Tòa án đề xuất ngạch bậc Thẩm phán có ba cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán và dự bị

Dự thảo lần 2 Luật Sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã đưa ra những chính sách mới về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và Hoàn thiện quy định về các chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân. Đây là những vấn đề mới, là sự thay đổi quan trọng đối với hoạt động của hệ thống Tòa án.

1.Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia

Dự thảo đưa ra hai phương án. Phương án sửa đổi, bổ sung về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Phương án 2 là giữ nguyên quy định hiện hành về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia.

1.1.Mục tiêu và nội dung của phương án sửa đổi

Hoàn thiện các quy định về việc tuyển chọn, giám sát Thẩm phán; tạo cơ chế thích hợp để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng chiến lược phát triển của Tòa án; xây dựng chế độ, chính sách cho Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác nhằm thúc đẩy sự phát triển cũng như hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tòa án; đảm bảo tính độc lập giữa Toà án với các cơ quan lập pháp, hành pháp và độc lập giữa các Toà án.

Việc lựa chọn giải pháp này nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn về thành phần, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia tại Điều 70 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm đảm bảo hoạt động của Hội đồng mang tính thực chất, hiệu quả, khách quan.

Bảo đảm nguồn lực và các điều kiện bảo đảm cho các Tòa án hoạt động. Bảo vệ Thẩm phán, Hội thẩm; bảo đảm Thẩm phán hoạt động độc lập.

Sửa đổi tên gọi của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thành Hội đồng Tư pháp Quốc gia; bổ sung chức năng, nhiệm vụ hoạch định chính sách, đảm bảo biên chế, nguồn lực cho Toà án, giám sát việc thực hiện công tác quản trị nội bộ của Toà án; thay đổi thành phần tham gia Hội đồng để nâng cao hiệu quả hoạt động; giám sát công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật Thẩm phán; thực hiện việc bảo vệ Thẩm phán.

1.2. Giải pháp thực hiện

Sau khi sửa đổi tên gọi  thành “Hội đồng Tư pháp Quốc gia” là bổ sung một số nhiệm vụ mới, bao gồm: (1) Xây dựng chiến lược phát triển Tòa án nhân dân; (2) Xây dựng chế độ, chính sách cho Thẩm phán Tòa án nhân dân và các chức danh tư pháp khác trong Toà án; (3) Xác định và đề xuất biên chế; giám sát việc phân bổ biên chế của Tòa án; (4) Thẩm định, đề xuất kinh phí hàng năm cho các Tòa án báo cáo Quốc hội quyết định; giám sát việc phân bổ kinh phí, nguồn lực cho các Toà án nhân dân; (5) Giám sát việc khen thưởng, kỷ luật Thẩm phán; (6) Bảo vệ Thẩm phán.

Thành phần Hội đồng Tư pháp Quốc gia  cũng sửa đổi, bổ sung theo hướng: Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên gồm đại diện lãnh đạo một số Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chủ tịch nước giữ chức từ Thứ trưởng và tương đương trở lên; Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự trung ương và các Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao.

2. Về các chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân

2.1. Mục tiêu và nội dung của chính sách

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án, đặc biệt là đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án chuyên nghiệp, trí tuệ, bản lĩnh, tận tụy và công tâm; bảo đảm cơ cấu các chức danh tư pháp tại Tòa án hợp lý; bảo đảm chế độ chính sách đặc thù nhằm khuyến khích đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp tận tâm, cống hiến, gắn bó lâu dài với công việc, đồng thời thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác tại Tòa án; bảo vệ Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác khi thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện; cơ cấu ngạch, bậc, phân bổ các chức danh tư pháp và các chế độ chính sách đặc thù đối với từng chức danh tư pháp.

Lý do lựa chọn giải pháp của chính sách là nhằm khắc phục khó khăn trong việc phân bổ biên chế, điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm phán giữa các cấp Toà án, đặc biệt là việc luân chuyển Thẩm phán giàu kinh nghiệm xét xử, có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại các đơn vị Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao.

Bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các Thẩm phán, các cấp Tòa án.

