, nâng tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty và người liên quan lên hơn 225,1 triệu cổ phiếu tương đương với 50,21% vốn điều lệ Viglacera.

Như vậy, GELEX đã hoàn thành cam kết tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 với nhà đầu tư về việc hợp nhất kinh doanh VGC thông qua việc nâng sở hữu của GELEX tại VGC từ 46,07% lên 50,21%. Hiện nay, theo thông báo thì Viglacera chính thức trở thành công ty con của GELEX kể từ ngày 5/4/2021.

Tổng công ty Viglacera không chỉ nổi tiếng về sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh mà doanh nghiệp này đang được xem là “ông trùm” phát triển hạ tầng khu công nghiệp phía Bắc, với việc sở hữu nhiều khu công nghiệp nằm ở các vị trí vàng như: Tiên Sơn, Yên Phong, Yên Phong mở rộng (Bắc Ninh); Hải Yên, Đông Mai (Quảng Ninh); Phong Điền (Thừa Thiên – Huế), Tiền Hải (Thái Bình), Phú Hà (Phú Thọ), Đồng Văn IV (Hà Nam)… với tổng diện tích lên tới hàng nghìn hecta.

Tổng công ty Viglacera đang sở hữu hàng nghìn hecta đất khu công nghiệp, đất dự án khu đô thị...chính thức trở thành công ty con của Công ty CP Tập đoàn GELEX

Không chỉ có vậy, các dự án khu đô thị như: Tòa nhà 17 tầng Viglacera, nhà ở xã hội để cho thuê D15, D16 Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), Dự án số 671 Hoàng Hoa Thám, Khu đô thị Đặng Xá, Ngã 6 Bắc Ninh giai đoạn 1, Nhà ở thấp tầng Đại Mỗ, Nhà ở thấp tầng Tây Mỗ, Nhà OCT2 Xuân Phương...

Theo ước tính của GELEX, nguyên giá của bất động sản tính đến ngày 30/6/2021 bao gồm các bất động sản đã khấu hao hết nhưng vẫn còn cho thuê với giá trị lên tới hơn 4.500 tỷ đồng.

Dư luận cho rằng, sở dĩ, GELEX rốt ráo muốn "thâu tóm" Tổng công ty Viglacera không phải vì doanh nghiệp này nằm trong Top những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh hàng đầu ở nước ta hiện nay mà là vì Viglacera đang "sở hữu", nắm giữ hàng nghìn hecta đất "vàng" khu công nghiệp, đất dự án khu đô thị...nằm rải tác khắp các tỉnh, thành phố mới chính là điều GELEX nhắm tới.

Ngoài ra, GELEX còn sở hữu chi, phối các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu về dây và cáp điện là Công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi), Công ty Thiết bị điện Việt Nam (Thibidi), Công ty CP Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh (TBD)...

Tổng nợ tăng vọt

Việc sở hữu nhiều doanh nghiệp từng "mang họ" nhà nước không chỉ giúp vị thế của GELEX tăng cao mà còn "biến" GELEX trở thành một trong những tập đoàn đa ngành ở Việt Nam hiện nay.Tuy nhiên, việc tham gia nhiều lĩnh vực cũng khiến cho GELEX có tổng nợ rất lớn.

Tổng nợ của Công ty CP Tập đoàn GELEX đã tăng lên "đột biến"

Theo đó, kết thúc ngày 30/6/2021, Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của GELEX có tổng tài sản hơn 47.000 tỷ đồng nhưng tổng nợ của tập đoàn lên tới hơn 33.639 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng từ hơn 13.379 tỷ đồng trong quý 1 lên hơn hơn 23.000 tỷ đồng trong quý 2. Còn nợ dài hạn cũng tăng từ hơn 7.987 tỷ đồng lên thành hơn 10.558 tỷ đồng.

Điều đáng nói, những khoản nợ mà GELEX phải trả đều tăng vọt, đáng chú ý, những khoản nợ này, có khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là hơn 10.110 tỷ đồng, tăng hơn 5.781 tỷ đồng so với số nợ đầu kỳ, nợ phải trả ngắn hạn khác cũng từ hơn 2.624 tỷ đồng tăng lên hơn 4.239 tỷ đồng. Còn vay và nợ tài chính dài hạn cũng tăng đột biến từ hơn 7.752 tỷ đồng lên thành hơn 9.293 tỷ đồng, tức mức tăng lên gần 2.000 tỷ đồng. Nợ khó đòi và có khả năng mất vốn cũng tăng lên tới hơn 528 tỷ đồng (tăng gần 300 tỷ so với số đầu kỳ).

Những "chủ nợ" lớn của GELEX gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hơn 2.275 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) gần 2.200 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) hơn 1.100 tỷ đồng, Ngân hàng Quân đội (MB) gần 1.000 tỷ đồng...

Kết thúc quý 2/2021, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của GELEX cũng chỉ ở mức hơn 520 tỷ đồng, đây được xem là mức lãi có vẻ "khiếm tốn" đối với một tập đoàn có tổng tài sản ước tính lên tới hơn 47.000 tỷ đồng như GELEX.

Trang Anh