Nâng cao chất lượng, uy tín nghề nghiệp của Thẩm phán đối với công chúng; khuyến khích định hướng, gia tăng sức hút nghề nghiệp trở thành Thẩm phán, Thẩm tra viên đối với nguồn nhân lực có trình độ, năng lực chuyên môn cao, qua đó tăng cơ hội tuyển chọn, phát triển nguồn lực cán bộ có chất lượng cho Toà án.

Giúp cho Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác yên tâm công tác, hạn chế tình trạng thôi việc, giữ chân những người có trình độ, tâm huyết với nghề.

Cải cách các thủ tục liên quan đến bổ nhiệm, tuyển chọn, nâng ngạch sẽ giảm các đầu mối thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài thời gian giải quyết không cần thiết.

2.2.Giải pháp thực hiện chính sách

Bổ sung quy định các chức danh tư pháp trong Toà án nhân dân gồm: Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Toà án.

2.2.1. Về Thẩm phán

Sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ Thẩm phán theo hướng xác định Thẩm phán là người thực hiện nhiệm vụ xét xử và thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm theo quy định của Luật.

Theo đó, Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn: thực hiện nhiệm vụ xét xử; tổng kết thực tiễn xét xử, áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; xây dựng và phát triển án lệ; quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân; xem xét, quyết định các văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của luật; thực hiện nhiệm vụ tham gia, phục vụ công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm theo sự phân công của Chánh án Tòa án; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo hướng gồm: thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán dự bị theo hướng: Thẩm phán dự bị thực hiện một số nhiệm vụ của Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử dưới sự giám sát của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc; không được chủ tọa phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Sửa đổi quy định về ngạch, bậc Thẩm phán theo hướng: Thẩm phán Tòa án nhân dân bao gồm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán và Thẩm phán dự bị.

Bổ sung quy định về bậc Thẩm phán theo hướng:

+ Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có 02 bậc, trong đó: bậc 01 (khi được bổ nhiệm làm Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao); bậc 02 (sau 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao).

+ Thẩm phán có 08 bậc, từ bậc 01 đến bậc 08.

+ Thẩm phán dự bị có 01 bậc.

Bổ sung quy định về việc phân bổ Thẩm phán tại các cấp Tòa án phù hợp với yêu cầu của hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp theo hướng tại Toà án nhân dân tối cao có Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thẩm phán và Thẩm phán dự bị; tại các Toà án khác có Thẩm phán và Thẩm phán dự bị.

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao theo hướng bổ sung tiêu chuẩn về thâm niên công tác pháp luật và số lượng vụ việc đã tham gia giải quyết, xét xử.

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán cho phù hợp với cơ cấu ngạch, bậc Thẩm phán mới.

Bổ sung quy định về quyền miễn trừ của Thẩm phán; quy định về đảm bảo an toàn cho Thẩm phán và gia đình của họ; quy định về chính sách người có công đối với Thẩm phán bị tổn hại sức khỏe, tính mạng vì lý do thực hiện công vụ.

Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với Thẩm phán theo hướng xác định thang, bảng lương riêng đối với từng ngạch, bậc Thẩm phán, tiến tới xây dựng chế độ tiền lương và các phúc lợi xã hội, khen thưởng, vinh danh đặc thù riêng đối với Thẩm phán.

2.2.2. Về Thẩm tra viên

Sửa đổi, bổ sung quy định về ngạch, bậc Thẩm tra viên theo hướng chỉ quy định một ngạch Thẩm tra viên với bậc, mức lương, chế độ chính sách tương ứng với bậc, mức lương, chế độ chính sách của Thẩm phán để thuận tiện trong quá trình luân chuyển, điều động Thẩm phán sang làm Thẩm tra viên và ngược lại bổ nhiệm Thẩm tra viên làm Thẩm phán.

2.2.3. Thư ký Tòa án

Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với Thư ký Tòa án theo hướng quy định hệ thống lương và chính sách đối với Thư ký Tòa án do Nhà nước quy định phù hợp với đặc thù của công tác xét xử.

 

Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự - Ảnh: Di Linh

THÁI VŨ